Chính trị - Xã hội

Cụm dân cư an toàn về phòng cháy, chữa cháy ở Thanh Khê

07:57, 20/01/2015 (GMT+7)

Là quận trung tâm của thành phố Đà Nẵng, Thanh Khê có hạ tầng giao thông cơ bản hoàn thiện nhưng vẫn còn nhiều ngõ, hẻm ở các khu dân cư chưa được chỉnh trang, nguồn nước chữa cháy trong những khu vực này rất hạn chế.

Huy động nhiều phương tiện tham gia chữa cháy.
Huy động nhiều phương tiện tham gia chữa cháy.

Trong những năm qua, tình hình cháy, nổ trên địa bàn quận diễn biến khá phức tạp và rất khó lường. Nhiều khu dân cư, cơ sở sản xuất, kinh doanh giáp ranh với quận Hải Châu là những khu vực tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy lớn như: vùng giáp ranh chợ Cồn, Trung tâm thương mại Big C... Riêng trong hai năm 2013 và 2014 đã xảy ra 46 vụ cháy trong khu dân cư và các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Ngay sau khi được thành lập, Phòng Cảnh sát PCCC số 2 đã tranh thủ ý kiến chỉ đạo của Đảng ủy, UBND quận tham mưu chỉ đạo đẩy mạnh tăng cường PCCC&CNCH, đưa công tác xây dựng Cụm dân cư an toàn về PCCC trở thành một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, chính quyền và nhân dân quận Thanh Khê. Trong đó, mục tiêu phấn đấu là hoàn thành xây dựng Cụm dân cư an toàn về PCCC trước một năm theo lộ trình của thành phố.

Cùng với đó, Phòng tham mưu, đề xuất các chủ trương cụ thể: tuyên truyền, quán triệt ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành, các tổ chức cơ sở Đảng trong việc xây dựng Cụm dân cư an toàn về PCCC đi vào nền nếp, hiệu quả; vận động 100% các hộ dân tự nguyện mua bình chữa cháy; trang bị phương tiện chữa cháy cho lực lượng dân phòng, tổ chức tuyên truyền huấn luyện nghiệp vụ PCCC, thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại các khu dân cư.

Phòng Cảnh sát PCCC số 2 cũng đề nghị tổ chức phát động riêng phong trào toàn dân PCCC thay cho việc lồng ghép tuyên truyền PCCC trong các cuộc họp an ninh trật tự của tổ dân phố để quán triệt sâu hơn mục đích, ý nghĩa và các tiêu chí xây dựng Cụm dân cư an toàn PCCC, xác định rõ trách nhiệm của các phòng, ban, đơn vị liên quan và các hộ gia đình.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và sự đồng thuận của nhân dân, phong trào toàn dân PCCC trên địa bàn quận phát triển khá mạnh. Năm 2014, có 223/223 (đạt 100%) Cụm dân cư an toàn PCCC được xây dựng đảm bảo các tiêu chí.

Để đạt chỉ tiêu vận động 100% các hộ dân tự nguyện mua bình chữa cháy, Phòng Cảnh sát PCCC số 2 đã tham mưu một số biện pháp cụ thể như: tuyên truyền để quần chúng nhân dân nhận thức được sự cần thiết của việc trang bị bình chữa cháy gắn với việc an toàn của mỗi gia đình, đồng thời bắt buộc những hộ gia đình có kinh doanh, sản xuất xen kẽ trong khu dân cư phải trang bị bình chữa cháy; vận động các hộ gia đình có điều kiện, các hộ gia đình cán bộ, đảng viên... phải gương mẫu tự trang bị bình chữa cháy trước; có chủ trương trang bị phương tiện chữa cháy cho các hộ nghèo bằng việc trích kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương và vận động sự ủng hộ các tổ chức, cá nhân; tạm ứng kinh phí của địa phương để trang bị trước, sau đó thu tiền các hộ gia đình mỗi lần 10.000 đồng.

Ngoài ra, đối với các vụ cháy mà người dân sử dụng bình để dập tắt đám cháy, nếu số lượng lớn thì UBND quận có trách nhiệm hỗ trợ kinh phí để mua bình trang bị lại cho các hộ dân, các trường hợp còn lại giao UBND các phường chủ động xử lý.

Với cách làm trên, năm qua, Đảng ủy, UBND quận đã hỗ trợ 400 triệu đồng để xây dựng cụm dân cư và trang bị phương tiện chữa cháy; vận động các tổ chức, cá nhân, cho các hộ nghèo, gia đình khó khăn được 5.000 bình chữa cháy tương đương 100 triệu đồng, các tổ dân phố đã mua và trang bị theo hình thức thu theo từng đợt được 3.378 bình. Tính đến cuối năm 2014, có 35.873 bình chữa cháy được trang bị đến từng hộ trên tổng số 36.438 hộ gia đình, đạt 98,45%.  

Đối với tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ cho đội PCCC và quần chúng nhân dân tại khu dân cư, ngay sau mỗi đợt phát động, lực lượng Cảnh sát PCCC trực tiếp phối hợp với UBND và Công an 10 phường đến từng cụm để tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật PCCC, hướng dẫn lập và thực tập phương án chữa cháy, hướng dẫn cách sử dụng bình chữa cháy..., làm cơ sở để UBND các phường tiếp tục chỉ đạo duy trì công tác tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân thực hiện các biện pháp quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt, cam kết bảo đảm quy định PCCC; không sang chiết gas, không buôn bán vật liệu nổ, pháo trái phép; vận động các hộ gia đình tháo dỡ các bộ phận cơi nới lấn chiếm lối đi, thay thế các vật liệu che chắn trong nhà bằng các vật liệu khó cháy để hạn chế khả năng cháy lan; giải phóng các cành cây vật cản lối đi, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chữa cháy, cứu tài sản.

Theo thống kê, trong năm qua có 23/26 vụ cháy xảy ra trên địa bàn quận đã được lực lượng PCCC trong cụm dân cư và nhân dân phát hiện, dập tắt kịp thời không cháy lan, cháy lớn, bảo vệ được tính mạng và nhiều tài sản của Nhà nước, nhân dân.

Qua phong trào xây dựng Cụm dân cư an toàn PCCC có thể rút ra những bài học kinh nghiệm sau:

Một là: Công tác PCCC&CNCH, trong đó phong trào toàn dân PCCC phải đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp toàn diện của cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể và sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân. Lượng Cảnh sát PC&CC phải làm nòng cốt trong công tác tham mưu để cấp ủy, chính quyền địa phương đưa ra các chủ trương, chính sách và giải pháp phù hợp. Khi mục tiêu, yêu cầu chung của phong trào đúng đắn, thiết thực gắn với đời sống của cộng đồng thì sự góp sức của quần chúng nhân dân càng thêm mạnh mẽ, sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn PCCC.

Hai là: Khi có các chương trình, kế hoạch và giải pháp đúng đắn thì yếu tố cốt lõi cho sự thành công, đó là mọi công việc từ chỉ đạo, điều hành đến tổ chức thực hiện và kiểm tra phải hết sức cụ thể, chi tiết và sát với thực tiễn, phải có phân công phân nhiệm cụ thể cho từng ngành, từng đơn vị; phải đặt ra các chỉ tiêu cụ thể để kiểm tra đánh giá; cán bộ khi thực hiện nhiệm vụ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, linh hoạt trong xử lý tình huống và phải gắn công việc với quyền lợi thiết thân của người dân thì phong trào thật sự đi vào cuộc sống.

Ba là: Quá trình chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện, cấp ủy Đảng và chính quyền cấp trên phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá khách quan, trung thực, chính xác kết quả đã làm của cơ sở, rút ra những ưu điểm, những hạn chế, yếu kém để chấn chỉnh và hướng khắc phục phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương

Bốn là: Phải thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức PCCC trong nhân dân, phát huy được tính tự giác chủ động của từng người dân trong công tác này. Bên cạnh đó, cần quan tâm xây dựng lực lượng làm công tác phong trào toàn dân PCCC, tuyển chọn cán bộ thật sự có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức và tâm huyết với công việc, thường xuyên bồi dưỡng trình độ cho cán bộ làm công tác này về các mặt nghiệp vụ pháp luật…

Đại tá DƯƠNG CẢNH MAI

Giám đốc Cảnh sát PC&CC TP. Đà Nẵng

.