.
CÂU CHUYỆN DÂN SỐ

"Bà nuôi"... lên đời

Thời buổi mỗi cặp vợ chồng chỉ có tối đa 2 con nên nhiều gia đình sẵn sàng đầu tư tiền bạc cho lần sinh được trọn vẹn.

Thế nên, hiện nay, lương tháng của “bà nuôi” - người chăm bé và mẹ trong thời gian sinh nở - là mức giá cao ngất ngưởng.

Con gái mang thai tháng thứ 8, bà Hoàng (65 tuổi, quận Thanh Khê) dự tính tự tay chăm cháu ngoại từ lúc lọt lòng đến hết ngày ở cữ. Những lần trước, khi các con sinh nở, bà Hoàng làm mọi việc, từ chăm cháu, chăm con, nấu cơm, giặt quần áo, đến dọn dẹp nhà cửa. Tuy vất vả nhưng bà vẫn cố gắng bởi thương con, thương cháu. Thế nhưng lần này, khi sức khỏe ngày một già yếu, sợ lo không xuể, bà Hoàng đành tìm bà nuôi.

Thấy hàng xóm đang sinh nở và tỏ ra hài lòng với bà nuôi, bà Hoàng dò la thông tin thì biết giá thuê là… 7 triệu đồng/tháng. Tuy vậy, đó chỉ là “mức lương cơ bản”, chưa kể tiền ăn, quà cáp và những thứ phát sinh. “Mong mẹ tròn con vuông, 10 triệu đồng/tháng cũng được”, bà Hoàng tự động viên.

Tưởng mức lương đó là quá ưu ái để trả cho một người giúp việc và phải làm mọi việc liên quan đến chăm bé và mẹ, nhưng sau đó, bà Hoàng mới biết bà nuôi chỉ bồng ẵm bé, cho bé bú bình và xông hơ cho mẹ. Còn việc tắm bé sơ sinh, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa… thì người nhà phải tự lo. Vốn choáng với mức giá “trên trời”, bà Hoàng càng choáng hơn khi bà nuôi cho biết, đã kín lịch hẹn đến giữa năm (âm lịch) nên từ chối lời mời dù rất hấp dẫn này.

Vậy là bà Hoàng phải tất bật tìm người khác, cũng với giá tương tự. Để chắc chắn hơn, bà đặt trước 500.000 đồng. Tuy vậy, chờ tới ngày cháu ra đời, bà Hoàng vẫn thắc thỏm, bởi từng có kinh nghiệm đau đớn khi bà nuôi… bỗng dưng biến mất. Cách đây vài năm, cũng lần con gái sinh, bà Hoàng đặt tiền để “giữ chân” bà nuôi, nhưng khi cần thì không thể nào liên lạc với người đã nhận tiền trước cùng lời hứa đến giúp việc.

Nhiều người xung quanh thầm thì nhà bà Hoàng “chơi sộp”, nhưng ít ai biết bà đã mệt mỏi như thế nào với người giúp việc “giá rẻ”. Bà nuôi đầu tiên chẳng khác nào “trinh thám” khi chuyện gì riêng tư trong nhà bà cũng được hàng xóm nhanh chóng “cập nhật”. Bà nuôi tiếp theo lại “nhạy cảm” đến độ hở chút là dỗi hờn. Bà nuôi thứ ba thì thường “bận việc nhà” bất chợt, thi thoảng lại cáo bận về quê.

Đó là lý do vì sao sau nhiều lần thuê người, cuối cùng bà Hoàng vẫn phải tự tay làm hết mọi việc. Lần này, trả lương cao, bà Hoàng cũng không tiếc, chỉ mong bà nuôi đáp ứng được các tiêu chuẩn: chu đáo, thật thà và có sức khỏe.

HƯỚNG DƯƠNG

;
.
.
.
.
.