Chính trị - Xã hội

Thầy giỏi, nghề hay

15:23, 19/06/2015 (GMT+7)

Ngày 4-4-2015, nhà báo Trần Quang Huy qua đời. Từ thành phố Vũng Tàu tôi điện thoại báo cho nhà báo, GS, TS Tạ Ngọc Tấn, thân tình:

Các đồng chí Phạm Văn Hy (thứ ba từ phải sang), Bí thư Đặc khu ủy; Lê Quang Thành (thứ tư từ phải sang), Chủ tịch UBND Đặc khu đến chúc mừng với Báo Vũng Tàu – Côn Đảo nhân kỷ niệm lần thứ 3 (năm 1983) ngày ra số báo đầu tiên. Tổng Biên tập Trần Quang Huy ngồi thứ nhất, bìa phải.  Ảnh tư liệu của Báo Bà Rịa-Vũng Tàu
Các đồng chí Phạm Văn Hy (thứ ba từ phải sang), Bí thư Đặc khu ủy; Lê Quang Thành (thứ tư từ phải sang), Chủ tịch UBND Đặc khu đến chúc mừng với Báo Vũng Tàu – Côn Đảo nhân kỷ niệm lần thứ 3 (năm 1983) ngày ra số báo đầu tiên. Tổng Biên tập Trần Quang Huy ngồi thứ nhất, bìa phải. Ảnh tư liệu của Báo Bà Rịa-Vũng Tàu

- Chú Tấn ơi, bác Huy mất rồi. Chỉ kịp nói chừng đó, tôi đã nấc lên nghẹn ngào.

Từ bên kia, tình anh em, giọng Tạ Ngọc Tấn cũng nghẹn lên, xúc động:

 - Vậy hả bác! Cách đây 2 hôm, trước lúc em bay sang Viêng-chăn (Lào), bác ấy còn điện thoại. Em nói tuần tới sẽ vào TP. Hồ Chí Minh thăm bác ấy. Vậy mà, không kịp nữa rồi…

Sáng sớm hôm sau, đại diện Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã có mặt tại TP. Vũng Tàu viếng nhà báo, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu, Trần Quang Huy. GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có vòng hoa riêng kính viếng.

Một thời gian ngắn sau đó, nhà báo, GS, TS Tạ Ngọc Tấn từ Hà Nội, kết hợp một chuyến công tác phương Nam đã đến nhà riêng nhà báo Trần Quang Huy thắp hương, viếng một người bạn, người đồng nghiệp, cũng là một người anh đã quá cố. Tạ Ngọc Tấn nói với chị Kim Liên, vợ nhà báo Trần Quang Huy: “Bạn bè quý anh Huy, một người anh tốt bụng, một người bạn sẵn sàng hy sinh tất cả cho mọi người, vào những lúc khó khăn nhất”. Buổi tối hôm đó, Tạ Ngọc Tấn và tôi ngồi lại với gia đình anh Trần Quang Huy, nhắc lại bao nhiêu kỷ niệm đẹp của một thời.

Nhà báo Trần Quang Huy
Nhà báo Trần Quang Huy

Trần Quang Huy, quê tỉnh Hưng Yên, học lớp Báo chí khóa I (Trường Tuyên huấn Trung ương, nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền), ra trường đi làm báo, làm quản lý báo chí. Tạ Ngọc Tấn quê tỉnh Phú Thọ, sinh viên báo chí khóa II. Học giỏi, anh được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy, được cử đi đào tạo ở nước ngoài, sau làm trưởng khoa, rồi Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nay là Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Hai người hai vùng quê, cách nhau một giáp tuổi, chẳng bà con họ hàng gì mà quý mến, thương nhau đến lạ.

Có lẽ tình đồng nghiệp sâu đậm này đã khởi nguồn từ những ngày cả hai còn rất trẻ. Tạ Ngọc Tấn có một thời gian làm việc tại Báo Quân đội Nhân dân, thời điểm đó tôi và anh Trần Quang Huy đều là phóng viên của báo. Tình nghĩa anh em gắn bó với nhau từ thuở ấy. Bác Lê Thu, một nhà báo lão tướng, nhiều năm là phóng viên Báo Quân đội Nhân dân có cô con gái rượu, Lê Thị Thảo, lên Hà Nội học thường đến chơi  với bố. Ngọc Tấn và Thảo gặp nhau, nên vợ nên chồng.

Có người vừa thăng quan tiến chức dăm bữa nửa tháng, họ quên hẳn bạn bè thuở hàn vi. Tạ Ngọc Tấn hoàn toàn ngược lại. Giữ cương vị lãnh đạo, quản lý to - hàm tương đương Bộ trưởng – Trưởng ban của  Đảng, nhưng nghĩa tình anh em, bạn bè, đồng nghiệp thủy chung, trọn vẹn. Không lần nào tôi điện thoại, nhắn tin mà anh không nghe, hoặc không hồi âm. Bạn bè ai có việc gì cần giúp đỡ, trong khả năng có thể anh làm hết mình.

Cơ quan ngoại giao một nước mời đoàn nhà báo phía Nam đi thăm và làm việc, nghiên cứu hoạt động báo chí quốc tế. Cấp có thẩm quyền còn băn khoăn chuyến đi này. Vào thời điểm nhạy cảm đó, sự băn khoăn đó là cần thiết. Bằng uy tín và kinh nghiệm hoạt động báo chí nhiều năm, Tạ Ngọc Tấn – tuy không thuộc chức phận, nhưng anh đã lên tiếng, trình bày rõ hơn tính hiệu quả các hoạt động đối ngoại của tổ chức Hội Nhà báo. Được cấp trên chấp thuận, đoàn đã kịp lên đường theo đúng lịch trình. Chuyến đi thành công ngoài cả sự mong đợi. Các thành viên trong đoàn bày tỏ tình cảm quý trọng, biết ơn chân thành đồng nghiệp – thầy Tạ Ngọc Tấn.

Nhà báo cao niên Trần Hữu Minh có việc nhờ Tạ Ngọc Tấn kiểm chứng quá trình công tác người bác ruột, một cán bộ lão thành cách mạng – trong cộng đồng bà con kiều bào ở Thái Lan, qua Viện Nghiên cứu Lịch sử Đảng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Nhà báo Hữu Minh nói với bạn bè: “Bí quá thì nhờ anh Tấn giúp vậy thôi, chứ anh ấy trăm công ngàn việc, chắc khó lắm”. Bất ngờ, thời gian sau đó, Tạ Ngọc Tấn đã điện thoại thông báo việc kiểm chứng tư liệu. Gia đình nhà báo già Trần Hữu Minh vui lắm. Kết quả, người bác của nhà báo Hữu Minh đã được Đảng và Nhà nước ghi danh công trạng “Người có công với nước”.

Trò chuyện với một giảng viên trẻ, PGS, TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Trưởng khoa Phát thanh - Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) về những kỷ niệm trong công tác với thầy Tạ Ngọc Tấn, chị nói:

- Những kỷ niệm đẹp của thầy Tạ Ngọc Tấn đối với các giảng viên trẻ thì nhiều lắm. Thầy đặc biệt quan tâm đến việc tạo nguồn, đào tạo bồi dưỡng nguồn lực, nhân tài cán bộ giảng dạy. Ai có đủ điều kiện học tập để nâng cao học hàm, học vị và ngoại ngữ một cách thực chất, thầy hết sức hỗ trợ. Thầy là người thẳng thắn, cương trực, thái độ dứt khoát, rõ ràng trước cái đúng, cái sai. Thầy sống giàu cảm xúc, thương người.

GS, TS Tạ Ngọc Tấn là người quyết đoán, có con mắt nhìn chiến lược, am tường công việc, thái độ rõ ràng trước từng vấn đề. Anh là người có công trong trong sự nghiệp xây dựng Học viện Báo chí và Tuyên truyền, một trong những trung tâm đào tạo giảng viên lý luận, báo chí xuất bản - phóng viên, biên tập viên, cán bộ làm công tác tư tưởng, văn hóa của đất nước. Anh cũng là người đóng góp tích cực xây dựng – nâng tầm Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí của Hội Nhà báo Việt Nam; có nhiều sáng kiến mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí thiết thực, hiệu quả.

GS, TS Tạ Ngọc Tấn không chỉ làm thầy giỏi mà làm nghề cũng hay. Tạp chí Cộng sản – tạp chí nghiên cứu lý luận của Đảng có quá trình phát triển lâu dài, với một bề dày truyền thống rất vẻ vang, gắn với quá trình ra đời, xây dựng, phát triển của Đảng, của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Thời kỳ GS, TS Tạ Ngọc Tấn  làm Tổng biên tập, tạp chí không chỉ kế thừa xuất sắc quá trình phát triển của nhiều thập niên trước đó, mà còn có những kiến tạo, sáng tạo mới. Nhiều bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản có tầm nghiên cứu, tổng kết lý luận sâu sắc. Ngoài số chính, tạp chí ra đời ấn phẩm Hồ sơ - Sự kiện, nội dung phong phú, thiết thực, hệ thống tư liệu tốt, được bạn đọc, đồng nghiệp đánh giá cao.

Một đồng nghiệp giàu kinh nghiệm, làm nghề lâu năm cho biết, khi còn làm Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Tạ Ngọc Tấn đã nêu ý tưởng xuất bản một ấn phẩm bám sát các sự kiện thời sự lớn trong nước và quốc tế, cung cấp cho bạn đọc hệ thống tư liệu cơ bản các sự kiện, trên cơ sở đó mà định hướng dư luận xã hội một cách bài bản, chuyên nghiệp.

Nhận nhiệm vụ Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, Tạ Ngọc Tấn đã cho thiết kế và trực tiếp chỉ đạo thi công ấn phẩm này. Thực tế cho thấy, ấn phẩm Hồ sơ - Sự kiện từ ngày ra đời đến nay đã đáp ứng tốt nhu cầu của bạn đọc. Nhiều người đã lưu giữ nó như là một cẩm nang – bảo bối phục vụ  học tập và nghiên cứu rất hiệu quả.

Thời gian làm việc tại Tạp chí Cộng sản, Tổng biên tập Tạ Ngọc Tấn đã cùng Bộ biên tập tạp chí, các đồng nghiệp thực hiện  nhiều hoạt động xã hội – từ thiện sau mặt báo, tổ chức Quỹ nhân ái, tặng quà, cứu trợ, giúp đỡ đồng bào nghèo có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo, vào dịp lễ, Tết, lúc thiên tai. Tấm lòng nhân ái của nhà báo – Tạp chí Cộng sản càng tỏa sáng.

Khi được Đảng phân công nhiệm vụ mới, trọng trách lớn hơn – đứng đầu một trung tâm nghiên cứu lý luận, trung tâm đào tạo bồi dưỡng lý luận cơ bản, chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ chiến lược của Đảng, GS, TS Tạ Ngọc Tấn không thể không lo lắng trước công việc lớn lao, hệ trọng. Nhưng trong bộn bề công việc anh đã lắng nghe, khiêm tốn học hỏi, tập hợp, đoàn kết nhiều cán bộ lý luận đầu đàn, đoàn kết xây dựng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển lớn mạnh.

Tâm và tầm của người cán bộ quyết định sự thành bại của công việc. Một trái tim nhân hậu, sâu nặng nghĩa tình; bản lĩnh và quyết đoán; sự bứt phá, vượt lên chính mình là bài học giúp nhà báo, GS, TS Tạ Ngọc Tấn thành công.

TP. Hồ Chí Minh – Hà Nội, 10-6-2015

QUỐC TOÀN

.