Chính trị - Xã hội

Khi cha mẹ không làm gương

07:34, 14/04/2015 (GMT+7)

Buổi sáng cuối tuần vừa rồi, tại một ngã tư ở quận Hải Châu, nhiều người đi đường đã tò mò dừng xe lại xem cả hai mẹ con... đang khóc.

Quan sát một hồi thì mới hiểu ra rằng, người mẹ chở con đến trường nhưng lại “quên” đội mũ bảo hiểm cho con và đã bị Cảnh sát giao thông (CSGT) chốt trực tại đây tuýt còi lập biên bản xử phạt. Người mẹ thì một mực không nhận lỗi, mà chỉ cho rằng “hôm nay vội quá nên quên, chứ mọi khi đều đội cho con”. Nghe giải thích của bà mẹ trẻ, cộng thêm đã ngân ngấn nước mắt, nên anh  CSGT chỉ nhắc nhở cho qua mà không xử phạt.

Thế nhưng, thật bất ngờ, đứa bé khóc òa lên vì nhìn đồng hồ đã đến giờ vào lớp. Và trong lúc nước mắt ngắn, nước mắt dài đứa bé đã thật thà “tố” mẹ là chưa mua mũ cho con và cũng chưa bao giờ đội mũ cho con khi chở con đi bằng xe máy. Trước tình huống bất ngờ này, anh CSGT đã chủ động cho phép người mẹ chở con để kịp vào lớp và phân trần với những người đứng xem “Chuyện mấy bà mẹ không trung thực  như vậy là không phải hiếm đâu”.

Thực tế trong những ngày đầu lực lượng CSGT ra quân kiểm tra xử phạt trường hợp phụ huynh chở con em trên xe gắn máy, mô-tô nhưng không đội mũ bảo hiểm không phải là hiếm. Điều đáng nói là rất nhiều phụ huynh khi bị lực lượng CSGT phát hiện và lập biên bản xử phạt, thay vì nhận lỗi và chấp hành nộp phạt để từ đó nhắc nhở mình luôn luôn phải đội mũ bảo hiểm cho con, thì đằng này lại bao biện cho lỗi của mình để “thoát” tội. Điều đó vô tình trở thành tấm gương xấu trước mặt con là mình không trung thực và vi phạm luật!

Trước tình trạng giao thông ngày càng trở nên phức tạp, ngành giáo dục đã nhập cuộc khá tích cực bằng rất nhiều biện pháp như tổ chức tuyên truyền dưới cờ mỗi đầu tuần, tổ chức các diễn đàn về an toàn giao thông, đặc biệt là đầu mỗi năm học yêu cầu phụ huynh ký cam kết không để con vi phạm về trật tự an toàn giao thông... Thế nhưng, có thể nói, những cố gắng này bị chính phụ huynh học sinh làm giảm hiệu quả, từ cách làm đã nói ở trên. Hoặc chuyện nhà trường cấm học sinh đến trường bằng xe gắn máy, thế nhưng phụ huynh lại “lơi tay” để cho con mình tự đến trường bằng chính phương tiện mà ở lứa tuổi các em luật pháp không cho phép.

Không chỉ riêng việc đội mũ bảo hiểm, nhiều phụ huynh không thể làm tấm gương tốt cho con noi theo mà còn rất nhiều chuyện tương tự có thể bắt gặp hằng ngày trên đường. Đơn cử chuyện nhỏ như vứt rác đúng nơi quy định: Nhiều học sinh, nhất là ở bậc mầm non và tiểu học, thì nhất nhất nghe theo lời cô giáo dạy là “bỏ rác đúng nơi quy định”; thế nhưng rất nhiều trường hợp khi cho con uống sữa xong, trong lúc con vẫn cầm lấy hộp sữa thì cha, mẹ lại giục “vứt đi cho khỏi bẩn tay” (!?).

Học sinh lớn hơn một chút còn “hiểu” thói quen của người lớn và... làm theo cha mẹ, nhưng với học sinh nhỏ thì rất bối rối không biết làm sao, bởi vì mới đây thôi trong lớp học cô giáo đã căn dặn rất kỹ là “bỏ rác vào thùng”, vậy mà giờ đây cha, mẹ là bảo “vứt đi cho khỏi bẩn tay”(!?)

Để con trẻ có ý thức chấp hành luật cũng như các quy định của xã hội một cách chuẩn xác và tự giác, đó là cả một quá trình giáo dục lâu dài của nhà trường, cũng như được “nhìn” vào những tấm gương từ người lớn ở xung quanh. Tiếc rằng, hiện nay có không ít phụ huynh lại quá vô tư, hành xử mọi thứ theo thói quen không tốt, để rồi mọi sự nỗ lực của ngành giáo dục là trở thành “công cốc”.

Đã đến lúc mỗi phụ huynh chúng ta hãy cố gắng là tấm gương cho con em noi theo, trước khi chê trách “học sinh bây giờ kém ý thức quá”, như câu nói cửa miệng của không ít bậc phụ huynh.

THANH SƠN

.