Chính trị - Xã hội
Viện trưởng Viện KSND tối cao xin lỗi người bị oan, sai
“Dẫu còn một vụ án oan chúng tôi cũng đau như người dân. Do vậy thay mặt lãnh ngành tôi xin lỗi người bị oan và gia đình người bị oan, thời gian tới sẽ hạn chế đến mức thấp nhất thực trạng này”, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nói.
Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình: "Tôi xin lỗi những người bị oan". (Ảnh: VnEconomy) |
Chiều 5-6, Quốc hội tiếp tục thảo luận về báo cáo giám sát về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”.
Báo cáo chỉ rõ, số vụ làm oan người vô tội trong 3 năm là 71 trường hợp (chiếm 0,02%), trong đó cơ quan điều tra đình chỉ 31 bị can do không có sự việc phạm tội, 12 bị can do hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm. Viện Kiểm sát đình chỉ 9 bị can do không có sự việc phạm tội, 19 trường hợp toà án tuyên không phạm tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật.
“So với tổng số vụ khởi tố, điều tra (hơn 219.000 vụ), số vụ oan, sai như vậy là ít, nhưng nó để lại hậu quả rất nặng nề cho người bị oan, sai. Tôi nghiên cứu một số vụ án oan, sai nổi lên các vấn đề đó là công tác khám nghiệm hiện trường rất yếu, thu thập chứng cứ không đầy đủ. Đánh giá chứng cứ giữa các cơ quan rất khác nhau. Chính vì vậy mà nhiều vụ án kéo rất dài”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nói.
Về vấn đề trên, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nói: “Chúng tôi luôn nhận thức những thách thức cam go trong công tác đấu tranh với tội phạm, chống oan sai, bức cung nhục hình, về những thiếu thốn về con người và thiết bị, những bất cập của pháp luật, những yếu tố khách quan và chủ quan”.
Theo ông Bình trên thực tế các cơ quan thực hành tố tụng cũng như ngành kiểm sát cũng đã áp dụng nhiều biện pháp để phòng chống oan sai. “Chúng tôi biết rằng, làm hàng chục ngàn vụ án chưa chắc đã có thành tích nhưng chỉ cần một vụ oan, sai là thành khuyết điểm. Chúng tôi nhận thức rõ điều đó và áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế oan sai, loại trừ bức cung nhục hình”, ông Bình nói.
“Sắp tới chúng tôi tiếp tục tăng cường đồng bộ các giải pháp, nhưng rất tiếc dẫu ít nhưng vẫn xảy ra. Thay mặt lãnh đạo ngành, tôi xin lỗi những người bị oan và gia đình người vị oan, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa để hạn chế thấp nhất những vụ oan sai”, ông Bình chân thành nói trước Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: Số vụ oan, sai ít nhưng để lại hậu quả quá nặng nề. |
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, đại biểu cũng đặt ra ý kiến có xử lý người gây ra oan, sai không? Thực tế đơn vị này đã xử lý nội bộ khá nhiều, kiểm sát nội bộ và kiểm soát chéo giữa các cơ quan chức năng cũng đã được tăng cường.
Theo ông Bình 3 năm qua, số vụ xử lý những cán bộ vi phạm trong cơ quan tư pháp tăng, hầu hết các vụ mà đại biểu nêu ra các cơ quan tố tụng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và cơ quan điều tra của Bộ Công an đều đã khởi tố, kể cả điều tra viên và kiểm sát viên, cán bộ thẩm phán. “Chúng tôi xử lý rất nghiêm, không có việc bao che, xử nhẹ”, ông Bình nói rõ quan điểm.
Đại diện Việt Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, đơn vị này cũng đang cố gắng đưa vào trong luật nhiều giải pháp để tăng cường sự giám sát của cơ quan dân cử, của nhân dân với cơ quan tố tụng để tăng trách nhiệm của các chức danh tư pháp bao gồm cả điều tra viên, kiểm sát viên, cán bộ thẩm phán. Riêng những vấn đề liên quan đến quyền con người như bắt giam được giao cho thủ trưởng các cơ quan này quyết định.
Đơn vị này cũng đưa ra các nguyên tắc để bảo đảm các luật sư tiếp cận sớm hơn, rộng hơn, thuận lợi hơn trong quá trình tố tụng. Đề cao nguyên tắc suy đoán vô tội, người tình nghi khi chưa bị kết án thì chưa có tội. “Tất cả những biện pháp cưỡng chế tố tụng ảnh hưởng đến quyền con người đều phải điều chỉnh bằng luật. Sắp tới, chúng tôi cố gắng thể hiện những gửi gắm của đại biểu Quốc hội”, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết rõ quan điểm.
Theo Quang Phong (Dân trí)