Chính trị - Xã hội
Dấu ấn thời gian
I
Đúng 47 năm, kể từ phút đầu được gặp hai anh, tôi bồi hồi viết những dòng này. Anh Trần Văn Anh và anh Hoàng Kim Tùng, hai Nhà báo-Liệt sĩ, hai Tổng biên tập kế tiếp của Báo Giải phóng và Báo Cờ Giải phóng Quảng Đà trong những năm chiến tranh ác liệt nhất trên chiến trường Bắc Quảng Nam-Đà Nẵng.
Từ trái sang: 1- Liệt sĩ Nguyễn Trọng Định, Báo Nhân Dân. 2- Liệt sĩ Trần Văn Anh, Tổng Biên tập Báo Giải phóng và Cờ Giải phóng (GP&CGP) Quảng Đà. 3- Đinh Trọng Quyền, thương binh 2/4, Tổ trưởng phóng viên Việt Nam Thông tấn xã tại Quảng Đà. 4- Hải Học, Báo GP&CGP Quảng Đà. 5- Liệt sĩ Trịnh Xuân Hy, phóng viên ảnh Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Đà. 6- Liệt sĩ Hoàng Kim Tùng, Phó Tổng biên tập Báo GP&CGP Quảng Đà. 7+8- Trần Mai Hạnh và Nguyễn Quốc Toản, phóng viên VNTTX tại Quảng Đà. Ảnh tư liệu |
Nhưng trước hết hãy bắt đầu từ bức ảnh hiếm hoi được chụp tại chiến trường từ 47 năm trước. Bức ảnh gần như duy nhất có sự hiện diện của đông đủ các nhà báo có mặt tại chiến trường Quảng Đà khi đó, gồm các phóng viên của Việt Nam Thông tấn xã, Báo Nhân Dân, Báo Giải phóng, Báo Cờ Giải phóng Quảng Đà và phóng viên nhiếp ảnh Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Đà.
Bức ảnh được chụp chiều ngày 14-7-1968 tại bộ phận tiền phương Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Đà. Chính nhờ có anh Trần Văn Anh mà thời khắc đáng nhớ đó được bấm máy. Số là, sau hơn hai tháng trời ròng rã trèo đèo, lội suối vượt dãy Trường Sơn, tổ phóng viên biệt phái của Việt Nam Thông tấn xã chúng tôi vào tới căn cứ Tỉnh ủy Quảng Đà đóng ở vùng núi Đại Lộc-Duy Xuyên.
Ngày 13-7-1968, theo giao liên, chúng tôi xuống đồng bằng, bắt đầu những ngày làm phóng viên chiến trường tại mặt trận vô cùng ác liệt này. Anh Đinh Trọng Quyền, tổ trưởng dẫn đầu đoàn xuống đồng bằng gồm có tôi (Trần Mai Hạnh) và Nguyễn Quốc Toản đều là phóng viên tin của Việt Nam Thông tấn xã và Nguyễn Trọng Định, phóng viên Báo Nhân Dân được phiên chế cùng đoàn và cùng rời Hà Nội một ngày. Suốt một ngày căng thẳng, băng qua các bãi pháo chặn đường, vượt qua sự rình rập của các đồn bốt và sự săn đuổi của trực thăng vũ trang, khuya đó chúng tôi tới được và nghỉ lại tại xã Xuyên Hòa (huyện Duy Xuyên).
Gần trưa hôm sau thì giao liên (tôi còn nhớ tên cô là Hường) qua đón về bộ phận tiền phương Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Đà đang đứng chân tại xã Xuyên Thanh. Phút gặp gỡ thật cảm động. Anh Trần Văn Anh bắt tay và ôm chặt từng người. Không hiểu sao, trong vòng tay ôm chặt của anh, tôi cảm nhận rất rõ sự tin cậy, gần gũi.
Anh nhỏ con, người gầy, nước da sạm đen với cặp kính cận to tướng. Với cương vị Ủy viên Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Đà, anh cho biết đã triệu tập đầy đủ các phóng viên của Báo Giải phóng (dành cho nông thôn) và Báo Cờ Giải phóng (dành cho đô thị) của Quảng Đà tới dự buổi gặp mừng đón đoàn chúng tôi từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường.
Cùng dự có anh Hoàng Kim Tùng, Phó Tổng biên tập kiêm Bí thư chi bộ và anh Hồ Hải Học - phóng viên Báo Giải phóng Quảng Đà, anh Trịnh Xuân Hy - phóng viên nhiếp ảnh của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Đà. Cuộc gặp với tôi còn thật sự bất ngờ, khi không chỉ có tôi, Trọng Định và Hải Học từng là sinh viên khoa Ngữ văn - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, mà cả anh Trần Văn Anh cũng học khoa Ngữ văn của trường và tốt nghiệp trước chúng tôi 2 năm.
Buổi làm việc diễn ra rất nhanh. Anh Trần Văn Anh thống nhất với anh Đinh Trọng Quyền phân công tôi về công tác và sinh hoạt với Ban Chỉ huy Quận đội 2 Đà Nẵng, Trọng Định về Quận ủy 2 Đà Nẵng (cả hai cơ quan lúc đó đều đứng chân ở huyện Điện Bàn), Quốc Toản thì về Thị ủy Hội An. Trước bữa cơm liên hoan, anh Trần Văn Anh nói mọi người chụp với nhau một bức ảnh kỷ niệm. Bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn không sao nhớ được ai là người bấm máy chiều hôm đó để có bức ảnh hiếm hoi mà tôi dường như là người duy nhất gìn giữ được nó đến ngày hôm nay.
Gặp nhau tay bắt mặt mừng nhưng cũng không tâm sự được nhiều, vì chưa buông đũa đã có lệnh phải cấp tốc di chuyển trước khi địch mở cuộc càn lớn vào Xuyên Thanh. Thế là vội vã chia tay. Anh Trọng Quyền theo giao liên ngược đường về lại núi – nơi tổ phóng viên Việt Nam Thông tấn xã đứng chân ngay gần căn cứ của Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Đà lúc đó, Quốc Toản đi Hội An, tôi và Trọng Định nán lại tới mờ sáng hôm sau theo anh Trịnh Xuân Hy dẫn về bàn giao cho Ban Chỉ huy Quận đội 2 và Quận ủy 2 Đà Nẵng đang đứng chân ở Điện Bàn…
II
Ai bấm máy tôi không nhớ, nhưng người đưa tôi bức ảnh là anh Trần Văn Anh. Kỳ đó, kết thúc chuyến công tác đầu tiên, tạm biệt Ban Chỉ huy Quận đội 2, tôi tới bộ phận tiền phương Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Đà đang ở Điện Thọ để theo giao liên về lại căn cứ trên núi.
Tôi tới thăm anh Trần Văn Anh và các anh ở Báo Giải phóng Quảng Đà cũng đang đứng chân ở đó. Hơn hai tháng, kể từ buổi chiều 14-7-1968 ở Xuyên Thanh, tôi mới gặp lại anh. Anh Anh ân cần hỏi han mọi chuyện và đưa tôi bức ảnh. Hơn hai tháng mà đã có bao biến cố xảy ra. Tôi lặng người trước gương mặt điềm tĩnh, ngời sáng của 8 nhà báo có mặt trong bức ảnh, người tuổi đời nhiều nhất chính là anh Trần Văn Anh, năm đó anh 38 tuổi.
Người đứng vị trí đầu tiên trong ảnh (từ trái sang) là nhà báo – nhà thơ Nguyễn Trọng Định, phóng viên Báo Nhân Dân đã không còn nữa. Trọng Định hy sinh lúc mờ sáng ngày 26-8-1968 khi một trái pháo nổ gần, mảnh đạn sắc nhọn đâm thủng ba lô xuyên thẳng vào tim. Máu từ tim chảy theo đường đạn ướt sũng ba lô.
Nếu kể từ ngày chụp bức ảnh chung, thì chỉ hơn một tháng sau Định đã hy sinh. Sáng ấy nghe tin, tôi tất tả lội sông La Thọ qua tìm thăm mộ Định vừa được mai táng vội vàng ở xóm Bà Dưa và nhận những kỷ vật của Định do các anh Tuyên huấn Quận ủy 2 Đà Nẵng bàn giao. Mảnh giấy ghi vắn tắt: 1 ba lô, 1 bộ quân phục, 1 áo khoác, 1 đài bán dẫn Trung Quốc, 1 sổ tay phóng viên, 1 bức ảnh.
Gia tài Định để lại chỉ có thế. Tôi gói chiếc ba lô đã khô vết máu cùng những kỷ vật của Định cất cẩn thận dưới đáy ba lô của tôi. Tôi kể lại trường hợp hy sinh của Trọng Định. Anh Trần Văn Anh xúc động xem những trang bản thảo đẫm máu và những dòng cuối cùng trong nhật ký Định viết cho người yêu: “... Em thương yêu! Anh đã xuống đồng bằng và ra mặt trận. Đã hiến thân cho cách mạng thì anh cũng đã hiểu rõ tất cả những gì cần thiết mà mình phải làm trong trận đánh quyết liệt này. Mong em Kim của anh trên đường đời luôn hạnh phúc. Và luôn trong sáng, đẹp đẽ như mối tình giữa đôi ta. Nếu anh có không may... nhưng chắc chẳng bao giờ có chuyện đó đâu phải không em thân yêu. Nhưng dù anh có hy sinh thì em hãy coi đó là một niềm vinh dự, tự hào. Bởi lẽ anh thương yêu của em đã sống trọn vẹn với trách nhiệm một người con của Đảng. Hôn em. Anh ra mặt trận đây!”.
Lặng đi một lúc, anh nói với tôi, Trọng Định chưa được kết nạp Đảng, nhưng suy nghĩ và trái tim của Trọng Định là suy nghĩ và trái tim của một người cộng sản. Anh thông báo, vì tổ phóng viên bao gồm cả tin, ảnh, điện báo viên và kỹ thuật viên thu phát ảnh vô tuyến Việt Nam Thông tấn xã cử vào mặt trận Quảng Đà chỉ có một đảng viên là anh Đinh Trọng Quyền, nên anh đã đề nghị Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy cử hai đảng viên biệt phái sang sinh hoạt cùng với tổ để thành lập một chi bộ.
Đó là anh Trịnh Xuân Hy, phóng viên ảnh và anh Nguyễn Vĩnh Luân, phóng viên tin. “Rứa là thuận lợi hỉ. Mai Hạnh phấn đấu để sớm trở thành đảng viên của Đảng”, anh nói và vỗ vỗ lên vai tôi, như động viên như nhắc nhở. Đó là một buổi sáng chủ nhật hiếm hoi vừa yên tĩnh vừa thư thái của chiến trường, vì phải đợi tới chiều tối tôi mới có thể theo giao liên vượt sông Thu Bồn sang Gò Nổi, rồi từ đó băng qua những ổ phục kích và chốt chặn của địch ở Đại Lộc, kịp vào ranh lên núi trước khi trời sáng. Anh trò chuyện với tôi gần hết buổi sáng.
Tôi được biết anh sinh trong một gia đình nông dân ở xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Anh mồ côi cả cha lẫn mẹ, được chú thím nuôi cho ăn học và học rất thông minh. Anh tham gia cách mạng từ năm 1948 trong Ban An ninh huyện Điện Bàn, khi vừa tròn 18 tuổi. Anh được kết nạp Đảng từ rất sớm.
Năm 1953 anh gia nhập bộ đội, công tác trong Ban chính trị Trung đoàn 93 của tỉnh. Sau Hiệp đinh Genève, cùng đơn vị anh tập kết ra Bắc, rồi chuyển ngành làm phóng viên Báo Đường sắt Việt Nam. Năm1963 tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, anh được cử về làm giảng viên chính trị Trường Thể dục Thể thao Trung ương. Mặc dù mắt cận thị rất nặng anh vẫn tình nguyện đi B. Cuối tháng 4 năm 1966 anh đã vượt được dãy Trường Sơn về đến quê hương.
Không nghỉ một ngày, anh bắt tay ngay vào việc tiếp tục xây dựng và phát triển cùng lúc hai tờ báo - Báo Giải phóng (dành cho nông thôn) và báo Cờ Giải phóng (dành cho đô thị) của Đặc khu Quảng Đà (mặt trận Bắc Quảng Nam-Đà Nẵng). Anh vừa là Ủy viên Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, vừa là Tổng biên tập cũng đồng thời là phóng viên trực tiếp viết bài cho cả hai tờ báo này…
Lần thứ hai trở lại đồng bằng, tôi được trinh sát Bộ Tư lệnh Mặt trận 4 đưa thẳng tới Tiểu đoàn 3 đang chiến đấu trong vòng vây của 7.000 quân Mỹ-ngụy và chư hầu tại ba xã Điện Thọ, Điện Phước, Điện An thuộc huyện Điện Bàn. Sau 21 ngày đêm chiến đấu, ra khỏi vòng vây một thời gian, ngày 30-12-1968 tôi về lại Ban Chỉ huy Quận đội 2 đang đứng chân tại xã Điện Thái.
Chiều tối hôm ấy, anh Trịnh Xuân Hy đang đi với bộ phận tiền phương Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Đà tìm gặp, báo cho tôi một tin rụng rời: Anh Trần Văn Anh, Tổng biên tập Báo Giải phóng Quảng Đà vừa hy sinh trước đó một ngày, cũng ngay tại xã Điện Thái này. Anh Hy lập tức đưa tôi tới thăm Hải Học và các anh ở Báo Giải phóng Quảng Đà. Mọi người vẫn chưa hết bàng hoàng, kể lại những giây phút cuối cùng của anh Trần Văn Anh.
Được chỉ thị của Thường vụ Tỉnh ủy, anh Trần Văn Anh và các anh ở Báo Quảng Đà trở lại vành đai Đà Nẵng làm nhiệm vụ. Ngày 29-12-1968, vừa từ Gò Nổi vượt sông Thu Bồn đặt chân lên xã Điện Thái thì một máy bay trinh sát thình lình xuất hiện. Các anh vội chui vào một hầm tránh pháo dưới bụi tre gãy gục. Chiếc trinh sát quần mấy vòng thì có tiếng ầm ì của máy bay phản lực, và sau đó một chiếc F105 quần đảo trên bầu trời. Chiếc trinh sát lao xuống phóng quả rốc-két chỉ điểm chỉ cách miệng hầm mấy mét, khói sặc sụa cả căn hầm. Các anh vừa lao lên chạy được mấy mét thì chiếc F105 lao xuống cắt bom. Sau loạt bom nghe tiếng kêu:
- Mình bị thương rồi các cậu ơi!
Các anh đổ xô lại thì thấy anh Trần Văn Anh đang gượng ngồi bệt trên mặt đất, đưa tay đỡ chiếc đùi dập nát của mình. Anh nói:
- Các cậu coi, bị ri còn mần ăn chi được nữa!
Đưa anh vào bờ tre rậm ven một làng trắng, các anh ở báo ra sức cầm máu cho anh nhưng vô hiệu. Vết thương quá nặng, một chiếc đùi bị phá nát hoàn toàn, chỉ còn dính hờ với cơ thể bằng một mảnh da mỏng sau mông. Anh Anh đưa tay ôm từng người, nói:
- Chắc mình không qua được đâu. Các cậu ở lại đùm bọc nhau làm việc cho tốt. Có đi công tác Hòa Vang nhớ ghé qua nhà, nói mình gửi lời thăm chị (bà chị ruột còn lại duy nhất của anh), thăm tất cả.
Vừa dứt câu cũng là lúc anh trút hơi thở cuối cùng. Năm ấy anh mới 38 tuổi. Trong bức ảnh, anh là người nhiều tuổi nhất, đứng thứ hai ngay cạnh Trọng Định...
Ba tháng sau ngày anh Trần Văn Anh hy sinh, ngày 29-3-1969, tôi gặp Hoàng Kim Tùng tại cơ quan (phía trước) Ban Tuyên huấn Đặc khu Quảng Đà đóng tại núi Hòn Tàu (huyện Duy Xuyên Quảng Nam) khi anh, tôi và nhiều cán bộ tuyên huấn và báo chí của tỉnh được Đặc khu ủy triệu về họp Hội nghị Tuyên huấn. Anh Hoàng Kim Tùng, anh Trịnh Xuân Hy và tôi ở trong cùng một hang trong lòng núi Hòn Tàu, mắc võng bên nhau. Hội nghị kéo dài gần một tuần.
Trưa thứ năm 4-4-1969, Ban Tuyên huấn Đặc khu ủy Quảng Đà làm lễ truy điệu trọng thể các đồng chí hy sinh, trong đó có anh Trần Văn Anh và anh Nguyễn Trọng Định. Thông báo của Ban Tuyên huấn cho biết, anh Hoàng Kim Tùng đã được Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà cử giữ những trọng trách anh Trần Văn Anh để lại: Ủy viên Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, Tổng biên tập Báo Giải phóng và Báo Cờ Giải phóng Quảng Đà.
Đêm đó mắc võng bên nhau tâm sự, tôi được biết anh Tùng quê ở Quảng Trị, vào chiến trường từ năm 1965, để lại hậu phương Hải Phòng người vợ trẻ đồng nghiệp và cùng quê, với con trai đầu lòng, cháu Hoàng Tuấn Anh mới lẫm chẫm bước đi. Anh đã sát cánh với anh Trần Văn Anh và một số anh khác, không quản hiểm nguy, dốc sức xây dựng và phát triển Báo Giải phóng và Báo Cờ Giải phóng Quảng Đà trong những năm tháng vô cùng ác liệt của chiến tranh.
Anh cho biết đã ký văn bản của Báo Giải phóng Quảng Đà nhận xét về tôi trong năm đầu ở chiến trường. Vậy là, cùng với văn bản nhận xét của Q91 (mật danh của Ban Chỉ huy Quận đội 2 Đà Nẵng), giấy xác nhận của Chi ủy Báo Quảng Đà do anh Hoàng Kim Tùng ký, anh Trịnh Xuân Hy mang về núi đã hoàn thiện hồ sơ xét kết nạp Đảng cho tôi. Ngày 22-5-1969, tôi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam tại một buổi lễ trang trọng tổ chức trên căn cứ. Hai người giới thiệu tôi vào Đảng là anh Đinh Trọng Quyền và anh Trịnh Xuân Hy...
Hơn ba năm sau, anh Hoàng Kim Tùng hy sinh ở núi Hòn Tàu, ngay tại nơi diễn ra Hội nghị Tuyên huấn Đặc khu ủy Quảng Đà mà tôi cùng dự và có dịp gần một tuần sống bên anh. Trận bom của máy bay B52 đêm 21 rạng sáng 22-5-1972 đã rải thảm trúng cơ quan phía trước của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Đà đóng tại núi Hòn Tàu.
Anh Hoàng Kim Tùng (người đứng vị trí thứ 6 trong ảnh) cùng 9 cán bộ Ban Tuyên huấn Quảng Đà hy sinh, nhiều người bị thương nặng. Ngay thời điểm ấy, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy đã chôn cất được 5 người gồm chị Nguyễn Thị Hồng, Lê Thị Tám và các anh Lê Văn Phô, Võ Văn Ấn, Nguyễn Đức Tân tại một vạt núi gần căn cứ. Nhưng 5 người còn lại là các liệt sĩ Hoàng Kim Tùng, Hoàng Quốc Thắng, Nguyễn Bá Tiệp, Nguyễn Vinh và Võ Công Thu hy sinh trong hang đá, bị các khối đá lớn nặng hàng chục tấn đè lên.
Đứng trước hang đá, các anh chị còn sống lúc đó còn nhìn thấy một cái chân của một đồng chí hy sinh bị tảng đá nặng hàng chục tấn đè xuống mà không sao có thể bẩy tảng đá để lấy xác của đồng chí, đành phải lấy thêm đất đắp vào cho ngôi mộ chung của 5 người.
Chưa đầy một năm sau, năm 1973, anh Trịnh Xuân Hy (người đứng thứ 5 trong bức ảnh), là người giúp đỡ, giới thiệu tôi vào Đảng cũng anh dũng hy sinh trên đường công tác...
Phó Tổng biên tập Báo Đà Nẵng Trương Công Định và Hoàng Tuấn Anh, con trai liệt sĩ Hoàng Kim Tùng bên Bia tưởng niệm các đồng chí đã hy sinh năm 1972.Ảnh: NGỌC PHÚ |
III
Chiến tranh kết thúc, nhưng cuộc sống với biết bao trách nhiệm, nghĩa vụ và lo toan vẫn cất bước. Người còn sống và cả người đã ra đi vẫn hằng ngày hiện diện trong cuộc sống hôm nay. Sau ngày giải phóng, chị Hoàng Thị Hường cùng ba con của anh Trần Văn Anh giờ đã trưởng thành, về tìm lại mộ chồng, mộ cha thì hoàn toàn thất vọng.
Bom đạn tàn phá nặng nề, hố bom chồng lên hố bom, máy cày của Mỹ cày ủi, xới tung từng vạt đất làm thay đổi địa hình, xóa đi những vật chuẩn đến nỗi bạn bè từng chôn cất anh Anh ngày nào cũng phải ngỡ ngàng. Họ đã mày mò tìm kiếm, nhưng không sao xác định được chỗ chôn hài cốt của anh. Những năm về công tác tại tỉnh nhà, ngoài sự giúp đỡ tận tình của Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, của bạn bè, bà con, chị Hoàng Thị Hường đã tìm tới các nhà ngoại cảm và tìm tới mọi sự mách bảo nhưng vẫn không thấy một tia sáng nào.
Nhưng rồi hình như “trời cũng có mắt”, giữa năm 1993, nghĩa là sau 25 năm anh Anh hy sinh, với sự giúp đỡ của các nhà ngoại cảm, chị Hoàng Thị Hường đã tìm được mộ chồng giữa một vùng bình địa đang ngập tràn màu xanh của mía, của bắp và lúa. Hài cốt của anh đã được bạn bè, đồng chí từng chôn cất anh ngày nào kiểm tra, xác nhận qua một số di vật chôn theo lúc bấy giờ. Lần đầu tiên sau một phần tư thế kỷ, chị đã ràn rụa nước mắt cắm nén hương trên nấm mộ chồng vừa được đồng bào mới đắp bên tấm mộ chí mang dòng chữ:
Trần Văn Anh
Nhà báo – Liệt sĩ
Hy sinh ngày 29-12-1968.
Năm 1995, trong điếu văn đọc tại lễ cải táng Nhà báo-Liệt sĩ Trần Văn Anh về nghĩa trang huyện Điện Bàn do Đảng bộ và UBND tỉnh phối hợp cùng gia quyến tổ chức, có đoạn: “Cả cuộc đời đồng chí đã giữ trọn danh hiệu cao quý của người đảng viên cộng sản, dù ở vị trí công tác nào. Tổ quốc và nhân dân mãi mãi nhớ công lao của đồng chí, người đảng viên trung kiên, người con ưu tú của quê hương. Sự nghiệp mà thế hệ các đồng chí xây dựng sẽ được thế hệ ngày nay và thế hệ ngày mai kế tục và phát triển...”.
Cuộc tìm kiếm bốc cất hài cốt liệt sĩ Hoàng Kim Tùng và 4 cán bộ Tuyên huấn Quảng Đà bị vùi lấp trong hang đá núi Hòn Tàu kéo dài tới 39 năm, với bao lo toan khắc khoải cùng ý nguyện sắt đá của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Đà, của gia đình và của anh em đồng chí, đồng đội. Hơn 10 chuyến đi trở lại chiến trường xưa, cố tìm cho được nơi các đồng đội thân yêu đã ngã xuống, nhưng đều không thành. Thời gian lùi xa, cảnh vật đổi thay đến mức dù trở lại nơi mình đã thuộc từng tảng đá, lòng khe, con suối mà mọi người vẫn không khỏi ngỡ ngàng.
Rồi tới mùa hè 2009, cả gia đình cháu Hoàng Tuấn Anh, con trai anh Hoàng Kim Tùng, khi đó đã là cán bộ chủ chốt của Sở Lao động, Thương binh Xã hội tỉnh Quảng Trị đã cùng với các phóng viên Báo Đà Nẵng lội suối trèo đèo suốt ngày dưới trời nắng chang chang mà vẫn không sao tìm được nơi anh Hoàng Kim Tùng đã ngã xuống.
Trước nỗ lực bất thành sau hàng chục năm tìm kiếm, trong lần vào Đà Nẵng sau đó, chị Hoàng Thị Thọ, vợ anh Hoàng Kim Tùng gặp anh Nguyễn Đình An, nguyên Tổng Biên tập Báo Giải phóng Quảng Đà, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng những năm 1980-1990.
Cuộc đời mang nặng bao đau thương héo hon khiến người nữ giáo viên cấp 3 Quảng Trị như chỉ còn một nhúm xương. Chị thổ lộ với anh Nguyễn Đình An: “Tôi không còn hy vọng tìm được hài cốt anh Tùng. Tôi chắc là không đi được nhưng các anh làm sao để Tuấn Anh và con nó đến được nơi anh Tùng yên nghỉ”.
Với ý nguyện chỉ khi nào tìm được hài cốt của các đồng chí đã hy sinh mới cảm thấy yên lòng, cuộc thăm dò, khảo sát do Ban Liên lạc Đặc khu ủy Quảng Đà và các đồng chí, đồng nghiệp ở Ban Tuyên huấn và ở Báo Quảng Đà vẫn mải miết tiến hành, và cuối cùng đã xác định được hang đá định mệnh đã vùi lấp anh Hoàng Kim Tùng và đồng đội.
Nhờ sự phối hợp của Bộ đội công binh (Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố) và các ban, ngành chức năng của Quảng Nam-Đà Nẵng, công tác cất bốc hài cốt liệt sĩ Hoàng Kim Tùng và 4 cán bộ Tuyên huấn Quảng Đà hy sinh từ 39 năm trước đã thành công. Gần 100 ki-lô-gam thuốc nổ đã được các chiến sĩ công binh sử dụng để phá vỡ và chuyển dịch các khối đá lớn trên đỉnh hang, tạo điều kiện để các thợ chế tác đá tiếp tục chẻ, phá dỡ thủ công từng tảng đá, làm lộ ra nơi các chiến sĩ hy sinh.
Sau 10 ngày làm việc liên tục, cật lực, ngày 7-8-2011, hài cốt 5 liệt sĩ đã được cất bốc dù không còn nguyên vẹn. Chiếc đồng hồ liệt sĩ Hoàng Kim Tùng khi sống thường đeo, được tìm thấy, còn nguyên vẹn, dừng kim ở ngày 24-5-1972 (sau hai ngày bị dội bom). Vợ anh, chị Hoàng Thị Thọ và con trai anh, cháu Hoàng Tuấn Anh đã nhận chiếc đồng hồ kỷ vật và đón anh về an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Đông Hà, quê anh…
Hài cốt liệt sĩ Trịnh Xuân Hy cũng đã được tìm thấy, giờ anh yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ nơi anh đã cất tiếng chào đời - xã Tam Thanh, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Chỉ còn Nhà báo - Nhà thơ - Liệt sĩ Nguyễn Trọng Định là giờ vẫn chưa tìm được hài cốt, mặc dù Báo Nhân Dân và gia đình đã bao năm tìm kiếm. Hài cốt của anh đã hòa tan trong đất Điện Bàn, Quảng Nam, nơi anh nguyện nhận là quê hương dù không cất tiếng chào đời; và là nơi sinh ra Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi - mảnh đất anh đã đến tận nơi rồi đổi cả sinh mạng mình cho bài viết, nơi đã cho anh những rung cảm sâu sắc để gửi lại đời những vần thơ rất hay về đất nước, về tình yêu, trong đó có bài thơ cuối cùng “Gửi em” anh đọc cho tôi chép trong ánh hoàng hôn chạng vạng của chiến trường 47 năm trước...
Như vậy, tám nhà báo có mặt trong bức ảnh thì bốn đã là liệt sĩ. Bốn người còn sống sót sau chiến tranh thì đã không biết bao lần bị pháo dập, bị bom tọa độ, bom B52 rải thảm vùi lấp. Riêng anh Đinh Trọng Quyền (người đứng thứ 3 trong bức ảnh) là Bí thư chi bộ kiêm tổ trưởng tổ phóng viên Việt Nam Thông tấn xã tại Quảng Đà, người đọc quyết định và tuyên bố kết nạp tôi vào Đảng ở chiến trường là thương binh nặng 2/4. Anh bị mảnh pháo cưa mất bàn chân phải và “hớt” mất một phần bắp chân trái...
Trần Văn Anh, Hoàng Kim Tùng, Trịnh Xuân Hy, Nguyễn Trọng Định - bốn nhà báo - liệt sĩ và cũng là bốn nhà báo - chiến sĩ, một danh xưng giản dị mà cao quý, không phải bất cứ nền báo chí nào trên trái đất này cũng đều có được. Cuộc đời các anh, cuộc đời của mỗi nhà báo - liệt sĩ gửi lại với đời đều là những tác phẩm lớn được viết bằng máu. Các anh vẫn hiện diện trong cuộc sống hôm nay, trong các bài báo, bài thơ để lại, trong nhắc nhớ của những người thân yêu và trong hồi ức của bạn bè, đồng nghiệp.
Gương mặt tinh thần của lịch sử 55 năm vẻ vang của Báo Đà Nẵng, mà tiền thân là Báo Giải phóng và Báo Cờ Giải phóng Quảng Đà, ngời sáng hình ảnh anh Trần Văn Anh và anh Hoàng Kim Tùng. Đó là hai Nhà báo-Liệt sĩ, đồng thời từng là hai Tổng biên tập kế tiếp đã dấn thân chèo lái con thuyền Báo Giải phóng Quảng Đà vượt qua biết bao hiểm nguy, sóng gió trong những năm tháng chiến tranh vô cùng ác liệt đã qua. Hai anh đã đóng những dấu ấn không phai mờ trong lịch sử tờ báo.
Những trang Báo Giải phóng và Báo Cờ Giải phóng Quảng Đà đã ố vàng vì lớp bụi thời gian ngày ấy, mỗi khi đọc lại chúng ta vẫn cảm nhận được hơi thở phập phồng của quá khứ, vẫn rung lên trong ta những xúc động sâu xa. Biết bao hy sinh mất mát trong từng con chữ, biết bao sự tích anh hùng và cả những câu chuyện bình dị chứa đựng những sự thật không thể lãng quên về một thời bom đạn tự hào và đẫm nước mắt. Những giọt nước mắt của cả lịch sử và hiện tại.
Hà Nội, tháng 6-2015
TRẦN MAI HẠNH