Chính trị - Xã hội

40 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30-4-1975 - 30-4-2015)

Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng

07:55, 22/04/2015 (GMT+7)

Bài 1: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa!”

Ngay sau khi giải phóng Buôn Ma Thuột và Tây Nguyên, Bộ Chính trị chủ trương hoàn thành giải phóng miền Nam trong năm 1975.

Sau chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng, Bộ Chính trị hạ quyết tâm hoàn thành trận quyết chiến chiến lược giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa 1975.

Để chuẩn bị lực lượng đáp ứng yêu cầu giành thắng lợi căn bản cho trận chiến đấu quyết định đánh vào thành phố Sài Gòn - Gia Định, hoàn thành sứ mệnh cách mạng giải phóng miền Nam, ngày 26-3-1975, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Quân đoàn 3 - Binh đoàn Tây Nguyên từ những đơn vị chủ lực của Mặt trận Tây Nguyên. Đây là một trong 4 quân đoàn chiến đấu cơ động, “quả đấm thép” của chủ lực Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trung tuần tháng 4, trong khi các đơn vị của Quân đoàn 2 - Binh đoàn Hương Giang theo quốc lộ 1 chuẩn bị đánh chiếm thị xã Phan Rang, phòng tuyến ngăn chặn từ xa phía Bắc Sài Gòn, Binh đoàn Tây Nguyên được lệnh hành quân về Đông Nam Bộ để tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Mặc dù sau chiến thắng ở chiến trường Tây Nguyên, bộ đội ta chưa được nghỉ ngơi nhưng tất cả cán bộ, chiến sĩ của binh đoàn hồ hởi khi được đóng góp sức vào chiến dịch Hồ Chí Minh - chiến dịch cuối cùng của sự nghiệp cách mạng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau khi phối hợp với các lực lượng địa phương giải phóng các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa, ngày 12-4-1975, các đơn vị của Quân đoàn 3 được lệnh trở lại Nam Tây Nguyên để về Đông Nam Bộ.

Cuộc hành quân từ các tỉnh duyên hải miền Trung về Đông Nam Bộ từ các đơn vị bộ binh đến các đơn vị kỹ thuật đều bằng cơ giới. Để bảo đảm đúng thời gian tập kết, các đơn vị bộ binh phải trưng dụng các xe tải dân sự của nhân dân các tỉnh duyên hải miền Trung mới giải phóng. Đây là cuộc hành quân dài và có hai chặng vô cùng vất vả, gian khổ. Đó là chặng xuyên rừng từ Cam Ranh đến Tân Mỹ (Ninh Sơn, Ninh Thuận) và từ Bảo Lộc đi Gia Nghĩa.

Lúc đó, thị xã Phan Rang chưa được giải phóng nên toàn cánh quân từ Ba Ngòi, Cam Ranh đi về phía nam khoảng nửa giờ thì rẽ vào một con đường xuyên rừng qua căn cứ Bác Ái sang đường 11 để lên Đà Lạt, Tuyên Đức. Đường hẹp, khó đi, đoàn xe chạy rất chậm, đến sáng thì dừng lại. Giữa tháng 4, Ninh Thuận đang là mùa khô, nắng hạn, các khe suối đều cạn, chỉ có một vài vũng nước nhưng rất nhiều nòng nọc nên không thể sử dụng được.

Cả ngày bộ đội phải ăn lương khô. Khát quá, theo kinh nghiệm dân gian, bộ đội tìm cây chạc chìu, cây chuối cắt và hứng từng giọt nước để chống khát. Đến tối, chúng tôi tiếp tục hành quân và khi ra khỏi cánh rừng là đến thị trấn Dục Mỹ. Từ đây, chúng tôi theo quốc lộ 11 vượt đèo Song Pha (còn gọi là đèo Ngoạn Mục) để ngược lên Đà Lạt. Từ chân đèo đến đỉnh là thị trấn Đơn Dương, con đường chạy ngoằn ngoèo, mấy lần chui qua dưới hai ống thủy áp màu trắng từ trên đỉnh núi đưa xuống Nhà máy điện Song Pha.

Đoạn đường thứ hai từ Bảo Lộc đến Gia Nghĩa cũng đi theo con đường rừng hẹp lâu ngày không sử dụng. Một bên là núi, một bên là khe suối. Nhiều xe dân sự chở bộ binh bị chết máy giữa đường độc đạo, cả đoàn phải dừng lại chờ sửa chữa.

Sau 2 ngày vất vả, cuối cùng chúng tôi đến Gia Nghĩa. Từ Gia Nghĩa theo đường 14 với tinh thần thần tốc, chúng tôi nhanh chóng hành quân xuống Đông Nam Bộ qua Phước Long, vượt sông Bé vào Lộc Ninh (Tây Ninh) và đến địa bàn tập kết trong những vườn cao su ven sông Sài Gòn thuộc địa phận Củ Chi đúng thời hạn quy định. Thế là với tinh thần: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa”, trong khoảng thời gian ngắn, các đơn vị Quân đoàn 3 đã hành quân gần 1.000km kịp có mặt tại cửa ngõ Sài Gòn để chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh.

TRƯƠNG MINH DỤC

.