.

Đà Nẵng giữ lại cầu Nguyễn Văn Trỗi

.

Sáng 2-2, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh cho hay vừa có ý kiến chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) và các cơ quan chức năng nghiên cứu giữ lại cầu Nguyễn Văn Trỗi mang đầy dấu ấn lịch sử trên dòng sông Hàn chảy ngang giữa lòng thành phố.

 

Cầu Nguyễn Văn Trỗi sẽ được Đà Nẵng giữ lại làm cầu đi bộ và phục vụ du lịch
Cầu Nguyễn Văn Trỗi sẽ được Đà Nẵng giữ lại làm cầu đi bộ và phục vụ du lịch

Trước đó, năm 2010, để xây dựng mới cầu Trần Thị Lý (loại cầu dây văng một trụ tháp nghiêng, cao 145m so với mực nước biển, trên đỉnh tháp có bố trí sàn vọng cảnh phục vụ du khách tham quan với tổng vốn đầu tư hơn 1.4000 tỉ đồng), UBND TP Đà Nẵng đã cho phép tháo dỡ hai cây cầu cũ là Trần Thị Lý - Nguyễn Văn Trỗi vốn đã xuống cấp nặng nề. Hiện cầu Trần Thị Lý (cũ) đã được tháo dỡ.

Theo kế hoạch, sau khi cầu Trần Thị Lý (mới) xây dựng xong vào năm 2013 sẽ tiếp tục tháo dỡ cầu Nguyễn Văn Trỗi. Tuy nhiên trong chuyến thị sát ngày 1-2, ông Nguyễn Bá Thanh đã chỉ đạo nghiên cứu giữ lại cây cầu có kết cấu dạng cầu dàn thép poni với kiến trúc khá đẹp này và biến thành cầu đi bộ. Bố trí cảnh quan phù hợp để người dân và du khách có thể dừng trên cầu nghỉ ngơi, vãn cảnh sông Hàn cùng vẻ đẹp của cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý (mới) sau khi hoàn thành.

Sở GTVT Đà Nẵng cho hay, cầu Nguyễn Văn Trỗi (xây dựng năm 1965) là cầu đường bộ đầu tiên bắc qua sông Hàn (năm 1960, cầu Trần Thị Lý cũng đã được xây dựng cách 70m về phía thượng lưu song là cầu đường sắt, sau năm 1975 mới cải tạo thành cầu đường bộ). Mục đích ban đầu của hai cây cầu này đều là phục vụ chuyên chở vũ khí, khí tài từ cảng Tiên Sa vào Đà Nẵng nên quân đội Mỹ chỉ xây dựng theo kiểu dã chiến. Trước khi có cầu quay Sông Hàn (năm 2000), đây là nơi duy nhất để phương tiện giao thông đường bộ có thể vượt sông mà không phải sử dụng thuyền, phà.

Sau gần nửa thế kỷ, cũng như cầu Trần Thị Lý cũ, cầu Nguyễn Văn Trỗi không còn đáp ứng nổi nhu cầu ngày càng tăng về vận tải khách, hàng hoá phục vụ thương mại, dịch vụ, du lịch giữa trung tâm TP Đà Nẵng ở phía bờ Tây và khu du lịch phía bờ Đông sông Hàn; đồng thời không đáp ứng yêu cầu về mỹ quan đô thị. Do vậy, việc tháo dỡ cây cầu này để phục vụ cho việc xây dựng một cây cầu mới to đẹp hơn gần như là điều tất yếu.

Bia tưởng niệm liệt sĩ Nguyễn Văn Dự ở đầu cầu phía Tây cầu Nguyễn Văn Trỗi
Bia tưởng niệm liệt sĩ Nguyễn Văn Dự ở đầu cầu phía Tây cầu Nguyễn Văn Trỗi

Dẫu vậy, nhiều thế hệ người Đà Nẵng vẫn cảm thấy có chút gì hoài niệm khi một trong những dấu tích trực quan hiếm hoi còn lại về một “Đà Nẵng – căn cứ quân sự liên hợp khổng lồ” của quân đội Mỹ - nguỵ ở miền Nam trong thời kỳ chiến tranh, cuối cùng cũng phải bị xoá sổ.

Tại đây, lúc 8g45 sáng 29-3-1975, chiến sĩ Nguyễn Văn Dự (Biệt động thành Đà Nẵng) đã anh dũng ngã xuống khi cùng đồng đội đánh chiếm bến tàu quân sự dưới chân cầu Trịnh Minh Thế (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi) chặn đường tháo chạy của quân nguỵ. Chỉ hơn 2 giờ sau, lá cờ cách mạng được cắm trên nóc Toà Thị chính Đà Nẵng. Anh được ghi nhận là chiến sĩ cuối cùng hy sinh trước giờ Đà Nẵng giải phóng. Một tấm bia đã được dựng lên ở bờ Tây sông Hàn, cách cầu Nguyễn Văn Trỗi 300m để tưởng nhớ sự kiện này...

Vì lẽ đó, khi hay tin lãnh đạo TP chủ trương giữ lại cầu Nguyễn Văn Trỗi vừa như một chứng nhân lịch sử cho bao thăng trầm, đổi thay của quê hương, vừa như một công trình phục vụ du lịch, nhiều người Đà Nẵng đã bày tỏ sự đồng tình ủng hộ. Tuy vậy, cái khó của việc giữ lại và cải tạo cầu Nguyễn Văn Trỗi, theo ông Nguyễn Bá Thanh, là độ tĩnh không thông thông thuyền của cầu rất thấp nên tàu du lịch không thể qua được.

Bia tưởng niệm liệt sĩ Nguyễn Văn Dự ở đầu cầu phía Tây cầu Nguyễn Văn Trỗi
Đà Nẵng đang xem xét nhiều phương án để vừa giữ lại cầu Nguyễn Văn Trỗi, vừa đảm bảo tĩnh không thông thuyền cho tàu thuyền du lịch trên sông Hàn

Do vậy, ông đã giao Sở GTVT nghiên cứu hai phương án: Hoặc dỡ bỏ một trụ giữa, dùng kích điện để nâng đoạn cầu giữa sông lên khi có tàu du lịch qua. Hoặc làm mái vòm đoạn cầu giữa sông, tức là đoạn cầu giữa sẽ được cuốn cong lên thành một mái vòm để tạo độ cao cho tàu du lịch thông thương.
Trong đó, ông Nguyễn Bá Thanh cho biết đang nghiêng nhiều về phương án 1. Vì là cầu dành cho người đi bộ, du lịch nên vật liệu thiết kế đoạn cầu kích nâng bằng điện có thể rất nhẹ, chỉ cần khoảng 10 phút để nâng đoạn cầu giữa lên cho tàu thuyền du lịch đi qua. Và đây cũng sẽ lại là một dạng cầu độc đáo nữa trên sông Hàn, bên cạnh chiếc cầu quay nổi tiếng!

Hải Châu (Infonet)

;
.
.
.
.
.