Chính trị - Xã hội

85 MÙA XUÂN CỦA ĐẢNG (3-2-1930 - 3-2-2015)

85 năm đảng cộng sản Việt Nam - tiếp cận từ đổi mới phát triển xã hội (Tiếp theo)

08:15, 19/01/2015 (GMT+7)

2. Nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng

Tổng kết kinh nghiệm thực tiễn thế giới cho thấy, để thực hiện vai trò lãnh đạo phát triển xã hội, các đảng cầm quyền phải thực hiện những nhiệm vụ sau:

- Một là, Đảng phải vạch ra được phương hướng phát triển cho quốc gia/dân tộc. Với vai trò, trách nhiệm của đảng chính trị cầm quyền, đảng phải xây dựng được Cương lĩnh chính trị và thể chế hóa nó trong Hiến pháp, pháp luật, các chủ trương, chính sách của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Muốn vậy, Đảng cầm quyền phải có trí tuệ, có sức mạnh quy tụ, tập hợp lực lượng của các tổ chức chính trị, xã hội khác, bản thân đảng phải trong sạch, vững mạnh.

Hai là, tổ chức thực hiện đường lối đối nội, đối ngoại. Đảng cầm quyền trong xã hội hiện nay có vai trò tổ chức xã hội để tạo ra sự phát triển. Sự phát triển nhanh hay chậm, bền vững hay không bền vững phụ thuộc vào trình độ dân chủ của một xã hội. Uy tín đảng cầm quyền thể hiện rõ nhất ở trình độ dân chủ và sự phát triển bền vững về mọi mặt của xã hội. Sự thử thách, kiểm nghiệm uy tín của đảng cầm quyền đối với xã hội thể hiện rõ nhất ở chính những điều này. Thước đo uy tín của đảng cầm quyền để đảng đó để giữ vững vai trò lãnh đạo quản lý xã hội chính là ở đời sống xã hội mà trong đó con người - chủ thể của mọi xã hội - được giải phóng và tự do phát triển.

Để thực hiện vai trò này, đòi hỏi đảng cầm quyền phải có bộ máy tổ chức trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất, năng lực, trong đó quan trọng nhất là những những cán bộ, đảng viên nắm giữ những chức vụ chủ chốt trong bộ máy Nhà nước. Những cán bộ, đảng viên này chính là những nhà tổ chức thực hiện một cách tích cực nhất cho đường hướng phát triển đất nước.

Ba là, đảng cầm quyền là người “giữ nhịp” cho sự phát triển xã hội. Động lực phát triển xã hội phụ thuộc vào các lực lượng chính trị, xã hội khác cũng như vai trò của toàn thể nhân dân, nhưng đối với đảng cầm quyền thì vai trò này là rõ ràng nhất vì đảng có lợi thế trong hệ thống chính trị của đất nước. Vai trò này thể hiện rõ nhất trong những lúc nhạy cảm của đất nước, trong những lúc đất nước có những bước ngoặt quan trọng của sự phát triển, trong lúc tình hình thế giới có biến động ảnh hưởng tới sự phát triển chung. Hiện nay, khi thế giới đang bị ảnh hưởng xấu của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhịp độ phát triển của các quốc gia/dân tộc trên thế giới đang bị chững lại, sút giảm, thậm chí nhiều nước có mức tăng trưởng âm, vai trò của đảng cầm quyền ở mỗi nước càng bị thử thách nghiêm trọng. Vì vậy, đòi hỏi đảng phải có bản lĩnh và năng lực đáp ứng được yêu cầu lãnh đạo phát triển đất nước.

Bốn là, chăm lo xây dựng Nhà nước, bởi lẽ, Nhà nước chính là công cụ chủ yếu, rất sắc bén trong quản lý phát triển xã hội. Trong các nước xã hội chủ nghĩa, Nhà nước mang bản chất giai cấp công nhân do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Nhà nước là cơ quan quản lý xã hội thể hiện quyền lực do nhân dân làm chủ. Nhà nước phải được tổ chức vững mạnh trong việc thể chế hóa đường lối, quan điểm của đảng, trong việc xây dựng Nhà nước thực sự là công cụ chủ yếu để thực hiện quyền lực của nhân dân. Phát huy tính chủ động, sắc bén và hiệu lực quản lý, điều hành của Nhà nước đối với tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vai trò của đảng là lãnh đạo chính trị chứ không quản lý điều hành thay Nhà nước.

Sau khi hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất cầm quyền ở Việt Nam tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Điều đó có nghĩa là Đảng thông qua chính quyền nhà nước để lãnh đạo quản lý phát triển toàn xã hội. Đây là thay đổi căn bản trong hoạt động chính trị của Đảng ta.

Thực hiện những nhiệm vụ của đảng cầm quyền, Đại hội lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam (1976) đã đề ra đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước. Song do hạn chế trong nhận thức về chủ nghĩa xã hội lúc đó, đường lối phát triển đất nước của Đảng không đi vào cuộc sống, đất nước lâm vào khủng khoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Cuộc sống buộc Đảng ta phải tìm tòi con đường đổi mới để phát triển đất nước. Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12-1986), với tinh thần cầu thị “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật” đã đánh giá những yếu kém của Đảng trong lãnh đạo đất nước, quản lý và phát triển xã hội, từ đó chủ trương đổi mới sự phát triển xã hội. Chủ trương đúng đắn đó góp phần khắc phục khủng khoảng kinh tế - xã hội, cải thiện và từng bước nâng cao đời sống của nhân dân. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xác định mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

(Còn nữa)

PGS, TS TRƯƠNG MINH DỤC

.