Bộ luật Lao động sửa đổi được Quốc hội bỏ phiếu thông qua chiều 18-6 sẽ chính thức áp dụng từ 1-5-2013. Luật mới “nới” nhiều quy định có lợi cho người lao động về tiền lương, tiền làm thêm giờ, chế độ nghỉ thai sản…
Với số phiếu tán thành rất cao, Quốc hội đã thống nhất áp dụng chung thời gian nghỉ thai sản (trước và sau khi sinh con) của lao động nữ là 6 tháng (so với quy định nghỉ 4 tháng hiện hành). Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.
Về chế độ tiền lương, người lao động khi làm thêm giờ sẽ được tính lương bằng ít nhất 150% vào ngày thường, bằng ít nhất 200% vào ngày nghỉ hằng tuần. Làm thêm ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300%, chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày. Riêng người lao động làm việc vào ban đêm sẽ được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.
Người lao động không được làm thêm quá 50% số giờ làm việc chính thức trong một ngày. Trong trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 30 giờ trong 1 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 1 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 1 năm.
Về quy định tuổi nghỉ hưu, Quốc hội vẫn giữ nguyên độ tuổi là 55 với nữ và 60 tuổi với nam như quy định hiện hành. Theo đó, người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.
P.V (theo DTO)