Chính trị - Xã hội

Rải vàng mã trên đường đưa tang: Nhiều hệ lụy

09:58, 28/05/2015 (GMT+7)

Việc rải vàng mã trên đường đưa tang đã trở nên phổ biến. Dường như mọi người đều chấp nhận thực trạng này mà không nghĩ đến hệ lụy: lãng phí, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị...

Công việc của chị lao công sẽ bớt vất vả hơn nếu không có đám tang đi qua con đường này.
Công việc của chị lao công sẽ bớt vất vả hơn nếu không có đám tang đi qua con đường này.

Ngập “rác”

Tại cuộc họp sơ kết quý 1 thực hiện Chỉ thị 43 của Thành ủy Đà Nẵng về “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” vào ngày 8-4 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, một trong những hành vi làm mất mỹ quan đô thị lâu nay chưa có hướng giải quyết là tình trạng rải vàng mã trên đường đưa tang. Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường ước tính: “Thành phố mỗi ngày có từ 25-40 đám tang. Mỗi đám tang đi qua để lại lượng rác không nhỏ; bình quân 6 đám tang thu gom lại 2 tạ giấy, gạo, muối, gây không ít khó khăn cho những người làm công tác môi trường”.

Chị Thuần, công nhân Trung tâm Vệ sinh môi trường đô thị quận Hải Châu than phiền: “Tôi thu dọn vệ sinh ở các tuyến đường Trần Phú, Bạch Đằng. Không ít lần vào sáng sớm, đường phố đang sạch đẹp, một đám tang đi qua, người nhà cầm một xấp vàng mã rải ra đường ở ngã ba, ngã tư, gió thổi bay tung tóe, thậm chí cả gạo, muối vung vãi đầy đường. Ngày nào có đám tang thì ngày đó thu gom, dọn dẹp rất vất vả”.

Nhiều ý kiến cho rằng, đám tang là chuyện quan trọng thứ hai trong đời người. Vì nghĩa tử là nghĩa tận nên người sống thường cố gắng lo chu toàn để người thân đã khuất ấm lòng. “Bây giờ, đám tang đều do các nhà tang lễ lo trọn gói. Họ bày biện lễ lạt thế nào thì mình làm theo, kể cả việc rải vàng mã trên đường đưa tang. Mình chỉ mong lo đám tang cho người thân chu đáo nhất chứ chẳng suy nghĩ gì nhiều”, bà Tâm (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) nói. Đây cũng là tâm lý chung của nhiều gia đình khi có người thân qua đời nhưng điều này vô tình tiếp tay cho nạn rải vàng mã, trong khi hệ lụy là lãng phí, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị...

Không phải tập tục của người Việt

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Võ Văn Hòe cho hay, việc rải giấy vàng bạc, đốt đồ mã xuất phát từ Trung Hoa. Dân tộc ta từng trải qua ngàn năm Bắc thuộc nên chịu ảnh hưởng từ phong tục tập quán này, lâu dần trở thành thói quen, ăn sâu trong tiềm thức mọi tầng lớp nhân dân từ đời này sang đời khác với quan niệm khi đưa tang, người sống rải vàng mã dọc đường đi để giúp người chết có tiền bạc phòng thân hoặc để người chết sau này có thể lần dò về nhà trong những ngày giỗ, Tết.

Trao đổi thêm với chúng tôi, Đại đức Thích Thông Đạo, Phó trưởng ban kiêm Chánh thư ký Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Đà Nẵng, khẳng định trong các giáo lý của đạo Phật, không có dòng nào nhắc đến việc rải vàng mã trong các lễ tang. Đạo Phật hướng con người đến điều thiện, không làm điều ác, không vì hạnh phúc của bản thân mà gây phiền hà cho người khác.

Sẽ tuyên truyền rộng rãi

Ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho rằng trong việc rải vàng mã, người hưởng lợi chính là những cơ sở sản xuất, kinh doanh vàng mã và cơ sở mai táng. Nhưng lâu nay, các cấp chính quyền không quản lý chặt chẽ hoạt động này. Trong nhiều đám tang, còn có việc rải tiền thật, mệnh giá nhỏ. Đây là hành vi bị cấm vì hủy hoại đồng tiền Việt Nam nhưng đến nay vẫn chưa có việc xử phạt hành vi này.

Cũng theo ông Chiến, để chấn chỉnh những biểu hiện tiêu cực trong việc tang, ngày 12-1-1998, Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 27 về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Bộ VH-TT&DL cũng có Thông tư số 4 ngày 21-1-2011 quy định việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Nhưng tất cả chỉ dừng ở việc khuyến nghị chung chung.

“Thực hiện nếp sống văn minh đô thị, bảo đảm cảnh quan môi trường thì việc cấm rải vàng mã khi đưa tang ở một số tuyến đường chính là điều cần thiết. Sở sẽ phối hợp các các địa phương, ban, ngành triển khai quyết liệt vấn đề này. Cụ thể, làm việc với các cơ sở mai táng để ký cam kết không cung cấp vàng mã rải trên đường đưa tang, nếu vi phạm cần có biện pháp xử lý nghiêm. Soạn riêng tờ rơi về việc cúng, tang ma, cưới xin gửi đến tổ dân phố, phổ biến rộng rãi đến người dân; đưa nội dung này vào việc xét danh hiệu thi đua gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa… Quan trọng nhất là ý thức người dân, trước hết là sự gương mẫu của đảng viên, cán bộ”, ông Chiến nói về giải pháp trong thời gian tới.

Trong khi đó, Đại đức Thích Thông Đạo cho biết, hưởng ứng “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo thành phố có công văn hướng dẫn các nghi lễ cúng kính, tụng kinh cầu nguyện, không để tình trạng buôn bán làm mất mỹ quan trước cổng chùa… gửi các chùa trên địa bàn; đồng thời thường xuyên phổ biến với trụ trì các chùa để khuyên nhủ tăng, ni, phật tử không nên lãng phí tiền bạc trong cúng kính, tang ma, nhất là rải vàng mã trên đường đưa tang.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

.