Chính trị - Xã hội

40 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30-4-1975 - 30-4-2015)

"Đội quân tóc dài" với cách mạng miền nam

08:21, 15/04/2015 (GMT+7)

Có thể nói rằng, phụ nữ luôn có vai trò quan trọng trong suốt lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Song chưa có thời kỳ nào hoạt động chính trị, quân sự của phụ nữ lại sôi nổi mạnh mẽ như ở miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Hai mươi mốt năm chống Mỹ 1954-1975, “đội quân tóc dài” đã từng đấu tranh mạnh mẽ trên mặt trận đấu tranh chính trị, đã từng chiến đấu anh dũng ngoan cường trên mặt trận quân sự. Ngay từ ngày đầu chống Mỹ, phụ nữ đã chiếm vị trí quan trọng trong lực lượng tự vệ và du kích ở các xã, ấp. Có nơi chiếm tới 2/3 quân số du kích và tự vệ vũ trang.

Tính đến năm 1961, toàn miền Nam đã có 28.000 nữ du kích. Phụ nữ miền Nam còn gia nhập quân chủ lực. Cuối năm 1964 đầu năm 1965, miền Tây Nam bộ có 4.620 chị tòng quân vào quân giải phóng miền Nam, có 197 chị làm công tác đặc công, trinh sát. Riêng 3 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Cần Thơ, 6 tháng đầu năm 1964 đã có 1.747 chị em nhập ngũ. Nhiều địa phương như Rạch Giá, Bến Tre, Long An… và cả Sài Gòn đã thành lập các đơn vị nữ pháo binh.

Phụ nữ là lực lượng đóng vai trò chủ chốt trong việc xây dựng làng xã chiến đấu. Từ năm 1961-1965, toàn miền Nam có 1.860.000 phụ nữ tham gia xây dựng làng, xã chiến đấu. Khi đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam Việt Nam thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, phụ nữ các vùng nông thôn đã tham gia tích cực vào phong trào “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, biến ý định “lập vành đai trắng” của Mỹ thành những “vành đai diệt Mỹ”.

Nhiều trung đội nữ du kích đã lập nên những chiến công rực rỡ như: Trung đội nữ du kích Củ Chi “đất thép thành đồng” liên tục chiến đấu ác liệt với kẻ thù, ngày nào cũng diệt được Mỹ, người nào cũng diệt được Mỹ, toàn đơn vị đều được bầu là “dũng sĩ diệt Mỹ”.

Trung đội nữ du kích Trảng Bàng có lần đánh địch phản kích suốt cả ngày diệt được một trung đội Mỹ, bắn rơi 2 máy bay lên thẳng. Trung đội nữ anh hùng của Tô Thị Huỳnh (Trà Vinh) chiến đấu không mệt mỏi, đánh trên 250 trận, kiên quyết không cho địch đóng quân trên địa bàn.

Phong trào đặc biệt sôi nổi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968. Tính chung toàn miền Nam có hơn 2 triệu phụ nữ vũ trang nổi dậy bao vây, tiêu diệt, bức rút bức hàng hơn 500 đồn bốt địch, làm rã ngũ hàng vạn binh lính ngụy.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, khi các binh đoàn chủ lực từ nhiều mũi tiến công vào Sài Gòn, phụ nữ các địa phương trên toàn miền Nam cũng đã phát huy sở trường của mình, tiếp tục tấn công địch bằng 3 mũi giáp công, chiếm đồn bốt địch ở cơ sở và tiến lên khởi nghĩa chiếm chi khu, tiểu khu, thực hiện khẩu hiệu “tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã” góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Từ trong cuộc kháng chiến ác liệt ấy đã xuất hiện nhiều tấm gương anh hùng, nhiều thế hệ anh hùng. Nổi bật nhất phụ nữ miền Nam là hình ảnh những người mẹ, người chị, người em của mảnh đất Bến Tre kiên trung, bất khuất.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, toàn tỉnh có trên 2.800 “bà mẹ ưu tú”, hàng ngàn chiến sĩ thi đua, dũng sĩ diệt Mỹ. “Đội quân tóc dài” Bến Tre đã trở thành một lực lượng cách mạng có tổ chức, có nghệ thuật lãnh đạo và chỉ đạo như một đội quân thường trực.

Đội quân này tấn công địch ở mọi nơi, mọi chỗ, không phân chiến tuyến. Trong Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, 15 vạn phụ nữ Bến Tre được tổ chức thành 50 tiểu đoàn khởi nghĩa, xông vào nội ô thị xã phá đồn Bình Nguyên. Riêng mặt trận Chợ Lách, bà con đã gỡ 40 đồn, thu 500 súng, bắt sống 300 tù binh. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, toàn tỉnh đã huy động trên 30 vạn phụ nữ, tấn công 716 đồn bốt cùng các lực lượng vũ trang giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Trong những tên tuổi của người phụ nữ nổi tiếng về chí anh hùng, lòng dũng cảm thời đánh Mỹ, Phó Tổng Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Nguyễn Thị Định mà đồng đội quen gọi chị Ba Định một cách thân thương trìu mến, là một gương mặt nổi trội.

Cuộc đời hoạt động của chị Ba Định bắt đầu rất sớm và khí phách của chị cũng bộc lộ rất sớm. Chị Ba Định nổi tiếng về tài chỉ huy “đội quân tóc dài” độc đáo. Chị là người phụ nữ Việt Nam được nhiều viên tướng lỗi lạc của Mỹ phải kính phục.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói về chị: “Phó Tổng Tư lệnh Quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng gái như vậy, thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta”. Chị được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1974.

Trong bài tham luận của Trưởng đoàn đại biểu Liên hiệp Công đoàn giải phóng miền Nam Đặng Trần Thi tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ III, ngày 11-2-1974, có đoạn viết: “Dân tộc ta và Đảng ta đời đời biết ơn những bà mẹ Việt Nam đã sinh ra và cống hiến cho Tổ quốc những người con ưu tú đã và đang chiến đấu anh dũng tuyệt vời, bảo vệ non sông gấm vóc do tổ tiên ta để lại.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh hiện nay cũng là thời kỳ phụ nữ nước ta vùng dậy mạnh mẽ và oanh liệt hơn bất cứ thời kỳ nào trong lịch sử dân tộc”.  

Th.S Nguyễn Thị Kim Oanh

(Trưởng khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng)

.