(ĐNĐT) - Ngay sau khi cơn bão số 11 càn quét qua thành phố Đà Nẵng và tàn phá nặng nề, gây thiệt hại lớn về tài sản, trong ngày 15-10, chính quyền thành phố, các địa phương cùng các cấp, ngành, đoàn thể đã chung tay khắc phục nhanh những hậu quả trước mắt do bão gây ra.
Cơn bão đổ bộ vào Đà Nẵng rạng sáng nay đã gây nhiều thiệt hại. Hàng chục ngàn ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng nặng. Hàng ngàn cây xanh bị gãy, đổ đã gây ách tắc giao thông ở nhiều tuyến phố ở Đà Nẵng. Đã có 3 người chết (đều ở Quảng Nam) và 11 người của Đà Nẵng bị thương.
Hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái
Với địa hình trải dài ven biển, quận Liên Chiểu là địa phương bị thiệt hại khá nặng do bão số 11. Khi gió chưa ngớt, đến đâu chúng tôi cũng chứng kiến cảnh tan hoang do bão. Tôn lợp nhà cong queo, méo mó vương vãi khắp nơi. Trên mái của nhiều ngôi nhà chỉ còn trơ lại mấy thanh xà gồ.
Hàng trăm nhà máy, xí nghiệp ở KCN Hòa Khánh, Liên Chiểu bị bão đánh tơi tả |
Dọc các tuyến đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Cừ, cây cối đổ, ngã ngổn ngang. Hầu như toàn bộ bảng hiệu trước các quầy hàng dọc phố bị bão đánh tơi tả. Bờ biển tại tổ 4 và 5 phường Hoà Hiệp Bắc xâm thực sâu vào đất liền so mấy ngày trước đó hơn chục mét. Ngôi nhà khung sắt, mái tôn của đơn vị thi công kè chắn sóng tại Kho Xăng dầu K83 quân đội đã bị sóng đánh sập nằm chỏng chơ sát mép bờ biển. Gần chục ngôi nhà đang đứng trước nguy cơ bị sóng biển nuốt chửng.
Tại quận Liên Chiểu, Bí thư Quận ủy Lương Nguyễn Minh Triết, cho biết có hơn 500 nhà dân tốc mái, 36 nhà cấp 4 bị sập một phần, 18 nhà sập hoàn toàn. 1 tàu cá neo đậu tránh bão tại đảo Lý Sơn bị sóng đánh bể be. Cây cối bị bão gây gãy, đổ rất lớn, ước hàng chục nghìn cây các loại. Về người, an toàn tuyệt đối.
Cây trụ điện bị bão đánh ngã trên tuyến quốc lộ 1A đoạn qua quận Liên Chiểu |
Ngay khi bão tan, UBND quận đã huy động các lực lượng công an, quân đội, dân quân và cả đông đảo nhân dân tập trung thu dọn cây cối bị gãy, đổ, đảm bảo lưu thông.
Theo Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng, lượng rác phát sinh do cơn bão số 11 gây ra trên địa bàn thành phố ước khoảng 80.000 tấn (gần bằng với lượng rác của cơn bão số 6 năm 2006), chưa kể hơn 500 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày mà đơn vị phải vận chuyển ra khỏi thành phố. Huy động hết công suất thiết bị và nhân lực hiện có, công ty cũng chỉ vận chuyển được khoảng 800-1.000 tấn rác/ngày. Dự kiến, để giải toả hết lượng rác kể trên, đơn vị phải thực hiện trong ít nhất 7-8 ngày. Hiện công ty đã huy động khoảng 750 người tham gia thu dọn vệ sinh môi trường trên toàn thành phố. |
Với các nhà tốc mái, có sự hỗ trợ của lực lượng dân quân, dân phòng, từng hộ khắc phục bằng cách thu nhặt các tấm tôn bị bong tróc, mua mới lợp lại. Đến chiều 15-10, có khoảng gần 100 nhà đã lợp lại như cũ. Riêng số nhà bị sập đổ hoàn toàn, chiều 15-10, cơ quan chức năng sẽ thẩm định, nếu là nhà có người ở, chính quyền quận sẽ hỗ trợ xây dựng lại. Công việc này từ sáng 16-10 sẽ triển khai.
Tại quận Hải Châu, theo thống kê sơ bộ ban đầu, đã có khoảng 350 ngôi nhà bị tốc mái một phần, 40 ngôi nhà bị tốc mái hoàn toàn, 6 ngôi nhà bị sập (trong đó có 1 hộ nghèo vừa được quận hỗ trợ kinh phí xây xong). Các trường, trạm y tế hầu như bị tốc mái, hư hỏng nặng; tường rào bị đổ rạp, các tấm kính vỡ nát. Cây xanh hầu hết bị gãy, đổ, gây tắc nghẽn giao thông cục bộ trên địa bàn quận.
Tại quận Thanh Khê, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Thanh Khê Nguyễn Thanh Xuân cho biết, quận đã tập trung chỉ đạo các phòng, ban, phường trên địa bàn quận tập trung công tác thống kê thiệt hại và khắc phục sau bão. Ông Đinh Quang Tưởng, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Hà (quận Thanh Khê) cũng cho biết theo thống kê ban đầu, phường có nhiều cây gãy đỗ, 1 nhà bị tốc mái hoàn toàn và hơn 20 nhà bay tôn, hư hại từ 30-50% ngôi nhà.
Tập trung khắc phục hậu quả cây gãy đổ sau bão |
Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ - Võ Văn Thương cho biết thiệt hại do bão gây ra không lớn. Theo thống kê sơ bộ, có 17 nhà bị sập 1 phần, 17 nhà sập hoàn toàn, 109 nhà bị tốc mái một phần, 62 nhà bị tốc mái hoàn toàn. Không có người tử vong. Các trường Tiểu học Thái Thị Bôi, Trần Nhân Tông, Diên Hồng, Hoàng Dư Khương; trường THCS Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Thị Định… bị hư hỏng, tốc mái một số phòng học. Một số cơ quan, công sở bị tốc mái, hư hỏng cửa kính… Số cây xanh gãy đổ khá nhiều.
Riêng đối với quận Ngũ Hành Sơn, đã có 3 người bị thương nhẹ, không có người chết. Địa phương đang tích cực rà soát, thống kê số nhà bị sập, tốc mái để báo cáo nhanh với Thường trực Thành ủy; Thường trực UBND thành phố.
Trong khi đó, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải cho biết, hiện công ty đang triển khai khơi thông cát và rác thải tại các cửa thu nước để đảm bảo lưu thông dòng chảy. Các trạm xử lý nước thải Thọ Quang, Sơn Trà bị sập tường rào, vành đai cây xanh bao quanh bị đổ gần hết. Đến chiều 15-10, công nhân công ty vẫn đang nỗ lực chặt cây, cành đổ, gãy để đảm bảo xe cộ được lưu thông. Trạm bơm Thuận Phước do mất điện nên không vận hành được, Công ty đã tập trung công nhân kéo cửa chắn nước bằng tay để lưu thoát nước tạm thời. Do trạm bơm vận hành thủ công nên đã gây ngập cục bộ 1 số tuyến đường lân cận như Hải Hồ, Lương Ngọc Quyến, Đống Đa, Quang Trung…
"Không để dân thiếu ăn, thiếu mặc hậu bão"
Phát biểu tại cuộc họp của Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão 11 vào sáng nay (15-10), Bộ trưởng Bộ NN&PTNN, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương Cao Đức Phát yêu cầu chính quyền cơ sở phải tổ chức ngay công tác kiểm tra, phát hiện nhà bị đổ, tốc mái; nhanh chóng cứu trợ người bị thương; giải tỏa giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A khi bớt gió. Các lực lượng cơ động tại địa phương ra quân dọn dẹp cây đổ để thông suốt giao thông, phục vụ cho công tác chỉ đạo và cứu trợ.
Dọn đường sau bão |
Công ty Điện lực miền Trung huy động, tập trung lực lượng đến những vùng bị ảnh hưởng nặng để khắc phục kịp thời những vùng bị mất điện; ưu tiên khắc phục trước tại các bệnh viện, trường học… Đảm bảo đủ lượng hàng hóa cung cấp cho thị trường sau bão. Nhanh chóng vệ sinh môi trường để phòng, chống dịch bệnh; chuẩn bị đối phó với mưa lớn trong những ngày tới; các địa phương chủ động hỗ trợ lương thực thiết yếu cho người dân.
Tại cuộc họp nhanh diễn ra ngay sau cuộc họp khẩn của Ban chỉ đạo tiền phương vào sáng 15-10, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ yêu cầu các địa phương nhanh chóng tổng rà soát lại những trường hợp bị thương, những hộ có nhà tốc mái hoặc hư hỏng hoàn toàn, đang gặp nhiều khó khăn để có phương án hỗ trợ. Đảm bảo không để bất kỳ người dân nào không có chỗ ở.
Lực lượng chức năng chỉ đạo công tác giải tỏa trên các tuyến đường để đảm bảo giao thông trên địa bàn. Dọn dẹp vệ sinh tại các tổ dân phố nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường; không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc. Ngành Công thương cần đảm bảo cung ứng đủ nhu yếu phẩm cần thiết, tăng cường kiểm soát giá tiêu dùng, không để tình trạng tăng giá bất hợp lý sau bão. Nhanh chóng sửa chữa các trường học để học sinh trở lại trường sớm. Tăng cường quản lý vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh sau bão. Đề phòng nguy cơ mưa lũ, sạt lở có thể xảy ra tại các xã của huyện Hòa Vang.
Ngay sau khi cơn bão số 11 đi qua, đầu giờ chiều ngày 15-10, Thành đoàn Đà Nẵng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc huy động hàng trăm đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tham gia khắc phục hậu quả sau bão. Thành đoàn Đà Nẵng cũng đã thành lập đội thanh niên tình nguyện gần 40 người tham gia cắt, tỉa, dựng lại cây xanh, thông đường ở nhiều tuyến đường lớn như: 2-9, Trần Phú, Bạch Đằng… Hàng trăm ĐVTN ở các Quận, Huyện Đoàn như: Liên Chiểu, Thanh Khê, Sơn Trà…, Đại học Đà Nẵng đã nhanh chóng tỏa về các khu dân cư tham gia thu dọn rác, nhánh cây bị gãy, đổ trên các tuyến đường, giúp dân sửa chữa lại nhà cửa. Đặc biệt, tập trung dọn vệ sinh ở các trường học nhằm đảm bảo kịp cho học sinh đến trường. |
Nhóm PV