Chính trị - Xã hội

Vụ "Khuất tất trong sử dụng nước ở khách sạn"

Khó kiểm soát việc sử dụng nước ngầm

07:43, 12/05/2015 (GMT+7)

Thủ tục không thể thiếu để một khách sạn (KS) đi vào hoạt động là thực hiện đấu nối, ký hợp đồng sử dụng nước thủy cục.

Khách sạn Vân Sơn vẫn được cấp Giấy chứng nhận ATVSTP mặc dù hơn một năm nay không sử dụng nước thủy cục.
Khách sạn Vân Sơn vẫn được cấp Giấy chứng nhận ATVSTP mặc dù hơn một năm nay không sử dụng nước thủy cục.

Đây là yêu cầu cơ bản để KS được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Tuy nhiên, Chi cục ATVSTP Đà Nẵng lại cho rằng, giấy chứng nhận chỉ phản ánh thực tế KS có nguồn nước thủy cục chứ không kiểm soát được KS sử dụng nước gì trong suốt quá trình chế biến thực phẩm.

Theo ông Phạm Xuân Thọ, Trưởng Chi nhánh Cấp nước Sơn Trà,  đây chính là lý do hầu hết KS trên địa bàn quận có đồng hồ nước nhưng lại sử dụng ở hình thức đối phó, hóa đơn tiền nước mỗi tháng của KS chỉ dao động từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.

Có Giấy chứng nhận ATVSTP nhưng… chưa chắc an toàn

Nhìn bảng thống kê tình hình tiêu thụ nước thủy cục quá ít, thậm chí hoàn toàn không dùng trong nhiều tháng qua của KS Golden Sea và Như Minh (hai KS đã được cấp Giấy chứng nhận ATVSTP), ông Nguyễn Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Đà Nẵng cho rằng, giấy chứng nhận trên chỉ chứng tỏ KS có nguồn nước thủy cục chứ không nói lên được KS sử dụng nguồn nước đó như thế nào. “KS dùng nước thủy cục hay nước giếng khoan cho việc ngâm rửa, chế biến thực phẩm thì Chi cục ATVSTP… không kiểm soát được”, ông Tiến khẳng định.

Riêng đối với trường hợp KS Vân Sơn (111-113 Hà Bổng, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà), chỉ sử dụng 2m3 nước vào tháng 1 và 2 năm 2014, từ đó đến nay, KS không sử dụng nước máy, đã bị Chi cục Cấp nước Sơn Trà thu hồi đồng hồ nhưng vẫn có Giấy chứng nhận ATVSTP thì ông Tiến giải thích rằng, hằng năm, chi cục có tiến hành công tác hậu kiểm đối với những cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận ATVSTP. Theo đó, KS luôn phải xuất trình hóa đơn thanh toán tiền nước thủy cục ít nhất trong 2 tháng gần nhất. Tuy nhiên, từ đầu năm 2014 đến nay, chi cục… chưa có kế hoạch kiểm tra lại (?!).

Cũng theo ông Tiến, việc sử dụng nguồn nước khoan để phục vụ hoạt động ăn uống, tắm gội mà không có biện pháp xử lý là cách làm “đùa giỡn” với sức khỏe và tính mạng của người sử dụng, bởi nước ngầm - mặc dù trong suốt, không mùi, không vị - nhưng lại chứa hàm lượng nhiều chất hóa học nguy hiểm mà điển hình là asen (hay còn gọi là thạch tín, độc gấp 4 lần thủy ngân) làm tăng nguy cơ gây ung thư da, phổi, thận và bàng quang.

Ông Phạm Hoàng Tùng, quản lý KS Trường Sơn Tùng (số 2 Hà Bổng) cho rằng, số lượng không nhỏ du khách tại Đà Nẵng là người đến từ các quốc gia phát triển. Với họ, uống nước trực tiếp từ vòi hoa sen, không qua đun nấu là việc làm hiển nhiên. Nếu tình trạng khai thác và sử dụng nước ngầm không xử lý này không sớm được khắc phục, một du khách quốc tế bị ngộ độc hay xảy ra các vấn đề về da do sử dụng nước thì thương hiệu thành phố đáng sống, điểm đến du lịch hấp dẫn, an toàn, thân thiện… mà thành phố đã gầy dựng trong thời gian qua sẽ là vô nghĩa. “Luật Tài nguyên nước đã rõ ràng, tất cả chỉ còn phụ thuộc vào công tác kiểm tra, giám sát nghiêm túc của các cơ quan chức năng”, ông Phạm Hoàng Tùng nhấn mạnh.

Khai thác nước ngầm - lợi bất cập hại

Ông Nguyễn Đình Anh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho biết, số KS được cấp giấy phép khai thác nước ngầm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng là rất ít bởi mặc dù là nguồn tài nguyên có thể tái tạo được nhưng việc khai thác nước ngầm quá mức, mật độ cao, không theo quy hoạch sẽ gây ra nhiều tác động xấu, không thể khắc phục cho môi trường.

Theo đó, khai thác nước ngầm liên tục, với công suất lớn sẽ dẫn đến sụt lún cục bộ, ảnh hưởng đến cấu trúc nền móng của các công trình xây dựng mà điển hình là “hố tử thần” có chu vi hàng chục đến hàng trăm m2 hay những tòa nhà nghiêng so với phương thẳng đứng ở thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Khai thác nước ngầm còn ảnh hưởng hệ thống cống thu gom nước thải, làm tăng nguy cơ ngấm nước thải ô nhiễm ra môi trường. Đặc biệt, ở các khu vực gần biển như quận Sơn Trà, nước biển sẽ xâm lấn dần và làm nhiễm mặn nguồn nước… “Nhìn chung ô nhiễm, suy thoái chất lượng, suy giảm số lượng và cạn kiệt nguồn nước vĩnh viễn đều bắt nguồn từ hoạt động khai thác nước ngầm vô tội vạ hôm nay”, ông Đình Anh nói.

Trước yêu cầu bảo vệ nguồn nước ngầm, Chính phủ đã ban hành Quy định số 142/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Theo đó, sẽ phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với việc khai thác, sử dụng nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ với lưu lượng từ 10m3 nước/ngày đêm trở lên. Tuy nhiên, theo một cán bộ của Phòng Quản lý tài nguyên và Khai thác khoáng sản nước của Sở Tài nguyên và Môi trường thì quy định đã có nhưng việc kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác nước ngầm là không hề dễ dàng bởi số lượng KS ở Đà Nẵng quá nhiều. Bên cạnh đó, các KS vẫn sử dụng nước thủy cục theo kiểu cầm chừng để che lấp hành vi trái pháp luật của của mình.

Trong nghiên cứu được công bố năm 2006, Tổ chức Y tế thế giới đã khẳng định, việc khai thác nước ngầm ở mật độ dày đặc không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường mà còn là nguyên nhân nhiều bệnh ở địa phương và toàn cầu do khả năng truyền dẫn bệnh truyền nhiễm và hóa chất nguy hiểm. Mức độ nhiễm độc của mạch nước ngầm thường thay đổi theo thời gian, nhẹ có thể gây nên tiêu chảy, tổn thương các cơ quan tiêu hóa, sử dụng lâu dài có thể ảnh hưởng đến gan, thận, hệ thần kinh...

Bài và ảnh: MAI TRANG

.