Chính trị - Xã hội

Tòa án giải quyết tất cả các tranh chấp dân sự

08:50, 25/05/2015 (GMT+7)

Sáng 23-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi). Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Cạn, Gia Lai, Trà Vinh.

Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa cho rằng, việc sửa đổi bộ luật này là hết sức cần thiết, vì đây là một trong những bộ luật có vai trò cực kỳ quan trọng, giải quyết những vấn đề cụ thể, các tranh chấp dân sự phát sinh trong cuộc sống.

Do đó, ĐB đề nghị cần thiết phải quy định nguyên tắc Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng như tại khoản 2 Điều 4, vì quy định này nhằm cụ thể hóa khoản 3 Điều 102 Hiến pháp là Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Theo quy định này, Nhà nước phải có trách nhiệm tạo cơ chế pháp lý đầy đủ để mọi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân được pháp luật công nhận đều được tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện.

Thực tế thời gian qua, do không có quy định này nên Tòa án phải từ chối giải quyết các yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của cá nhân, tổ chức, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng nghiêm trọng quyền lợi của tổ chức, cá nhân; tạo nên những hành vi tiêu cực trong xã hội.

Về sự tham gia của Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) đối với phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự (Điều 22), ĐB đề nghị cần giữ nguyên quy định hiện nay của Bộ luật Tố tụng dân sự, vì Viện KSND có chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp. Trong thực tế, sự tham gia của Viện KSND chỉ có lợi cho Tòa án, đương sự, làm cho thẩm phán phải thận trọng hơn khi quyết định hướng giải quyết vụ án.

Về lệ phí giám đốc thẩm (Điều 324), ĐB nhất trí bổ sung quy định mới này nhằm hạn chế tình trạng gửi đơn đề nghị giám đốc thẩm tràn lan theo kiểu cầu may. Quy định này nhằm gắn kết quyền và ràng buộc trách nhiệm của đương sự trong việc nộp đơn đề nghị giám đốc thẩm, đồng thời, qua đó ràng buộc trách nhiệm của cơ quan thụ lý đơn giám đốc thẩm, tránh việc cùng một đơn nhưng có nhiều cơ quan (Tòa án, Viện KSND) cùng thụ lý giải quyết, gây thụ động, trông chờ lẫn nhau, làm ảnh hưởng đến quyền lợi đương sự. Tuy nhiên, ĐB đề nghị ngành Tòa án cần xem xét, quy định một khoản lệ phí hợp lý để tránh gây khó khăn cho đương sự.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đề nghị chọn phương án 2 Điều 22. ĐB cho rằng quy định tại phương án này vẫn thể hiện được vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Viện KSND trong tố tụng dân sự là kiểm sát hoạt động tư pháp. Đồng thời, kiểm sát viên tham gia phiên họp, phiên tòa sơ thẩm chỉ phát biểu về tố tụng nên không cần thiết phải tham gia như quy định tại Điều 21 Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành. Về công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án, ĐB đề nghị chọn loại ý kiến thứ nhất. Theo đó, nếu kết quả hòa giải được công nhận bởi Tòa án sẽ tạo ra hiệu lực pháp lý cho hòa giải, có tính ràng buộc với các bên, khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, giảm tải cho tòa án. Đồng thời việc công nhận kết quả hòa giải sẽ giúp khắc phục được những bất cập về hòa giải, trong đó có việc hạn chế tình trạng đưa ra những kết quả hòa giải không đúng pháp luật. Tuy nhiên, ĐB đề nghị luật cần quy định cụ thể về cơ quan, tổ chức hòa giải là cơ quan nào, hòa giải như thế nào thì được công nhận?

Trung tướng, Chính ủy Tổng cục Hậu cần Bộ Quốc phòng Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) nhấn mạnh, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử của Tòa án là rất cần thiết, nhằm bảo đảm công bằng. Tuy nhiên, ĐB đề nghị luật cần quy định cụ thể các nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm. ĐB nhận định, việc quy định thủ tục rút gọn là cần thiết, nhằm giải quyết án tồn đọng nhưng cần bổ sung các quy định cho thật cụ thể, không nên quy định chung chung như dự thảo luật. Riêng đối với quy định về tạm dừng phiên tòa, ĐB đề nghị luật phải quy định thật chặt chẽ, tránh việc lạm dụng nhằm kéo dài thời gian giải quyết vụ án, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự.

Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, về công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án, luật cần quy định thật chặt chẽ, vì sau khi hòa giải mà một trong các bên đương sự thay đổi ý kiến thì sẽ rất khó khăn.

PHẠM HỮU HOA

.