Chính trị - Xã hội
Một con người tử tế
Trên mạng xã hội, nhà văn Nguyễn Quang Vinh viết: “Anh Thanh mất đi không chỉ để lại những điều tốt đẹp cho cuộc đời, những bài học sâu sắc cho giới lãnh đạo học tập, mà mỗi chúng ta cũng nhận từ anh một thông điệp sống - sống tử tế thì được đối xử tử tế”.
Học viên Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chụp ảnh chung với đồng chí Nguyễn Bá Thanh. (Ảnh tư liệu) |
Thổi lửa cống hiến
Đà Nẵng nổi tiếng với nhiều chính sách độc đáo do ông Nguyễn Bá Thanh khởi xướng, trong đó có quyết định tuyển chọn và trao cơ hội cho những cá nhân xuất sắc đến học tập ở các nước phát triển, có nền giáo dục hàng đầu thế giới. Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ra đời trong bối cảnh thành phố còn nghèo, do vậy khi chính sách ban hành có nhiều ý kiến, người ủng hộ hết lòng, cũng có người cho rằng lãng phí và không thực tế.
Tuy nhiên, thời gian chứng minh, việc đầu tư xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển vững chắc của Đà Nẵng. Bằng tư duy vượt trước của mình, sau 16 năm triển khai, ông Nguyễn Bá Thanh đã giúp thành phố hôm nay gặt hái được những “trái ngọt” là nguồn nhân lực khá phong phú, đa dạng ở nhiều ngành nghề, được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ tại các cơ sở uy tín trong và ngoài nước, sử dụng thành thạo ngoại ngữ, am hiểu văn hóa các nước, phong cách làm việc hiện đại… Ý tưởng “ngông cuồng, lãng phí” xưa kia giờ đây trở thành mô hình lý tưởng cho nhiều địa phương khác học tập.
Là một trong 3 học sinh đầu tiên được nhận học bổng Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, anh Nguyễn Đức Dưỡng vẫn giữ lại kỷ niệm và bức ảnh chụp cùng ông Nguyễn Bá Thanh trước khi lên đường sang Anh vào tháng 8 năm 2005. Trong lần trò chuyện đó, ông Thanh đã kể về những hoàn cảnh bất hạnh, những gia đình tận khổ, sự hy sinh của người dân thành phố cho những “công dân sắp xuất ngoại” nghe. Nghe để hiểu, để biết ơn và ra đi trong tâm thế: “Ra đi là để quay về”.
“Chúng tôi bước ra khỏi “ao làng” - biên giới Việt Nam với hoài bão dùng khả năng nghiên cứu, kết quả học tập xuất sắc, cách sống và làm việc hiệu quả để mang hình ảnh, niềm tự hào mang tên Đà Nẵng đến gần hơn với bạn bè quốc tế, qua đó khẳng định tài trí Việt trong môi trường đào tạo nơi xứ người. Chúng tôi ra đi với niềm đau đáu nhanh chóng quay về để tự hào được trả ơn với người dân thành phố, được phát huy khả năng sáng tạo và năng lực chuyên môn”, anh Nguyễn Đức Dưỡng nói.
Bằng tư duy vượt trước của mình, ông Thanh còn là người trực tiếp tìm và chọn vị trí bên dòng sông Hàn thơ mộng, tránh xa trung tâm thành phố để xây dựng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Từ khi thành lập đến nay, trường luôn là điểm sáng về cơ sở vật chất, trang thiết bị, về cơ chế đầu tư cho đội ngũ giáo viên. Bằng ý tưởng và tâm sức của ông, trường giờ đây đã thực sự trở thành cái nôi lý tưởng cho học sinh thỏa sức đam mê tri thức, nơi hướng đến mục tiêu là sự phát triển toàn diện của học sinh, nơi mỗi thầy cô tận tình chỉ bảo không chỉ kiến thức trong từng trang sách mà cả cách đối nhân xử thế, cách hoàn thiện kỹ năng mềm, phát huy tính sáng tạo… từ đó giúp các em thêm vững vàng khi bước ra khoảng trời rộng lớn ngoài trường học.
“Có lẽ, sự đầu tư vào giáo dục, vào thế hệ tương lai này sẽ giúp hình ảnh của ông mãi trường tồn trong lòng người dân Đà Nẵng. Trường quyết định thành lập Quỹ học bổng Nguyễn Bá Thanh như một sự tri ân dành cho người đã sáng lập”, thầy Trần Đình Vĩnh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn khẳng định.
Một học sinh cũ của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, bạn Hoàng Phúc Lâm cho biết, ngày đặt chân đến trường bạn chưa hiểu hết ý nghĩa của màu áo xanh mà bác Thanh đã dốc lòng, dốc sức chăm lo. Bạn chỉ thấy sự gần gũi, vui vẻ và dần trở thành niềm tự hào khi bác Thanh nhiều lần đến trường trò chuyện. Những câu chuyện về đạo làm con, đạo làm trò và việc ứng nhân xử thế ở đời được bác kể dí dỏm, dễ nghe, dễ hiểu và luôn luôn lý thú bởi không mang tính chất răn đe, giáo lý. Qua đó gửi đến các thế hệ học sinh thông điệp về lòng thương người, về ý thức vượt khó, ý thức trách nhiệm công dân, khát vọng cống hiến và sáng tạo.
“Tôi tin rằng, bác Thanh mất đi, thành phố Đà Nẵng mất một người lãnh đạo vì dân. Tuy nhiên, cái tâm, cái tầm của bác đã thấm vào mảnh đất, vào tim mỗi người dân nơi đây. Vì điều này mà những người con đất Quảng Nam, Đà Nẵng tài năng và tận tâm – những người không sống nhịp đời êm ả, không chấp nhận sự trì trệ, không chấp nhận để năm tháng tuổi trẻ trôi qua một cách hời hợt, bằng khối óc, sức sáng tạo và khả năng cống hiến sẽ thực hiện cơ đồ vĩ mô mà người từng kỳ vọng”, Lâm nói.
Bằng những câu chuyện, những lời dặn dò của mình, ông Nguyễn Bá Thanh đã giúp thế hệ tương lai của Đà Nẵng hiểu được trách nhiệm cống hiến hết mình, chung tay đóng góp cho công cuộc cải cách, đổi mới và phát triển chung của thành phố như một sự tri ân mảnh đất đã chắt chiu để người trẻ có cơ hội được trau dồi kiến thức, kỹ năng và môi trường thuận lợi để thể hiện hết năng lực của mình.
Trái tim vì triệu trái tim đã ngừng đập
21 năm làm bạn, đồng hành trên hành trình thiện nguyện, thậm chí đã từng trải qua những đợt hóa trị nhằm ngăn cản sự phát tán của tế bào ung thư quái ác tại cùng một bệnh viện tại Mỹ, với ông Mark Conroy (nguyên Giám đốc quốc gia tổ chức Đông Tây Hội Ngộ, hiện là cố vấn của tổ chức này), ông Thanh là người bạn tri kỷ đặc biệt – “Người có trí óc thông minh, mẫn tiệp, cá tính và trái tim ấm áp, nhân hậu”.
Ấn tượng đầu tiên của ông Mark Conroy đối với vị Chủ tịch UBND ngày ấy không nằm ở quá trình gặp gỡ, vận động các tổ chức phi chính phủ, trong đó có Đông Tây Hội Ngộ nhằm hỗ trợ cho dự án đưa khu nhà ổ chuột tồn tại hàng chục năm dọc sông Hàn vĩnh viễn lùi vào quá khứ. Ông chỉ hoàn toàn bị thuyết phục khi vị lãnh đạo này sử dụng quỹ đất của thành phố và nguồn tài trợ để xây dựng nhà tái định cư với nguyên tắc tối thượng: các hộ gia đình tận khổ sẽ được tái định cư rải rác ở tất cả các quận, phường của thành phố chứ không quy tụ về một điểm nhằm bảo đảm: “Không di dời khu ổ chuột dưới nước thành khu ổ chuột mới trên bờ”.
“Điều này thể hiện tầm nhìn của nhà lãnh đạo Nguyễn Bá Thanh. Ông hòa lẫn hộ nghèo vào cộng đồng, nhận sự giúp đỡ từ xã hội để vươn lên chứ không quy tập tất cả vào một khu nhà chung (mặc dù cách làm này tiết kiệm hơn) để rồi nghèo vẫn hoàn nghèo”, ông Mark Conroy nói.
Ngôi nhà luôn luôn mở cửa của ông thường xuyên đón tiếp các bà mẹ đến từ Quảng Nam, Đà Nẵng và thậm chí nhiều miền xa xôi khác. Trên tay họ là những đứa trẻ xanh xao, hơi thở ngắt quãng khó nhọc bởi trái tim lỗi nhịp do dị tật bẩm sinh. Theo lời kể của ông Mark Conroy, ông Thanh chưa từng từ chối bất kỳ một trường hợp nào và cả hai đã cùng đi đến quyết định xây dựng chương trình mổ tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo.
“Trái tim mang lại nhịp đập ổn định cho hàng trăm trẻ em bất hạnh, trái tim mang đến niềm vui cho rất nhiều em nhỏ mà sự sống như ngọn đèn trước gió, giờ đây đã ngừng đập. Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng, với những cống hiến của mình, ông Thanh sẽ mãi sống trong lòng nhân dân”, ông Mark buồn bã nói.
Cũng theo lời kể của ông Mark, khi ô-tô vẫn là điều xa xỉ đối với người dân Việt Nam, ông Nguyễn Bá Thanh đã suy nghĩ đến việc xây dựng những tuyến đường, làn đường thênh thang và cả nơi đậu đỗ cho hệ thống ô-tô trong tương lai. Ông Thanh không ngừng khắc khoải khi mặc dù giống nhau về tên gọi, một dòng Hàn Giang ở Seoul (Hàn Quốc) đã có đến 17 cây cầu hiện đại vắt qua, lẽ nào ở Đà Nẵng, trong vòng 17 năm sẽ mãi chỉ có một cây cầu cô độc để lại từ thời thực dân Pháp? Đây chính là lý do giúp ông Thanh quyết định đầu tư xây dựng nên những cây cầu góp phần vào việc xóa bỏ sự cách trở chia cách hai bờ “Đứng bên ni Hàn, ngó bên tê Hàn nước xanh như tàu lá/ Đứng bên tê Hàn, ngó bên ni Hàn phố xá nghênh ngang”. Những tác phẩm nghệ thuật trên mặt nước này thể hiện rõ tầm tư duy vượt trước của Nguyễn Bá Thanh, góp phần thức tỉnh, làm nên diện mạo mới cho thành phố.
MAI CHI MAI