Chính trị - Xã hội
Dân có thể bầu trực tiếp Chủ tịch UBND phường
Góp ý dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, một số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị có thể quy định dân bầu trực tiếp chức danh "Chủ tịch UBND phường".
Sáng 20-1, tại phiên họp thứ 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương sau khi được Ủy ban Pháp luật tổng hợp, dự thảo từ ý kiến các đại biểu Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, có ý kiến đề nghị cần phân biệt giữa mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại địa bàn đô thị và tại địa bàn nông thôn để phù hợp với đặc điểm cũng như yêu cầu quản lý tại từng địa bàn.
Do vậy, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Nội vụ) đề nghị 2 phương án tiếp thu, chỉnh lý.
Phương án 1, ở địa bàn nông thôn, tổ chức cấp chính quyền (có HĐND và UBND) tại 3 cấp đơn vị hành chính là tỉnh, huyện, xã; ở địa bàn đô thị chỉ tổ chức cấp chính quyền (có HĐND và UBND) tại thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, quận và đơn vị hành chính tương đương; còn tại các phường (thuộc quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương) sẽ chỉ tổ chức cơ quan hành chính để thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương tại phường.
Theo Ủy ban Pháp luật, việc tổ chức theo phương án này thể hiện sự phân biệt giữa mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính nông thôn với đơn vị hành chính đô thị theo như yêu cầu nêu trong Hiến pháp năm 2013. Việc tổ chức chính quyền 2 cấp ở đô thị sẽ bảo đảm tính thống nhất, liên thông về quản lý quy hoạch, kết cấu hạ tầng và đời sống dân cư trên địa bàn, tinh giản về tổ chức bộ máy, song vẫn bảo đảm thực hiện quyền đại diện của nhân dân.
Còn phương án 2 là tiếp tục quy định cấp chính quyền địa phương (có HĐND và UBND) được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính, kể cả nông thôn và đô thị. Quy định này thể hiện sự thống nhất giữa việc phân chia đơn vị hành chính với việc thiết lập tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính đó.
Đồng tình với phương án 1, nhưng Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị bổ sung quy định người dân có thể bầu trực tiếp Chủ tịch UBND phường và từng phường sẽ có đại diện trên HĐND cấp quận để giám sát hoạt động.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng nếu quy định “cấp chính quyền” thì ở đó phải có UBND và HĐND. Nếu theo phương án 1 thì phường không phải là một cấp chính quyền (vì không có HĐND) nên UBND phải được tổ chức với quyền hạn, chức năng, mô hình theo kiểu quản lý đô thị.
Do vậy, nếu để 2 cấp chính quyền ở thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh thì số lượng thành viên của HĐND của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, của quận phải tăng lên để tăng cường giám sát hoạt động của cả phường, Chủ tịch Quốc hội góp ý.
Đồng tình với ý kiến dân bầu Chủ tịch UBND phường nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng chức danh này cũng như thành viên của UBND phường sẽ do UBND hoặc HĐND cấp trên phê chuẩn. Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội nêu một phương án khác là HĐND cấp trên bầu Chủ tịch UBND phường dựa trên danh sách cán bộ có số phiếu tín nhiệm cao của nhân dân trên địa bàn.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội lưu ý dự án Luật chưa quan tâm đến quy định và phân cấp về quyền hạn, trách nhiệm, chức năng của người đứng đầu hay Thường trực các cấp chính quyền địa phương.
Thêm vào đó, mô hình chính quyền ở hải đảo, đặc khu kinh tế vẫn còn “vắng bóng” trong dự án Luật và Chủ tịch Quốc hội cho rằng nên quy định theo chính quyền một cấp (gồm UBND và HĐND) ở những vùng này.
Sau phiên thảo luận hôm nay, các cơ quan thẩm tra, soạn thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện dự án Luật để tiếp tục trình Quốc hội tại kỳ họp giữa năm 2015.
Chinhphu.vn