Chính trị - Xã hội

Xuất ngoại làm báo

06:34, 20/06/2015 (GMT+7)

Những năm qua, Báo Đà Nẵng thường cử phóng viên tham gia tác nghiệp báo chí ở nước ngoài. Xen lẫn niềm vui, tự hào nhưng họ cũng trải qua những lo lắng để nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, tự thể hiện năng lực chuyên môn trong môi trường báo chí quốc tế. Không thuần túy xách ba lô và đi mà luôn có sự chuẩn bị cho một cuộc trải nghiệm với nghề làm báo.

Nhà báo Triệu Tùng cùng các đồng nghiệp các nước Asean tham gia tác nghiệp báo chí tại Nhật Bản.
Nhà báo Triệu Tùng cùng các đồng nghiệp các nước Asean tham gia tác nghiệp báo chí tại Nhật Bản.

Đong đầy cảm xúc

Không còn giới hạn của những người làm báo trong nước, người làm báo Báo Đà Nẵng đã đến với những đất nước như Lào, Campuchia, Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc… Những quốc gia nơi phóng viên Báo Đà Nẵng đến tác nghiệp đã đem về cho tờ báo những bản tin thời sự, những tuyến bài phản ánh, ký sự, ghi chép… đặc sắc. Để có những tác phẩm báo chí là sự lao động nghiêm túc, ham học hỏi cùng đam mê nghề nghiệp và ý thức trách nhiệm ở bản thân.

Chuyến công tác ra nước ngoài gần nhất của nhà báo Thu Hoa có điểm đến là xứ sở hoa anh đào Nhật Bản. Trước khi đi công tác, nhà báo Thu Hoa đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nghiệp vụ và trang bị kỹ năng sống cho mình. Chị tâm sự: “Tôi chủ động tiếp cận để học hỏi kinh nghiệm từ những nhà báo đã từng đi công tác nước ngoài; củng cố vốn kiến thức ngoại ngữ và nghiên cứu các nguồn tài liệu khác phục vụ cho chuyên môn”.

Chính vì vậy, qua Tuần lễ ASEAN-Sakai (Nhật Bản) năm 2014, Thu Hoa chia sẻ: “Chuyến đi công tác tại Nhật Bản này là sự trải nghiệm với nghề tại nước ngoài, điều mà bản thân chưa từng trải qua. Do có sự chuẩn bị từ trong nước nên khi tác nghiệp đã không có sự lúng túng. Qua chuyến công tác, kỹ năng tác nghiệp báo chí của tôi như cứng cáp hơn và điều đọng lại là những kinh nghiệm, tư liệu quý làm chất liệu cho những tác phẩm thường xuyên trong hoạt động nghề nghiệp.

Có rất nhiều kỷ niệm trong chuyến công tác ở Nhật Bản. Nhưng kỷ niệm nhớ nhất vẫn là được làm nông dân Nhật Bản. Người Nhật làm nông tay không lấm, chân không bùn như ở xứ ta. Nông dân Nhật lao động bằng cơ giới hóa, những công đoạn nhỏ được làm bằng tay, hay khi làm vườn họ đều sử dụng đồ bảo hộ lao động như đi ủng, dùng găng tay.

Nông dân bán ngay sản phẩm nông nghiệp tại vườn và nhận tiền qua chuyển khoản từ nhà thu mua. Thêm kỷ niệm khác khi tôi được cùng ăn, cùng ở và cùng làm với người nông dân. Nông dân Nhật Bản rất thân thiện, mến khách, gia đình tôi ở họ đã đến Việt Nam và cho tôi xem những đồ lưu niệm tại Việt Nam, họ rất trân trọng những món đồ lưu niệm đã mua và rất mong muốn trở lại Việt Nam”.

Đến với đất nước Thái Lan, nhà báo Lê Thanh Gián viết: “Chiang Mai trước mắt chúng tôi là một thành phố của hoa và cây xanh; đường sá rộng, thoáng, sạch, đẹp… Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đến các điểm du lịch ở Thái Lan cũng như ở Chiang Mai là ở đâu cũng nườm nượp du khách ngược xuôi như một lễ hội ở nước ta”.

Cảm xúc của nhà báo Mai Trang khi đến Nhật Bản đã sẻ chia trong những dòng viết: “Tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự phát triển mọi mặt của nền kinh tế thứ ba thế giới. Song, đó mới chỉ là ấn tượng bên ngoài, thoáng qua. Cách người Nhật Bản đối xử với nhau cũng như ứng xử với văn hóa, truyền thống là điều khiến tôi thật sự khâm phục...”.

Với nhà báo Triệu Tùng, anh đặt chân đến nhiều nước; nhưng khi ở vùng Kansai - giữa lòng Nhật Bản đã đón nhận sự trân trọng về mối quan hệ hợp tác hữu nghị mà người Nhật nhìn về Việt Nam. Năm 2010, Thị trưởng thành phố Sakai, ngài Osami Takeyama nói: “Thành phố Sakai với Đà Nẵng, Hội An của Việt Nam vốn đã có quan hệ truyền thống lâu đời về văn hóa, giao thương thì bây giờ phải giữ gìn, vun đắp và phát triển mạnh mẽ hơn”.

Vững chãi với nghề

Báo Đà Nẵng đã xây dựng được nhiều cây bút chủ lực và trải qua nhiều môi trường tác nghiệp, những sự kiện chính trị trong nước và quốc tế lớn như Đại hội Đảng toàn quốc, Hội nghị Cấp cao APEC 2006... Tuy nhiên, tác nghiệp báo chí ở nước ngoài vẫn là thử thách lớn.

Nhà báo Thanh Gián chia sẻ: “Khó khăn đối với tôi trong khi tác nghiệp ở nước ngoài là ngôn ngữ. Rõ ràng, ngoại ngữ là phương tiện hữu hiệu, thiếu vốn kiến thức ngoại ngữ thông dụng như tiếng Anh sẽ là bức tường ngăn cách trong hoạt động nghề nghiệp báo chí”.

Nhà báo Mai Trang nêu thẳng: “Phần lớn phóng viên Việt Nam sử dụng ngoại ngữ chưa thông thạo. Ở đoàn công tác qua Nhật Bản mà tôi tham gia, các nhà báo chúng ta sử dụng tiếng Anh kém xa các nhà báo đến từ các khu vực ASEAN. Điều này làm cản trở việc tác nghiệp ghê gớm bởi hầu hết đều không hiểu, từ lịch trình cho đến tiếp nhận thông tin. Nếu vững ngoại ngữ thì khối lượng thông tin, kỹ năng tác nghiệp báo chí sẽ hiệu quả hơn”…

Tuy nhiên, đọng lại sau những chuyến đi tác nghiệp báo chí từ nước ngoài là sự tích lũy kinh nghiệm làm báo. Nhà báo Đặng Văn Nở nói: “Tôi đã thay đổi kỹ năng làm báo, trong đó có việc xử lý thông tin và thể hiện tác phẩm”. Nhà báo Thu Hoa cho biết, dù ở môi trường tác nghiệp nào cũng đòi hỏi sự hoàn thiện tốt nhất cho tác phẩm; nhưng ra nước ngoài và được học hỏi nghề nghiệp, tôi luôn rèn mình phải thực hiện tác phẩm báo chí có trách nhiệm với người đọc và tôn trọng sản phẩm của mình.

Theo nhà báo Triệu Tùng, những chuyến công tác ra nước ngoài là sự tích lũy về kỹ năng tác nghiệp báo chí hiện đại; mỗi tác phẩm, bản tin không dễ dàng như “lấy cua trong giỏ” từ những văn bản, nguồn tin có sẵn. Ở Nhật, phóng viên hầu như chủ động săn tin tức qua nhiều nguồn tin khác nhau. Ví dụ, một sự kiện hoạt động của chính quyền hay doanh nghiệp thì họ thông báo trên báo chí về thời gian, địa điểm và nhà báo theo đó mà tác nghiệp.

Ngược lại, các tòa soạn báo cũng chủ động tiếp cận truyền thông, dán áp-phích, phát tờ rơi để chuẩn bị bán thông tin về sự kiện sắp diễn ra. Ở một số nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Singapore, Thái Lan…, tác nghiệp báo chí hiện đại khi họ luôn đổi mới, hướng đến việc cung cấp thông tin chất lượng và thu hút độc giả.

“Tôi có dịp làm quen, kết thân với nhiều nhà báo ở khu vực ASEAN và hiện giữ liên hệ qua thư điện tử như nhà báo Sy Chandara làm việc ở kênh truyền hình “Chào buổi sáng” ở Đài truyền hình quốc gia Campuchia; Naraphon Pacharoen ở kênh truyền hình ASEAN; hay nhà báo Tubagus Febriannda- kênh truyền hình Trans 7 – Indonesia… và Marbee làm ở Tạp chí Wedding Essentials của Philippines. Kinh nghiệm làm báo là tìm kiếm, phát hiện cái mới và kỹ năng vàng là luôn tiếp cận cái mới (thông tin lẫn công nghệ truyền thông); luôn đổi mới cách thể hiện tác phẩm và đặc biệt đổi mới văn phong cho từng bài viết”, nhà báo Triệu Tùng chia sẻ.

Nam Phương

.