Chính trị - Xã hội

Nâng cao chất lượng dân số

08:15, 27/05/2015 (GMT+7)

Theo kế hoạch hành động thực hiện chiến lược dân số - sức khỏe sinh sản (DS-SKSS) giai đoạn 2011-2015 của UBND thành phố Đà Nẵng, quy mô dân số của thành phố dưới hoặc bằng 1,2 triệu người.

Lực lượng Công an tham gia cổ động chiến dịch truyền thông dân số.
Lực lượng  Biên phòng tham gia cổ động chiến dịch truyền thông dân số.

Chất lượng sống của người dân là vấn đề thành phố quan tâm hàng đầu. Trong thời gian qua, thành phố đã nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng đô thị; đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa và các lĩnh vực xã hội, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân, nhất là người dân vùng nông thôn, người dân nghèo đô thị.

Chất lượng sống của người dân có phát triển bền vững được hay không, bên cạnh sự phát triển, chăm lo chung của thành phố thì vấn đề quan trọng là ý thức của từng người dân trong việc chăm sóc SKSS và thực hiện gia đình ít con. Mỗi gia đình ấm no, hạnh phúc thì mới tạo được một xã hội văn minh, giàu mạnh. Muốn như vậy, mỗi cặp vợ chồng trẻ ngay sau khi kết hôn phải quan tâm đến chất lượng sống trong các thành viên của gia đình mình.

Thực tế, ý thức của giới trẻ về việc chăm sóc SKSS chưa cao. Những bạn trẻ sắp kết hôn chưa quan tâm việc phải kiểm tra SKSS của mình để bảo đảm hạnh phúc gia đình sau kết hôn. Mang thai ngoài ý muốn, quan hệ tình dục không an toàn, nạo phá thai nhiều lần đang là vấn đề được quan tâm. Một số bà mẹ chưa quan tâm việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh nhằm phát hiện các dị tật thai nhi, bảo đảm các em bé khi sinh ra khỏe mạnh. Tuổi thọ trung bình của người dân đang tăng lên nhưng thực chất những năm sống khỏe mạnh hết vòng đời tuổi thọ của mình không nhiều. Cùng với đó là vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh dẫn đến thừa nam, thiếu nữ sẽ gây ra những hậu quả không tốt về mặt xã hội… Tất cả đều đặt ra những thách thức trong việc nâng cao chất lượng sống bền vững của người dân Đà Nẵng.

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, Việt Nam xếp thứ 113/169 trên bảng xếp hạng về chỉ số phát triển con người (HDI). Theo bảng xếp hạng, chất lượng dân số của nước ta so với thế giới và khu vực vẫn còn thấp. Quy mô dân số không vượt quá 93 triệu người vào năm 2015; tốc độ tăng dân số khoảng 1% vào năm 2015… Nâng cao chất lượng dân số không chỉ ở sức khỏe nói chung và SKSS nói riêng mà còn ở việc giáo dục - đào tạo, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và mức thụ hưởng văn hóa tinh thần cho người dân. Cùng với cơ cấu dân số hợp lý là phân bổ dân số phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và tạo sự cân bằng trong phát triển.

Trong những năm qua, Đà Nẵng đã tích cực thực hiện các chính sách hợp lý về dân số, trong đó luôn coi trọng việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xem đây là mục tiêu hướng đến của Đảng và chính quyền các cấp. Các chính sách về dân số được thực hiện đồng bộ, từ chăm sóc SKSS, y tế đến phát triển kinh tế, đào tạo lao động, giải quyết việc làm và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Tính đến ngày 31-12-2014, dân số Đà Nẵng là 1.008.710 người và kế hoạch đặt ra đến năm 2015 đã đạt được các mục tiêu chủ yếu, trong đó có việc nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn lực để đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện của thành phố. Theo số liệu từ Chi cục DS - Kế hoạch hóa gia đình, từ tháng 1 đến tháng 4-2015, toàn thành phố có 3.672 trẻ sinh ra, so với cùng kỳ năm 2014 giảm 212 trẻ. Về giảm sinh đã đạt nhưng cần có những đứa trẻ sinh ra khỏe mạnh. Vì vậy, nâng cao chất lượng dân số là vấn đề quan trọng sau việc giảm sinh, một trong những giải pháp được triển khai đồng bộ là chú trọng tuyên truyền, khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại cộng đồng.

Bên cạnh đó, chất lượng dân số cũng được đánh giá qua tuổi thọ bình quân của người dân. Hiện tuổi thọ bình quân của người dân Đà Nẵng đã đạt 76 tuổi nhưng tuổi thọ bình quân khỏe mạnh vẫn thấp và đó cũng là thách thức cần giải quyết. Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực đối với thành phố trẻ cũng là một trong những vấn đề cần quan tâm mà chúng ta đang ở thời kỳ “dân số vàng” với lợi thế rất lớn.

Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc nhấn mạnh: Chất lượng dân số thấp đang là yếu tố cản trở sự phát triển và đặt Việt Nam trước nguy cơ tụt hậu xa hơn. Chỉ số phát triển con người của nước ta tuy từng bước cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực và thấp xa so với các nước công nghiệp. Do đó, bên cạnh việc cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, việc nâng cao chất lượng dân số được coi là mục tiêu hàng đầu của Đà Nẵng trong thời gian tới.

Bài và ảnh: MINH PHÚC

.