Chính trị - Xã hội

Người bị bắt có quyền tự do trình bày lời khai

11:03, 28/05/2015 (GMT+7)

Chiều 27-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa nhận định, đây là bộ luật có vai trò cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực điều tra, truy tố, xét xử.

Do đó, ĐB đề nghị Ban soạn thảo phải thể chế hóa đầy đủ các chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Hiến pháp, bảo đảm mọi hành vi phạm tội đều phải được phát hiện và xử lý nghiêm minh, chính xác, kịp thời, không bỏ lọt tội phạm nhưng cũng chống làm oan người vô tội.

Về mở rộng thẩm quyền các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quy định tại các Điều 17, 21, 154 như kiểm ngư, thuế, Ủy ban chứng khoán Nhà nước; ĐB cho rằng đây là vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu. Trước mắt, ĐB đề nghị giữ nguyên phạm vi các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như quy định hiện hành, chỉ bổ sung thẩm quyền cho lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao.

ĐB đề nghị luật quy định theo hướng, người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không bị ép buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình, không bị ép buộc phải nhận mình có tội.

Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự cần phải có quy định bổ sung tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với hành vi người phạm tội không thành khẩn khai báo, khai báo không đúng sự thật nhằm vừa khuyến khích người bị bắt, bị tạm giam, bị can, bị cáo khai báo để được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; vừa để hạn chế việc lợi dụng quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến của mình để gây khó khăn cho cơ quan điều tra, truy tố, xét xử. ĐB thống nhất mở rộng thẩm quyền của Hội đồng xét xử Giám đốc thẩm được sửa bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật quy định tại Điều 386, 391.

Về quyền của bị can được đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án quy định tại Điều 42, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng, Hiến pháp quy định người bị buộc tội có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. Khi không có người bào chữa hoặc tự mình bào chữa thì bị can phải được quyền đọc, ghi chép và sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra để bảo đảm quyền tự bào chữa của họ. Hơn nữa, để bào chữa cho mình, ngoài những thông tin liên quan trực tiếp đến mình, bị can có thể phải tìm hiểu những thông tin do những người tham gia tố tụng khác cung cấp.

Thực tiễn xét xử cho thấy quy định bị can được quyền đọc, ghi chép và sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra là hết sức cần thiết và hữu hiệu đối với một số bị can trong những vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, vì có rất nhiều hợp đồng, chứng từ chồng chéo liên quan đến việc buộc tội bị can. Tuy nhiên, ĐB đề nghị luật cần quy định rõ về cơ chế và những thủ tục chặt chẽ để bị can thực hiện quyền này hiệu quả và bảo đảm an toàn hồ sơ vụ án, không tạo ra khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng.

Sáng cùng ngày, tham gia thảo luận ở hội trường về Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) bày tỏ sự thấu hiểu, thông cảm và chia sẻ với bức xúc của một bộ phận người lao động trong thời gian qua do đã thu hẹp đối tượng hưởng BHXH một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc.

Nhưng ĐB cho rằng, do Luật BHXH năm 2014 chưa có hiệu lực thi hành nên chính sách BHXH một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 55 Luật BHXH năm 2006 vẫn đang được thực hiện bình thường cho đến hết ngày 31-12-2015. Thực tế, phần lớn người lao động ra khỏi hệ thống BHXH để nhận BHXH một lần là những người lao động có số năm đóng BHXH chưa nhiều.

Chủ yếu họ là lao động từ khu vực nông thôn đi làm tại các khu công nghiệp. Nhiều người trong số họ làm các công việc ngắn hạn và thời vụ nên việc nhận thức bảo lưu thời gian đóng BHXH để tích lũy số năm đóng BHXH cần thiết khi họ tiếp tục làm trong khu vực trả lương để hội đủ các điều kiện hưởng lương hưu là còn hạn chế.

ĐB cho rằng, giải pháp tốt nhất hiện nay là đề nghị Quốc hội ra nghị quyết cho phép người lao động, sau một năm nghỉ việc được quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm.

PHẠM HỮU HOA

.