Chính trị - Xã hội
Nhớ về một sáng Xuyên Thanh
Trong quá trình thu thập tài liệu về Anh hùng Phan Hành Sơn, tôi được Đại tá Lại Nam Dương, nguyên Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 1 (R20), kể về trận đánh của đơn vị với tiểu đoàn lính Mỹ tại Xuyên Thanh hồi đầu năm 1967.
Theo dòng hồi ức của Đại tá Lại Nam Dương, trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, có một phương châm xuyên suốt của lực lượng vũ trang là “lấy vũ khí của địch để đánh địch”. Ông kể: “Lúc bấy giờ, Tiểu đoàn 1 Quảng Đà tổ chức trang bị cho các đơn vị gồm: Đại đội 1 được ưu tiên 3 khẩu trung liên RBD; Đại đội 2 được trang bị trung liên giải phóng 24-29; trong khi đó, Đại đội 3 lại trang bị 3 trung liên của Mỹ loại 7,62 li”.
Và câu chuyện lấy vũ khí địch đánh địch của Đại đội phó Đại đội 3 Phan Hiệp (tức Anh hùng lực lượng vũ trang giải phóng Phan Hành Sơn) trong trận Tiểu đoàn 1 (R20) tiêu diệt tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ tại Xuyên Thanh như một ví dụ sinh động về việc vận dụng phương châm này.
Cụ thể, năm 1966, Mỹ tăng cường trung đoàn lính thủy đánh bộ lên chiếm đóng tại khu công nghiệp An Hòa (Duy Xuyên). Từ đó, chúng luân phiên thay từng tiểu đoàn đánh phá ác liệt vùng tây Duy Xuyên, sau đó tiếp tục càn quét xuống Gò Nổi - Điện Bàn. Để đánh bại âm mưu của địch, Tiểu đoàn 1 Quảng Đà giao cho du kích Duy Xuyên và vùng Gò Nổi đánh ngăn chặn lẻ tẻ để quân Mỹ không phát hiện ta có lực lượng lớn.
Sau 5 ngày đánh phá vùng Xuyên Thanh và Điện Bàn, địch không phát hiện được lực lượng bộ đội chủ lực lớn của ta. Đến ngày 16-1-1967, ta bí mật đưa quân phục kích ở xã Xuyên Thanh, huyện Duy Xuyên để đón đánh địch khi chúng lui về An Hòa.
Ngày 26-1, khi ta vừa hoàn thành trận địa phục kích, tiểu đoàn lính Mỹ chủ quan hành quân về trở lại khu An Hòa với đội hình “hai trước một sau”. Đúng 8 giờ cùng ngày, chúng từ Gò Nổi quay lại Xuyên Thanh và bị rơi ngay vào trận địa của Tiểu đoàn 1. Toàn tiểu đoàn đồng loạt nổ súng đánh thiệt hại ngay 2 đại đội đi đầu của Mỹ. Trận đánh diễn ra quyết liệt từ 8 giờ, đến 13 giờ thì Đại đội Hỏa lực báo cáo chỉ huy tiểu đoàn: đạn cối 82 đã hết. Tiểu đoàn trưởng hạ lệnh dùng súng AK ra phía trước chiến đấu. Trong lúc đó, Mỹ cho quân chi viện từ An Hòa xuống và dùng trực thăng đổ bộ xuống Xuyên Khương. Cùng lúc, đồng chí Phan Hiệp, Đại đội phó Đại đội 3, báo cáo tiểu đoàn: 3 khẩu trung liên đã hết đạn.
Trước tình hình trên, Tiểu đoàn trưởng Võ Xuân Lâm hỏi Phan Hiệp xử trí thế nào. Anh trả lời: “Tiểu đoàn cứ yên trí. Tôi đã có cách. Vì súng trung liên của Đại đội là 7,62 li, tôi sẽ bò ra lấy đạn của số lính Mỹ đã chết để bổ sung cho 3 khẩu trung liên”. Thực hiện lời hứa trước cấp trên, Phan Hiệp đã bò ra thu được 400 viên đạn 7,62 li của Mỹ để bổ sung cho 3 khẩu trung liên. Nói về ý nghĩa của hành động dũng cảm đó, Đại tá Lại Nam Dương cho biết: “Sau đó, Tiểu đoàn trưởng Võ Xuân Lâm tuyên dương công trạng của Phan Hiệp đã giúp tiểu đoàn có đủ đạn chiến đấu với quân đổ bộ của Mỹ”.
Đến 17 giờ cùng ngày, Tiểu đoàn 1 tiêu diệt gần hết lính thủy đổ bộ ở Xuyên Thanh vào Gò Nổi. Số địch còn lại cụm về sân vận động Bảo An để chờ trực thăng bốc về An Hòa. “Trong trận chiến đấu này, nhiều cán bộ, chiến sĩ chiến đấu rất dũng cảm như: Nguyễn Văn Trí-Đại đội trưởng Đại đội 1, Phan Hiệp - Đại đội phó Đại đội 3. Tại hội nghị kiểm điểm trận đánh, Tỉnh đội Quảng Đà đã biểu dương thành tích của Phan Hiệp, đó là biểu hiện phương châm lấy vũ khí địch đánh ngay trong trận đánh”, người Tham mưu trưởng tiểu đoàn năm ấy nhớ lại.
Chiến thắng Xuyên Thanh đã đi vào lịch sử nhưng sự vận dụng sáng tạo, tinh thần chiến đấu kiên cường của một thế hệ nói chung, của những Phan Hành Sơn, Nguyễn Văn Trí, Lại Nam Dương, v.v… vẫn luôn là bài học quý giá cho thế hệ sau. Họ đã dệt nên những mùa xuân của một thời và muôn thuở.
NGUYỄN AN KHÁNH