Chính trị - Xã hội
Đoàn kết, đổi mới và phát triển
Đại hội đại biểu Đảng bộ Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) lần thứ V, nhiệm kỳ 2015-2020 là dịp quan trọng để tổng kết, đánh giá những kết quả đạt được trong công tác lãnh đạo ĐHĐN thời gian qua và đề ra phương hướng, giải pháp hữu hiệu phát triển ĐHĐN trong giai đoạn tăng tốc đổi mới giáo dục nước nhà những năm đến.
GS, TS Trần Văn Nam - Giám đốc Đại học Đà Nẵng khen thưởng sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc. Ảnh: ĐHĐN |
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ ĐHĐN lần thứ IV, nhiệm kỳ 2010-2015 được triển khai thực hiện trong bối cảnh nước ta và thành phố Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và quan trọng của công cuộc đổi mới. Từ bề dày lịch sử 40 năm của các cơ sở giáo dục đại học thành viên, qua 20 năm thành lập và phát triển, ĐHĐN đã ngày càng khẳng định được vị thế và vai trò của một đại học vùng trọng điểm, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển của thành phố Đà Nẵng và khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thành ủy Đà Nẵng, với phương châm “đoàn kết, đổi mới và phát triển”, BCH Đảng bộ ĐHĐN nhiệm kỳ 2010-2015 đã có những chỉ đạo sâu sát, kịp thời đối với tất cả các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể trong toàn ĐHĐN. Nhờ đó, ĐHĐN đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc trên tất cả lĩnh vực, từ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, bảo đảm chất lượng giáo dục, hợp tác quốc tế, quản lý sinh viên, quốc phòng-an ninh, phát triển đội ngũ, công tác cán bộ và tổ chức, xây dựng cơ sở vật chất, quản lý tài chính đến công tác chính trị tư tưởng, xây dựng các tổ chức Đảng, phát triển đảng viên, công tác kiểm tra giám sát, thi đua khen thưởng và phát triển các tổ chức đoàn thể.
Tạo được tiền đề nguồn lực quan trọng nhất
Thực hiện phương châm đó, Đảng ủy ĐHĐN không ngừng củng cố khối đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ, tạo sự đồng thuận cao để phấn đấu hoàn thành mục tiêu chung. Trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ ĐHĐN luôn chú trọng phát huy dân chủ, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương, thiết lập mối quan hệ hài hòa giữa ĐHĐN với các cơ sở giáo dục thành viên và đơn vị trực thuộc. Đây là điều kiện tiên quyết giúp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trong thời gian qua của ĐHĐN.
Bên cạnh đó, ĐHĐN tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo. Trong 5 năm qua, ĐHĐN có thêm 5 GS và 34 PGS, nâng tổng số GS và PGS lên con số 77 người; giảng viên có trình độ sau đại học đạt 87,8%, tăng 31%. Trong đó, lực lượng giảng viên có bằng tiến sĩ tăng gấp đôi, đạt mức 22% tổng số giảng viên cơ hữu. Trong 5 năm, có 837 người được cử đi học sau đại học, trong đó có 615 người học ở nước ngoài, chiếm 73,5%. Có thể nói, nhiệm kỳ 5 năm qua đã tạo được tiền đề nguồn lực quan trọng nhất để ĐHĐN có những bứt phá trong thời gian tới.
Song song đó, hoạt động nghiên cứu khoa học đã được nâng tầm thành nhiệm vụ trọng yếu của ĐHĐN. Trong 5 năm qua, Đảng bộ đã chỉ đạo hoàn thiện hệ thống tổ chức các đơn vị khoa học công nghệ. Hiện nay, ĐHĐN có 2 viện nghiên cứu, 22 trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ và 18 nhóm nghiên cứu giảng dạy. Qua đó, số lượng công trình nghiên cứu đã tăng đáng kể, với hơn 200 đề tài nghiên cứu các cấp được triển khai mỗi năm. Có 9 bằng phát minh sáng chế được công nhận, 93 bài báo được đăng trên các tạp chí trong hệ thống ISI (SCI, SCIE, SSCI, A&HHCI); hàng trăm bài báo trên các tạp chí quốc tế khác, kỷ yếu hội nghị khoa học quốc tế và hàng nghìn bài báo trên các tạp chí trong nước. Doanh thu từ nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ bình quân đạt hơn 30 tỷ đồng/năm.
Hoạt động đào tạo được giữ ổn định về quy mô và cải thiện vượt bậc về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới kinh tế-xã hội của đất nước và khu vực. Với chủ trương đổi mới giáo dục đại học phải bắt đầu từ chính hoạt động chính yếu là dạy và học, Đảng bộ đã tập trung chỉ đạo các trường đại học thành viên hoàn thiện hệ thống công cụ quản lý và đổi mới nội dung chương trình đào tạo. Hệ thống đào tạo theo học chế tín chỉ được thực hiện đồng bộ trong toàn bộ ĐHĐN, tạo các chuẩn mực và sự linh hoạt cần thiết cho việc thực hiện chủ trương đổi mới chương trình theo hướng ưu tiên đào tạo sau đại học, đào tạo các chương trình tiên tiến, chất lượng cao và các ngành mới.
Trong 5 năm qua, nhiều ngành không đáp ứng nhu cầu của xã hội đã được bãi bỏ trong khi 37 ngành đào tạo bậc đại học và 17 chuyên ngành đào tạo sau đại học được mở mới, nâng tổng số chuyên ngành hiện có lên 156 ngành đối với bậc đại học, 33 ngành đối với bậc cao học và 20 ngành đối với bậc tiến sĩ. Có thể dễ dàng nhận thấy hầu hết cán bộ chủ chốt, chuyên viên các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp chủ lực của thành phố Đà Nẵng đều là cựu sinh viên của ĐHĐN. Bên cạnh phát triển mạng lưới đào tạo trong nước, ĐHĐN đã trở thành trung tâm hợp tác quốc tế của khu vực miền Trung và đặc biệt là Đà Nẵng.
Hàng trăm văn bản đã được ký kết với các đại học hàng đầu của thế giới như các Đại học: Illinois, Washington, Arizona, Portland, Texas (Mỹ), Tokyo, Kyoto, Yokohama, Osaka, Kanazawa (Nhật Bản), Queensland, Sydney (Úc), Nantes, Grenoble, Marseille (Pháp), Tuku (Phần Lan), TU Graz (Áo), NTU (Singapore)… ĐHĐN cũng đồng chủ trì thực hiện nhiều dự án và tổ chức nhiều hội nghị khoa học quốc tế, đón tiếp nhiều doanh nghiệp đến tìm kiếm cơ hội đầu tư thông qua cơ sở nguồn nhân lực chất lượng cao…
Phấn đấu đạt đẳng cấp khu vực và quốc tế
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ ĐHĐN xác định nhiệm vụ trọng tâm là phát triển ĐHĐN thành đại học định hướng nghiên cứu, tiến tới đạt đẳng cấp khu vực và quốc tế. Đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu hướng phát triển giáo dục đại học trên thế giới hiện nay và phù hợp với vị thế của một trường tiên phong trong nỗ lực đổi mới giáo dục đại học của đất nước. Tuy nhiên, đây cũng là nhiệm vụ lâu dài và hết sức nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của toàn thể lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, viên chức và sinh viên ĐHĐN.
Nhiệm vụ này dẫn đến yêu cầu cần thiết phải tiếp tục đổi mới toàn diện từ công tác hoạch định chiến lược, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát trên tất cả các mặt, đặc biệt trong quản trị đại học, phát triển đội ngũ, hoạt động đào tạo, bảo đảm chất lượng và nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, nhiệm vụ này cũng đặt ra yêu cầu phải hội nhập quốc tế sâu rộng hơn nữa nhằm tận dụng triệt để các cơ hội phục vụ phát triển, đồng thời tự đặt mình vào vị thế cạnh tranh chung để phấn đấu.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, mục tiêu đặt ra cho Đảng bộ ĐHĐN nhiệm kỳ 2015-2020 là xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, hoàn thiện hệ thống chính trị từ cấp khoa đến đại học vùng và nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng.
Có thể nói, dưới sự lãnh đạo của BCH Đảng bộ nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ ĐHĐN đã hoàn thành xuất sắc các mục tiêu phát triển mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ IV đề ra. Đây là kết quả của sự đoàn kết, đổi mới trên cơ sở trí tuệ, sự năng động, sáng tạo và công sức của đảng viên, cán bộ, viên chức và học sinh, sinh viên trong toàn ĐHĐN. Dù trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ ĐHĐN quyết tâm thực hiện thành công sự nghiệp phát triển của mình bằng những nỗ lực tiếp tục đổi mới và hội nhập với những bước đi thích hợp nhằm nhanh chóng đưa nhà trường bước vào quỹ đạo các trường đại học chuẩn mực quốc tế.
GS, TS TRẦN VĂN NAM
Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Đà Nẵng