Chính trị - Xã hội
Công khai giấy phép và quy trình khai thác đất, đá, cát
Người dân sinh sống ở Khu đô thị Phước Lý, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu phản ánh: Doanh nghiệp (DN) khai thác đất, đá có nhiều lợi nhuận, siêu lợi nhuận và có dấu hiệu thất thu thuế ở lĩnh vực này do tình trạng bán hàng không xuất hóa đơn diễn ra phổ biến. Thêm nữa, DN không công khai quy trình khai thác để người dân biết, giám sát tác động môi trường.
Thiếu công khai về cấp phép, quản lý khai thác đất, đá và cát xây dựng dẫn đến các ngành và địa phương buông lỏng quản lý. Người dân xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang phản ánh họ biết rất rõ về tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn nhưng chưa có cơ chế tiếp nhận thông tin, xử lý thông tin của người dân. Khi phản ánh đến đơn vị chức năng quản lý thì bị de dọa hành hung, trả thù cá nhân. Tiếng nói của người dân chỉ được tiếp nhận khi Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ mở địa chỉ email.
Thiếu công khai minh bạch về chủ trương đồng ý của lãnh đạo thành phố về khảo sát nguồn đất san lấp dự án cho các công trình giao thông, hạ tầng đô thị nên chủ trương đã bị lợi dụng, tổ chức cải tạo đất sản xuất để khai thác đất ở xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang.
Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Đến tháng 3-2015, thành phố có 43 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng còn hiệu lực. Đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình UBND thành phố phê duyệt 10 đề án đóng cửa mỏ và ban hành 3 quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản. Tuy nhiên, do địa bàn quản lý rộng nên vẫn chưa giám sát thường xuyên, có tình trạng lén lút khai thác khoáng sản trái phép. Năm 2014, thành phố đã xử phạt 4 trường hợp khai thác khoáng sản trái phép (đất đồi, đất sét) với 36 triệu đồng; xử lý hoạt động khai thác trái phép đất tại thôn Nam Mỹ, xã Hòa Bắc, Khu CNTT với tổng số tiền 2,9 tỷ đồng.
Hiện nay, một số đơn vị khai thác khoáng sản vẫn chưa lập thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa lập thủ tục thuê đất đối với các mỏ đá nằm trên đất quốc phòng do Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quản lý như: 4 mỏ của Công ty TNHH Phú Mỹ Hòa, mỏ Cẩm Khê của Công ty TNHH MTV xây dựng vận tải Hùng Vương, mỏ đá Hố Chuối của Công ty TNHH MTV 532; 2 mỏ từ khi cấp phép không đưa vào khai thác, quá thời gian quy định: mỏ đá Phước Hưng (xã Hòa Nhơn), mỏ đá Hố Khế 1 (xã Hòa Ninh)….
Thiết nghĩ, để nâng cao hiệu quả hoạt động của DN, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường, cảnh quan từ hoạt động khai thác đất, đá, cát cần công khai cấp phép và quy trình khai thác; đặc biệt là công khai quy hoạch, phạm vi ranh giới, phục hồi hoàn thổ các mỏ.
Việc công khai được thực hiện ngay tại hiện trường khai thác bằng bảng thông tin pano. Nội dung thông tin gồm: Tên mỏ khai thác, cơ quan cấp phép, phạm vi diện tích, khối lượng khai thác; quy trình khai thác và phục hồi hoàn thổ; thời gian khai thác. Đồng thời, cần cung cấp tên, số điện thoại của cơ quan, đơn vị khai thác; số điện thoại đường dây nóng cơ quan quản lý xử lý vi phạm.
Những thông tin công khai này giúp cho việc quản lý đi vào nền nếp, tạo điều kiện và phát huy vai trò giám sát của toàn xã hội. Trong đó có vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông thông qua việc sớm nhận biết những vị trí, địa điểm khai thác khoáng sản đất, đá, cát trái phép để các cơ quan quản lý kịp thời ngăn chặn.
NAM PHƯƠNG