.

Cán bộ truyền thanh "4 trong 1"

.

Say nghề và nhiệt huyết trở thành đặc tính của cán bộ các đài truyền thanh (ĐTT) xã trên địa bàn huyện Hòa Vang, mặc dù mức trợ cấp rất thấp. Bên cạnh đó, họ còn phải làm việc trong điều kiện hệ thống cơ sở vật chất quá cũ kỹ, hư hỏng nặng, ảnh hưởng đến chất lượng truyền thanh ở địa phương.

Dù kiêm nhiệm nhiều công việc, nhưng hiện nay mức trợ cấp cho cán bộ phụ trách truyền thanh xã rất thấp.
Dù kiêm nhiệm nhiều công việc, nhưng hiện nay mức trợ cấp cho cán bộ phụ trách truyền thanh xã rất thấp.

Chỉ được hưởng trợ cấp

Hiện nay, trên địa bàn huyện Hòa Vang có 11 ĐTT xã, hoạt động 2-3 tiếng/ngày. Ngoài việc tiếp âm chương trình đài huyện, mỗi tuần các đài xã phải làm 1-2 chương trình với nhiều chủ đề như “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nông thôn mới, phòng chống dịch bệnh, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống lụt bão… Nhiều trưởng thôn cho rằng, các ĐTT xã có vai trò quan trọng với người dân ở thôn cũng như phát huy tác dụng rất lớn trong việc cung cấp thông tin cho người nghe đài, đặc biệt là những tin tức của địa phương.

“Không phải ai cũng có thời gian đọc báo, xem ti-vi, nên đài xã là nguồn thông tin quan trọng. Sáng ra, người dân vừa làm việc đồng áng vừa nghe đài, tiện thời gian, biết thêm chủ trương của Nhà nước, tin tức ở địa phương mình. Tôi nghĩ việc duy trì và phát triển hơn nữa chất lượng đài xã là rất thiết thực”, ông Nguyễn Đản, Trưởng thôn Giáng Đông, xã Hòa Châu cho biết.

Theo khảo sát của ĐTT huyện Hòa Vang, số lượng người có nhu cầu nghe đài ở huyện khoảng 75-80%. “Ngoài việc thông báo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thì đài xã còn đưa nhiều tin tức của địa phương như tình hình sản xuất nông nghiệp, các hoạt động thể thao-văn hóa hay chỉ đơn giản là thông báo cuộc họp thôn… rất thiết thực và gần gũi với người dân”, ông Đặng Công Chiến, Phó trưởng Đài Truyền thanh huyện Hòa Vang nói.

Hiện nay, các ĐTT xã chỉ có 1 cán bộ phụ trách nhưng phải kiêm nhiệm nhiều công việc như phóng viên, phát thanh viên, biên tập viên và kỹ thuật. Kiêm “4 trong 1”, nhưng trong số 11 cán bộ phụ trách truyền thanh của 11 xã trên địa bàn huyện thì có đến 8 người tuổi đời trên 55 với hơn 30 tuổi nghề. Vất vả và kiêm nhiệm nhiều việc thế nhưng hiện nay mức lương của cán bộ truyền thanh xã rất thấp, chưa đến 1,8 triệu đồng/tháng, ngoài ra không được hưởng trợ cấp nào.

Nhiều cán bộ truyền thanh có hơn 30 năm làm việc tại đài xã nhưng cũng mới được đóng bảo hiểm từ 5-8 năm trở lại đây. Để cải thiện thu nhập, các “trưởng đài” phải làm thêm nhiều nghề tay trái như người dẫn chương trình, thợ sửa điện, cắt dán decal…

“Nhiều lần người thân trong nhà bảo mình nghỉ làm ở đài xã vì lương thấp quá, nhưng mình đã lỡ gắn bó với đài bao nhiêu năm nay, khó mà nghỉ được. Ở nhà mình phải làm thêm nghề thợ điện mới tạm đủ thu nhập trang trải cho gia đình”, anh Phạm Thi Sĩ, cán bộ phụ trách ĐTT xã Hòa Phong phân trần. Hầu hết cán bộ truyền thanh xã hiện nay đều là lao động hợp đồng do UBND xã quản lý nên việc nâng lương còn phải phụ thuộc vào ngân sách xã.

“3 năm trước, người làm công tác truyền thanh ở xã còn được gọi là “trưởng đài”, có quy định hệ số lương, nhưng bây giờ họ chỉ là cán bộ không chuyên trách nên chỉ được hưởng trợ cấp của UBND xã. Với chức danh là người phụ trách truyền thanh nên mức thu nhập của anh em hiện nay rất thấp”, ông Trần Văn Sâm, Trưởng đài Truyền thanh huyện Hòa Vang cho hay.

Cơ sở vật chất xuống cấp

Theo số liệu thống kê của Đài Truyền thanh huyện Hòa Vang, hiện nay, 11 đài truyền thanh xã có tổng cộng 289 hộp thu, trong đó có 50% số hộp thu không sử dụng được, 50% còn lại các xã tận dụng những hộp thu đã qua sửa chữa nhưng chất lượng cũng không bảo đảm. Hệ thống loa phát thanh trên địa bàn huyện có tổng cộng 578 cái nhưng trong số đó có 200 cái là vành nhựa đang bị hư hỏng dần, ảnh hưởng đến chất lượng truyền thanh.

“Theo quy định, hệ thống loa và hộp thu trung bình 2-3 năm phải thay mới một lần, nhưng có nhiều cái sử dụng 25-30 năm vẫn chưa được thay mới. Nhiều cái đã hư hỏng nặng nhưng vì ngân sách địa phương chưa có nên các xã đành phải dùng tạm”, anh Đặng Văn Hòa, cán bộ phụ trách kỹ thuật Đài Truyền thanh huyện Hòa Vang cho biết.

“Mỗi năm, đài xã chỉ có thể thay thế hoặc sửa chữa từ 4-5 hộp thu, 8-10 loa trong lúc nhu cầu sửa chữa và thay mới rất lớn, nhất là trong mùa mưa bão. Trong khi đó, một bộ phận dân cư vẫn chưa được nghe đài do hệ thống hộp thu và loa phân bổ trên địa bàn quá ít”, ông Trần Xữ, cán bộ phụ trách Đài Truyền thanh xã Hòa Châu cho hay.

Ngoài hệ thống loa và hộp thu, hiện nay, máy phát sóng FM ở các đài xã cũng đã xuống cấp trầm trọng, công suất giảm trên 80% nhưng các xã vẫn chưa có kinh phí để mua sắm lại. Theo khảo sát của Đài Truyền thanh huyện Hòa Vang, trong 11 máy phát sóng FM của 11 xã thì có 1/3 trong số đó cần phải thanh lý, 2/3 còn lại chỉ có thể dùng tạm.

“Công suất ban đầu của một máy phát sóng FM là 25-30W nhưng hiện nay nhiều máy chỉ còn 3-5W, rất khó khăn trong việc tiếp sóng đài huyện cũng như phát sóng đến các thôn”, ông Đặng Công Chiến cho biết.

Các cán bộ phụ trách ĐTT xã phản ánh, hiện nay kinh phí hoạt động hạn chế nên việc thay thế, sửa chữa hệ thống phát thanh bị hư hỏng khi mùa mưa lũ về vẫn chưa đảm bảo. Ngân sách thành phố chi cho hoạt động của đài truyền thanh chỉ từ 30-33 triệu đồng/năm; trong khi nguồn ngân sách của huyện hiện nay rất hạn chế.

“Để giải quyết những khó khăn hiện nay, các đài truyền thanh xã cần chủ động xây dựng kế hoạch thu - chi, đề xuất lộ trình và phân kỳ cụ thể trình UBND huyện để đề xuất thành phố trong thời gian tới”, ông Bùi Nam Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.