.
Chủ trương, văn bản và cuộc sống

Kỳ cuối: Đồng thuận với chủ trương của thành phố

.

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, nhiều nhà nghiên cứu, giảng dạy xã hội học, luật sư và người dân Đà Nẵng đồng tình, ủng hộ tư duy vượt trước của lãnh đạo thành phố.

Để xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại, một thành phố an bình, đáng sống, Đà Nẵng phải có chính sách phân bố dân cư hợp lý vào từng thời kỳ, từng khu vực. TRONG ẢNH: Một góc đường Điện Biên Phủ, thuộc địa bàn quận Thanh Khê.                                                                                     Ảnh: QUỐC TÍN

Để xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại, một thành phố an bình, đáng sống, Đà Nẵng phải có chính sách phân bố dân cư hợp lý vào từng thời kỳ, từng khu vực. TRONG ẢNH: Một góc đường Điện Biên Phủ, thuộc địa bàn quận Thanh Khê.     Ảnh: QUỐC TÍN

* Thạc sĩ T.V.V, giảng viên Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng):

Ngôi nhà 10 người, nếu chứa 30 người là quá chật chội

Thời gian qua, tình trạng biến động, gia tăng dân số tự nhiên lẫn cơ học tại các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… liên tục xảy ra, gây không ít khó khăn cho công tác quản lý của chính quyền các địa phương. Bởi lẽ, những đô thị lớn có điều kiện kinh tế - văn hóa - xã hội tốt, nên lực lượng lao động từ các địa phương khác đổ về đây để sinh sống, lập nghiệp.

Muốn kinh tế - xã hội phát triển theo chiều hướng tốt, phải có sự tương quan giữa sản xuất con người và sản xuất vật chất, hai yếu tố này cân bằng nhau. Vì vậy, từng địa phương phải có biện pháp cân đối dân số để phát triển. Với một đô thị lớn như Đà Nẵng, nhu cầu nhập cư của người dân là chính đáng. Nhưng vấn đề ở đây là điều kiện kinh tế - đô thị có giới hạn, nếu không giải quyết tốt vấn đề nhập cư sẽ dẫn đến cung không đủ cầu. Nói nôm na, một ngôi nhà chỉ đủ dành cho 10 người ở, nhưng nếu chứa cùng lúc 30 người sẽ dẫn đến chật chội, bức bí. Mặt khác, nếu để xảy ra tình trạng nhập cư ồ ạt, sẽ sinh ra các vấn đề xã hội phức tạp khác như thất nghiệp, đói nghèo, thiếu chỗ ở…

Ở góc độ dân số, có thể khẳng định rằng biện pháp hạn chế nhập cư, tăng dân số cơ học ở mỗi đô thị là tất yếu, không sớm thì muộn cũng được chính quyền các đô thị lớn thực hiện. Điều này thể hiện trách nhiệm của chính quyền trong việc quản lý, điều hành trật tự đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

* Ông Trần Công Đáng, Chủ tịch Hội Luật gia Đà Nẵng:

Pháp luật phải liên tục hoàn thiện để theo kịp cuộc sống

Quy định hạn chế những người không có việc làm, không có chỗ ở ổn định, người có nhiều tiền án, tiền sự nhập cư vào nội thành Đà Nẵng xuất phát từ thực tiễn phát triển của thành phố. Thực tiễn ấy đòi hỏi công tác quản lý, phân bổ dân cư một cách hợp lý nhằm nâng cao chất lượng dân số, tiến tới xây dựng thành phố đáng sống. Trước hết, phải khẳng định rằng nhờ có sự đồng thuận cao giữa chính quyền với nhân dân, Đà Nẵng mới có được hệ thống hạ tầng cơ sở khang trang, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Với chính sách thu hút nhân tài, Đà Nẵng luôn đón nhận những người có trình độ học vấn cao đến định cư, làm việc. Thành phố tạo điều kiện thuận lợi nhất để những người nhập cư theo diện này có nhà ở ổn định cùng các chính sách ưu đãi khác để yên tâm làm việc. Điều đó cho thấy, Đà Nẵng tập trung mọi giải pháp để nâng cao chất lượng sống cho cư dân, không kể là người địa phương hay người nơi khác đến.

Việc hạn chế nhập cư vào nội thành đối với những người chưa có việc làm, chưa có chỗ ở ổn định, những người có tiền án, tiền sự là biện pháp quản lý, phân bổ dân cư nhằm bảo đảm điều kiện chất lượng sống cho cư dân. Thực tiễn phát triển của đời sống xã hội đòi hỏi pháp luật của Nhà nước cần phải liên tục được hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu cao hơn trong công tác quản lý xã hội nhưng không làm hạn chế quyền con người.

* Bà Nguyễn Thị Lan, cư dân phường Hải Châu 1, quận Hải Châu:

Dân cư đông đúc không bảo đảm chất lượng sống

Đà Nẵng đang có hạ tầng cơ sở rất tốt, an ninh trật tự được bảo đảm. Nếu một ngày nào đó trung tâm Đà Nẵng quá đông đúc người, điều gì sẽ xảy ra? Trên đường phố sẽ là dòng người dài hàng cây số chen chúc trong khói xe. Không khí sẽ ô nhiễm nặng nề. Rồi tình hình an ninh trật tự phức tạp, tội phạm và tệ nạn xã hội gia tăng. Những ngôi nhà, căn hộ sẽ chật ních người vì nhập cư dễ dàng mà không cần tính đến những điều kiện sống tối thiểu... Đó là những hình ảnh trái ngược với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố đáng sống, thành phố môi trường. Theo tôi, cần có biện pháp phân bổ dân cư cũng như biện pháp quản lý nhập cư hợp lý. Trung tâm thành phố đông đúc quá không phải là điều tốt.

NGỌC ĐOAN - SƠN TRUNG ghi

;
.
.
.
.
.