Chính trị - Xã hội

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH

Cưu mang người khuyết tật

09:40, 03/01/2013 (GMT+7)

Trung tâm Hướng nghiệp Từ thiện của Hội Chữ thập đỏ thành phố trên địa bàn phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) đang nuôi dưỡng hơn 60 người khuyết tật, quê ở Đà Nẵng và Quảng Nam, hầu hết từ 15-25 tuổi.

Những thanh-thiếu niên sống ở Trung tâm Hướng nghiệp Từ thiện được chu cấp ăn, ở nội trú và mọi chi phí đều do các nhà hảo tâm ủng hộ, nhằm bảo đảm đến năm 26 tuổi, các thanh - thiếu niên này có thể tìm kiếm, tạo lập phương kế mưu sinh. Tuy vậy, nhiều người đã quá tuổi ấy nhưng chưa có khả năng tự lao động kiếm sống thì Trung tâm vẫn tiếp tục nuôi.

Các thanh - thiếu niên được Trung tâm nuôi dưỡng, cho học chữ và học nghề, tùy từng trường hợp cụ thể. Những em khuyết tật mà mắt và chân tay vẫn bình thường thì được học nghề may. Những em khuyết tật về chân, nhưng đôi tay vẫn khỏe mạnh thì Trung tâm bố trí học các nghề thêu thủ công. Còn đối với các dạng khác, tùy theo mức độ khuyết tật của từng em, Trung tâm bố trí đào tạo nghề phù hợp.

Em N.L.P bị bệnh tự kỷ, lúc ở nhà thường trốn trong góc vì sợ tiếp xúc với người khác. Vào Trung tâm, P. được các thầy cô ân cần chăm sóc, bệnh tự kỷ đã đỡ nhiều, nhưng khả năng tiếp thu rất kém nên được hướng dẫn kết cườm trên liễn. Em Nguyễn Thị Diễm được bố trí học nghề may và đã may được nhiều kiểu quần áo. Trong khi đó, Nguyễn Văn Hùng, Võ Thanh Hiếu và một nhóm bạn khiếm thị miệt mài với công việc in thủ công...

Mỗi tuần 3 tối, các em còn được học văn hóa ngay tại Trung tâm, do sinh viên các trường đại học dạy tự nguyện, còn chiều thứ 3 và thứ 5 hằng tuần thì được các tình nguyện viên quốc tế dạy tiếng Anh. “Dẫu phần lớn các cháu tiếp thu rất chậm, nhưng chúng tôi luôn ân cần động viên, khích lệ, kiên trì hướng dẫn từng ly từng tí và xem các cháu như con của chính mình”, ông Lê Tấn Hồng - Giám đốc Trung tâm chia sẻ.

Với sự cưu mang, đùm bọc của Trung tâm Hướng nghiệp Từ thiện, những năm qua, không ít trường hợp đã tìm được việc làm và xây dựng được tổ ấm hạnh phúc. Nguyễn Văn Trung ở phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) và Đỗ Hoàng Kim ở tỉnh Quảng Ngãi đều bị câm điếc, được lãnh đạo Trung tâm bố trí học nghề in và nghề may. Môi trường có sự đồng cảm và lao động hợp lý trở thành phương thuốc chữa bệnh rất công hiệu. Nhờ đó, các em đã không ngừng nâng cao tay nghề và tiến triển tốt về việc phục hồi chức năng. Trung và Kim đã xin được việc làm tại một xí nghiệp trên địa bàn quận và đến với nhau trong tình yêu.

Cán bộ, nhân viên ít nên lãnh đạo trung tâm phải xây dựng thêm đội ngũ tình nguyện viên và đã nhận được sự hỗ trợ của nhiều tấm lòng nhân ái. Ông Hứa Minh Trung (ở phường Phước Ninh, quận Hải Châu) đều đặn mỗi tuần 2 buổi đến đây dạy vẽ miễn phí và coi việc giúp đỡ những cháu tật nguyền này là niềm vui trong cuộc sống.

Trong tình thương yêu của những người mẹ hiền ở Trung tâm Hướng nghiệp Từ thiện, nhiều thanh - thiếu niên đã nỗ lực vươn lên, đạt thành tích khả quan trong học chữ, học nghề và trở thành tấm gương sáng về ý chí vượt lên số phận. Tiêu biểu như em Nguyễn Văn Nam, dù cả tai và mắt đều khiếm khuyết nhưng sử dụng vi tính rất thành thạo, được chọn làm trợ giáo trong một số hoạt động. Em Võ Thị Thanh Hằng đi lại rất khó khăn nhưng kiên trì, bền bỉ học nghề thêu và đến nay đã thêu được những bức tranh có giá bán vài triệu đồng...

LÊ VĂN THƠM

.