Chính trị - Xã hội

Đồng hành với trẻ tự kỷ

08:18, 27/05/2015 (GMT+7)

“Không phải cha mẹ nào cũng chấp nhận đứa con mình kỳ vọng, yêu thương lại mắc chứng tự kỷ. Đấu tranh với chứng tự kỷ là cuộc tranh đấu dai dẳng mà chỉ có tình yêu thương mới mang lại kết quả”, bác sĩ Trần Thị Hải Vân, Trưởng khoa Tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng nói.

Chuyên gia tư vấn tâm lý giúp trẻ tự kỷ chơi với đồ vật phát triển trí tuệ.
Chuyên gia tư vấn tâm lý giúp trẻ tự kỷ chơi với đồ vật phát triển trí tuệ.

Phát hiện muộn

Trong khuôn viên khoa Tâm thần trẻ em, cháu N.X.L (5 tuổi) cứ đi lòng vòng, hết chơi với thú nhún lại quay sang xích đu, miệng không ngừng hát những câu không rõ lời. Dõi theo nhất cử nhất động của con, chị N.T.D.S (33 tuổi, Quảng Trị) thẫn thờ kể về khoảng thời gian dài đi Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, đến Huế…, và bây giờ là Đà Nẵng để chữa trị chứng tự kỷ cho đứa con trai đầu.

Chị S. kể, lúc con còn nhỏ, mỗi lần nghe nhạc thì rất chăm chú, ngoan ngoãn nên hễ khi nào bận việc, chị lại mở nhạc cho con nghe. Đến năm 3 tuổi, thấy con có những biểu hiện lạ như liên tục hát, bố mẹ nói thì không phản ứng, cũng không nhìn vào mắt người đối diện…, chị S. mơ hồ nhận ra sự không bình thường và sau đó bàng hoàng khi biết con mang chứng tự kỷ. Mặc dù đã chạy chữa khắp nơi nhưng gia đình đành bất lực vì các tỉnh, thành phố không có khoa điều trị tâm thần trẻ em.

Chị S. rơm rớm nước mắt vui mừng bởi sau 2 tuần điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, con đã biết gọi tròn vành tiếng “Mẹ”, biết ngồi yên chơi trò chơi cùng cô giáo.

Ngồi cạnh chị S., cụ bà L.T.N (61 tuổi, Quảng Ngãi) liên tục nhắc nhở đứa cháu nội N.V.T (7 tuổi) đứng yên nhưng nhận lại là sự bất hợp tác và những tiếng nói ú ớ của đứa cháu nhỏ. Cháu T. không chỉ mắc chứng tự kỷ mà còn bị động kinh, chậm phát triển trí tuệ. “Trường không nhận cháu vào học vì cháu không biết nói, mà nói cũng không nghe lời”, bà T. buồn bã nói. Dù đã được điều trị khá lâu nhưng do phát hiện muộn nên tình hình bệnh của cháu T. hiện chưa có nhiều tiến triển.

Mẹ là cô giáo tốt nhất của con

So với khoảng 5 năm trước, ngày nay, vấn đề nhận thức cũng như sự hiểu biết về chứng tự kỷ ở trẻ đã phổ biến và được xã hội quan tâm. Tại khoa Tâm thần trẻ em, số trẻ điều trị tự kỷ tăng hơn trong vòng 2 năm trở lại đây nhưng không phải do số trẻ tự kỷ ngoài cộng đồng gia tăng mà là do phụ huynh đã hiểu biết hơn về chứng bệnh này. Hiện tại, khoa tiếp nhận điều trị khoảng 30 trẻ. Tuy vậy, đây chỉ là một phần rất nhỏ so với thực tế.

“Để bố mẹ chấp nhận con bị tự kỷ và hiểu đây là căn bệnh mà y học thế giới không thể chữa khỏi, chỉ có thể hỗ trợ trẻ cải thiện tình hình là điều không dễ dàng”, bác sĩ Vân bộc bạch. Nhiều năm trong nghề, trực tiếp điều trị cho hàng trăm trẻ mắc chứng tự kỷ, không ít lần bác sĩ Vân và các đồng nghiệp đau lòng khi thấy phụ huynh buông xuôi vì không đủ kiên nhẫn chờ đợi sự thay đổi ở con.

Bệnh tự kỷ đang ngày một gia tăng. Ngoài yếu tố di truyền, môi trường sống bị ô nhiễm, nguy cơ mắc bệnh đến từ các biến chứng khi sinh rất lớn. Trẻ tự kỷ thường có những hành vi không định hình, lặp đi lặp lại một số động tác kỳ dị, thích xoay tròn cơ thể hoặc các vật dụng trên tay, vỗ bàn tay, lắc lư thân mình, đi rón rén trên đầu ngón chân, khó khăn trong việc giao tiếp, chỉ số thông minh kém…

Theo bác sĩ Vân, nếu cha mẹ chú ý sẽ phát hiện được bệnh khi trẻ mới ở tháng đầu tiên sau khi sinh. Đối với những đứa trẻ bình thường, trẻ có thể nghe tiếng và ngửi được mùi của mẹ. Khi được mẹ ôm vào lòng, trẻ sẽ có biểu hiện khoan khoái, dễ chịu nhưng trẻ tự kỷ thì không có hoặc ít có cảm nhận bằng các giác quan.

“Bố mẹ là người gắn bó với trẻ, hiểu rõ trẻ nhất và có khả năng luyện tập nâng đỡ cho trẻ nhiều nhất. Bố mẹ càng hiểu rõ đặc điểm của bệnh như: nhu cầu và khả năng điều trị, cách luyện tập các kỹ năng, sự sáng tạo, khéo léo và bền bỉ, trân trọng, kiên nhẫn phát triển từng kết quả nhỏ nhất thì càng cùng e-kíp điều trị tạo ra các cách giúp con tốt hơn”, bác sĩ Vân chia sẻ.

Bài và ảnh: BÌNH AN

.