"Làm giáo dục thì không mưu tìm lợi nhuận, còn những người có tiền, có vốn mà muốn giàu hơn thì nên đầu tư ở những lĩnh vực khác". Giáo sư Trần Văn Thọ nhấn mạnh như vậy khi nói về chủ đề đại học tư thục, một vấn đề đang rất nóng hiện nay.
Được sự đồng ý của tác giả, chúng tôi đăng lại toàn văn bài viết về chủ đề này, cùng với đó, bạn đọc có thể tham khảo thêm về đại học Waseda (Nhật Bản) qua bài viết của Giáo sư Trần Văn Thọ: Câu chuyện của một đại học lý tưởng thời Minh trị Duy Tân.
Giáo sư Trần Văn Thọ phát biểu trong một buổi tọa đàm tổ chức tại Đà Nẵng. Ảnh: ĐOÀN LƯƠNG |
Đọc báo trong nước mấy ngày hôm nay tôi lại buồn cho tình hình hình đại học tư thục tại Việt Nam.
Theo những gì đọc được trên báo liên quan đến Đại học Hoa Sen thì đang có sự tranh chấp giữa những cổ đông góp vốn xây dựng trường và giữa những người góp vốn với hội đồng quản trị và ban giám hiệu. Nội tình của đại học này tôi không rõ, nhưng có một điểm đã rõ và làm tôi chú ý. Đó là các cổ đông có vốn chi phối muốn quy định mức cổ tức (tỉ lệ của tiền lời trên vốn đóng góp) là 30%, và mức cổ tức hiện hành là 20%. Được biết ngoài tỉ lệ cổ tức cao, các cổ đông còn được thưởng qua hình thức nhận thêm cổ phiếu mà không phải góp thêm vốn.
Con số 30% hay cả số 20% đều làm tôi rất ngạc nhiên và đây là động cơ thúc đẩy tôi viết bài này. Dù là 20%, một tỉ lệ tiền lời cao hơn rất nhiều (gấp khoảng 3 lần) so với lãi suất tiền gửi ở ngân hàng, cũng đủ để nói rằng những người góp vốn cho đại học chủ yếu không phải vì sự nghiệp giáo dục, mà nghiêng về mục đích kinh doanh. Mà kinh doanh trên giáo dục là chuyện đáng buồn, cần phải tránh nếu muốn đất nước phát triển. Đại học Hoa Sen là một trong những đại học tư được xã hội đánh giá cao mà tình hình còn như vậy thì ta có thể hình dung tính chất kinh doanh ở nhiều đại học tư khác còn mạnh hơn nữa.
Nếu dạy học đàng hoàng, cho tốt nghiệp người đủ tiêu chuẩn, ít nhất đủ trình độ trung bình của thế giới thì không thể nào có lời trong hoạt động đại học, mà ngược lại hoạt động này thường bị lỗ nên nhà nước phải hỗ trợ. Phải hiểu như vậy mới thấy vai trò, trách nhiệm của nhà nước và của cá nhân hoặc đoàn thể mở đại học tư. Cần nhấn mạnh một điểm nữa là những người có vốn muốn kinh doanh nên tránh xa lãnh vực giáo dục, và nhà nước phải có cơ chế để những người đó không kinh doanh được trong giáo dục.
Theo kinh nghiệm trước đây của một số nước bây giờ đã phát triển, như Nhật Bản chẳng hạn, một đại học tư ra đời và hoạt động muốn thực hiện sứ mệnh giáo dục phải có những đặc điểm, những điều kiện sau:
Thứ nhất, người sáng lập phải là những người có hoài bão đóng góp vào sự nghiệp khai dân trí, sự nghiệp trồng người cho đất nước. Họ có thể là nhà văn hóa, chính trị gia hay nhà doanh nghiệp đã về hưu nhưng có động cơ cao quý ấy khi lập đại học. Họ bỏ tài sản cá nhân vào sự nghiệp này hoặc vận động xã hội ủng hộ. Đại học cũng có hạch toán kinh doanh để bảo đảm sự bền vững về mặt tài chánh cho đại học nhưng không chia lời cho người góp vốn. Người góp vốn chỉ được tiếng thơm, được ghi lại trong lịch sử của nhà trường, hoặc được bầu làm hiệu trưởng (nếu là nhà văn hóa, học giả, hay danh nhân có tiếng trong xã hội) hoặc làm trong ban quản trị. Khi đảm nhận các công việc nầy, họ chỉ lãnh lương theo quy định, dù vốn bỏ ra nhiều. Nếu vốn bỏ ra lớn hoặc có công lớn trong việc xây dựng trường thì sau khi mất họ được đặt tên cho các giảng đường, thư viện hoặc các cơ sở khác của trường.
Số vốn ban đầu phải đủ để xây dựng cơ sở vật chất bước đầu đại học và sau đó tiếp tục vận động xã hội để phát triển thêm (Không phải như trường hợp của nhiều đại học tư ở Việt Nam là lúc đầu mượn tạm trường ốc để chiêu sinh, chiêu sinh nhiều với học phí cao nên sau vài năm dùng tiền học phí đó xây dựng trường ốc. Đây là một hình thái “bóc lột nguyên thủy” đối với những lớp sinh viên đầu tiên của trường).
Thứ hai, mức học phí ở đại học tư dĩ nhiên cao hơn trường công nhiều nhưng cũng không thể cao đến nỗi trường có thể có lời để chia cho người góp vốn (mà như trên đã nói đại học tư không có mục tiêu kinh doanh kiềm lời). Ngược lại, tổng thu từ học phí không đủ trang trải cho chi tiêu thường xuyên nên nhà nước phải hỗ trợ và lãnh đạo đại học tiếp tục vận động xã hội đóng góp vô vụ lợi.
Thứ ba, nhà nước có vai trò quan trọng đối với đại học tư. Việc xét duyệt, cấp phép thành lập phải rất thận trọng, nghiêm túc và khi đại học ra đời, nhà nước phải hỗ trợ tài chánh, bù vào chỗ thiếu hụt trong tổng chi tiêu thường xuyên của đại học. Nhà nước phải khuyến khích những người có tài sản đóng góp vào giáo dục nhưng không được cho phép họ kinh doanh. Ngoài ra phải cải cách hệ thống thuế nhằm đánh thuế cao trên tài sản kế thừa và khống trừ thuế cho những ai đem tài sản cống hiến cho giáo dục.
Dưới đây tôi xin giới thiệu về quá trình hình thành của Đại học Waseda (Tokyo), một trong những đại học tư tiêu biểu của Nhật. Đây là đại học tôi chọn giới thiệu vì tôi biết nhiều nhất, nhưng những đại học tư khác ở Nhật trên tinh thần và 3 đặc điểm đã nói cũng giống với Đại học Waseda. Gần đây đọc lại tư liệu, sách vở về bối cảnh ra đời và tâm huyết của những người sáng lập thời đó tôi không khỏi xúc động, và hiểu được vì sao đại học nầy có được vị trí xã hội như ngày hôm nay.
Okuma Shigenobu (1838-1922), người sáng lập Đại học Waseda, là một chính khách tầm cỡ thời Minh Trị Duy Tân. Ngoài các dấu ấn trong các lãnh vực chính trị và kinh tế, Okuma đặc biệt quan tâm việc đào tạo nhân tài và năm 1881 ông vận động thành lập đại học. Hồi đó ông nghĩ đến giai đoạn phát triển sắp tới của Nhật mà điểm trụ cột là xây dựng chế độ quân chủ lập hiến. Lúc đó mới có quân chủ chứ chưa có những tiền đề để xây dựng thể chế lập hiến. Nhật sẽ phải ban bố hiến pháp và tổ chức tổng tuyển cử. Okuma thấy rằng những sự kiện đó đối với người Nhật hoàn toàn mới lạ, nhất là việc ứng cử, bầu cử, làm sao để có những người được bầu ra hiểu được vai trò lập pháp của mình. Với suy nghĩ đó, Okuma thấy là phải lập một đại học nhằm giáo dục về chính trị, luật pháp và kinh tế để khai dân trí theo hướng đó. Hơn nữa, giáo dục bậc đại học còn sơ khai, nhu cầu đào tạo nhân tài nói chung rất lớn nên việc lập thêm đại học là cần thiết.
Trong việc xúc tiến lập đại học, Okuma chủ trương lập đại học tư vì ông cho rằng, trong bối cảnh chính trị thời đó, đại học tư được nhiều tự do trong nghiên cứu, giáo dục, dễ áp dụng phương châm mà ông cho là lý tưởng. Okuma đã quy tụ được nhiều trí thức và cựu quan chức giỏi có cùng lý tưởng giáo dục, trong đó người cộng sự đắc lực nhất là Ono Azusa (1852-1885). Ono lúc đó là một trí thức trẻ, từng du học ở Mỹ và Anh, vừa là người yêu nước, có lòng tự hào dân tộc cao, vừa thấm nhuần những giá trị của xã hội dân chủ pháp trị. Đại học mà Okuma và Ono lập ra năm 1882 lúc đầu có tên là Trường Chuyên môn Đông Kinh, có 3 khoa là kinh tế chính trị, luật và toán lý. Lúc đó ở Nhật chỉ có một đại học là Đại học Quốc lập Tokyo. Các trường khác tuy phương châm và nội dung giáo dục gần như một đại học nhưng vì quy mô nhỏ và cơ sở vật chất chưa đủ tiêu chuẩn nên chưa gọi là đại học. Trường Chuyên môn Đông kinh cũng nằm trong số đó, tuy sinh viên trong 3 khoa nói trên phải học 3 hoặc 4 năm mới tốt nghiệp. Thử tóm tắt mục đích thành lập, phương châm hoạt động và không khí của xã hội trong ngày lễ sáng lập Trường Chuyên môn Đông kinh để thấy lý tưởng, tinh thần trách nhiệm cao độ cũng như trí tuệ của những người thành lập trường.
Thứ nhất, lý tưởng của đại học được thể hiện bằng ba phương châm cơ bản. Một là nghiên cứu khoa học, học thuật, tư duy phải được tự do, độc lập; tinh thần của người dạy và người học là tự do, là độc lập với chính trị, với ảnh hưởng từ bên ngoài. Hai là đem học vấn vận dụng vào đời sống để xây dựng xã hội, đất nước. Ba là đào tạo những công dân mô phạm, tức là lớp người tài đức để gánh vác việc nước. Trong buổi lễ sáng lập trường, Ono Azusa đã triển khai các ý trên trong bài diễn văn sau đó trở thành nổi tiếng. Ông nói về phương châm thứ nhất như sau: Một nước độc lập là nước có những người công dân có tinh thần độc lập mà tinh thần đó có được nhờ có độc lập về học vấn, về tư duy. Ông cho rằng trước đây Nhật Bản du nhập văn hóa, ngôn ngữ, khoa học từ Trung Quốc, bây giờ du nhập văn minh, khoa học từ Tây phương, tuy việc du nhập ấy là cần thiết nhưng nếu Nhật không chú ý bồi dưỡng, xây dựng tinh thần độc lập cho công dân mình qua giáo dục, qua học thuật thì khó có độc lập về kinh tế, chính trị trên vũ đài quốc tế. Ba phương châm cơ bản nầy được gọi là ba giáo chỉ (tôn chỉ về giáo dục), cho đến bây giờ vẫn được Đại học Waseda gìn giữ, tuy nội dung có biến đổi cho hợp với từng thời đại.
Thứ hai, chất lượng đào tạo được chú trọng ngay từ đầu. Trong niên khóa đầu tiên trường chỉ nhận có 80 sinh viên vì điều kiện trường ốc và số giáo sư giảng dạy trong biên chế còn hạn chế; để đảm bảo chất lượng, chủ trương của những người sáng lập là không thể nhận nhiều hơn. Thêm nữa, trường chủ trương chỉ nhận những sinh viên giỏi và có hoài bão lớn. Số giáo sư, giảng viên chuyên trách lúc đó là 8 người, do đó tỉ lệ thầy giáo/sinh viên là 1/10. Riêng con số đó nói lên chất lượng giáo dục của một đại học tư mới ra đời.
Thứ ba, tuy khởi đầu bằng quy mô rất nhỏ như thế nhưng được xã hội quan tâm, sự quan tâm ngoài sức tưởng tượng của ta. Trước mặt 80 sinh viên trong buổi lễ sáng lập trường là hàng trăm khách mời toàn là những nhân vật quan trọng ở các giới, kể cả các chính khách, các nhà văn hóa nổi tiếng. Trong số khách tham dự có Fukuzawa Yukichi, nhà tư tưởng vĩ đại đã đưa ra thuyết Thoát Á làm chiến lược cận đại hóa Nhật Bản. Không khí trong ngày lễ sáng lập sôi nổi như vậy một phần là vì phương châm, lý tưởng giáo dục của những người sáng lập được đánh giá cao, một phần phản ảnh sự quan tâm của xã hội đối với sự nghiệp giáo dục của một nước đang khẩn trương chuẩn bị bước vào thời cận đại hóa. Một đại học tư nhưng được xã hội xem như là của chung cần được khuyến khích, yểm trợ.
Thứ tư, vì mục tiêu là đón nhận những sinh viên giỏi, có hoài bão, không kể thành phần xuất thân, và để khuyến khích con nhà nghèo hiếu học, trường đã quy định mức học phí rất thấp. Vì học phí thấp nên lương của giáo sư, giáo viên rất thấp. Nhưng trường đã quy tụ được nhiều giáo sư giỏi, ho đến vì lý tưởng giáo dục, sẵn sàng nhận mức lương bằng nửa lương của quan chức chính phủ. Vì học phí thấp và phải đầu tư mở rộng trường ốc nên những người sáng lập trường phải vừa vận động đóng góp ngoài xã hội vừa tự mình đóng góp bằng tài sản riêng. Riêng Okuma Shigenobu đã bán tư dinh của mình cho chính phủ Pháp (dùng làm cơ quan lãnh sự) để tặng không cho nhà trường.
Từ khởi đầu với 80 sinh viên, Trường Chuyên môn Đông Kinh sau đó phát triển thành một đại học, từ năm 1902 có tên là Đại học Waseda, một trong hai đại học tư nổi tiếng nhất ở Nhật. Hiện nay đại học có 11 khoa, với tổng số sinh viên khoảng 50.000. Sinh viên đông nhưng học phí không cao và giáo dục, nghiên cứu được chú trọng nên học phí chỉ trang trải độ 70% tổng chi thường xuyên, phần còn lại do chính phủ hỗ trợ và do đóng góp của xã hội. Trong số sinh viên tốt nghiệp đã có 7 người làm thủ tướng và nhiều người nổi tiếng khác trong chính giới, tài giới, ngôn luận, văn đàn, v.v..
Hoàn cảnh mỗi nước trong mỗi thời đại có thể không giống nhau nhưng lý tưởng, sứ mệnh giáo dục cần phải có của một đại học, dù là tư thục, thì ở đâu và bao giờ cũng thế. Cốt lõi của vấn đề là: làm giáo dục thì không mưu tìm lợi nhuận, còn những người có tiền, có vốn mà muốn giàu hơn thì nên đầu tư ở những lãnh vực khác.
GS TRẦN VĂN THỌ