Chính trị - Xã hội
Đường đến trường không xa...
Cha mẹ ly hôn hoặc không quan tâm đến con là những nguyên nhân làm nhiều em bỏ học giữa chừng. Bằng nhiều biện pháp, nhiều cách làm, thành phố Đà Nẵng đã giúp gần 1.000 học sinh bỏ học trở lại lớp hoặc chuyển sang học nghề.
Khen thưởng những học sinh nghèo vượt khó học giỏi. |
Gập ghềnh đường đến lớp
Trước đây, Đ.L.D (13 tuổi, ở quận Ngũ Hành Sơn) có một gia đình êm ấm, hạnh phúc. Rồi ba mẹ mỗi người một ngả, D. không theo ai, mà giao du với đám bạn xấu, lấy chân cầu Tiên Sơn làm nhà. Từ chỗ là học sinh khá, ngoan ngoãn, D. bị lưu ban và tính tình trở nên ngang bướng. Rồi D. được thầy cô, bạn bè giúp đỡ về vật chất, dù chỉ là tấm bánh, bộ quần áo và động viên về tinh thần. Sau đó, D. lấy lại cân bằng và trở thành học sinh giỏi, tham gia đội tuyển học sinh giỏi của Trường THCS Lê Lợi.
Em N.T.H (ở phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) cũng là một ví dụ về việc cha mẹ không quan tâm đến con. Gia đình khó khăn do ba mẹ không có việc làm ổn định. Vì lo mưu sinh, ba mẹ thiếu quan tâm đến H. nên em chán nản, lơ là việc học và giao du với đám bạn xấu. Trong một buổi đối thoại với lãnh đạo thành phố, H. đã trình bày hoàn cảnh của mình và được quan tâm cấp căn hộ chung cư để 6 người trong gia đình em có điều kiện ổn định cuộc sống và em yên tâm học hành.
Thầy Trần Văn Hồng, Phó trưởng Phòng GD&DT quận Ngũ Hành Sơn cho biết, trong nhiều buổi giao lưu, trò chuyện với các em, các thầy cô đã nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của mỗi em, từ đó có định hướng và giúp đỡ kịp thời. “Có em ước mong được ăn chung bữa cơm chiều với ba mẹ để kể cho ba mẹ nghe một ngày học tập của mình. Có em chỉ mong có một chiếc xe đạp để đến trường như bao bạn bè khác. Mỗi hoàn cảnh một ước mơ khác nhau tưởng như chỉ bé nhỏ vậy thôi nhưng không phải lúc nào cũng thành hiện thực”, thầy Hồng cho biết.
Cũng theo thầy Hồng, nguyên nhân là hiện nay có không ít phụ huynh chưa quan tâm nhiều đến con em mình mà chỉ lo kiếm tiền, dẫn đến mâu thuẫn gia đình, con cái đua đòi theo bạn xấu.
Giảm tỷ lệ học sinh bỏ học
Quận Ngũ Hành Sơn là một trong những địa phương làm tốt công tác này. “Chương trình “Người bạn đồng hành” của chúng tôi đã thực sự đồng hành với các em, nối vòng tay bè bạn, tình thầy trò. Nhờ vậy, có nhiều em đã tiến bộ”, thầy Trần Văn Hồng, Phó trưởng phòng GD&DT quận Ngũ Hành Sơn nói.
Từ chỗ có hàng chục học sinh bỏ học, đến năm học 2014-2015, quận Ngũ Hành Sơn đã không còn học sinh bỏ học. Theo thầy Hồng, các em đang tuổi đến trường mà bỏ học thì dễ sa vào các tệ nạn xã hội; bởi vậy, cần tiếp tục tuyên truyền, giúp đỡ các em, quản lý chặt chẽ hơn các loại hình dịch vụ Internet, xây dựng các khu vui chơi, tạo sân chơi lành mạnh cho các em.
Đồng hành với các em không chỉ có thầy cô, bạn bè mà các bác, chú trong Hội Nông dân cùng các ban, ngành, đoàn thể cũng đến từng gia đình có học sinh bỏ học, hoàn cảnh khó khăn để động viên, tạo điều kiện cho các em tiếp tục đến trường. Hội Nông dân thành phố cho biết, trong 4 năm qua, Hội đã vận động được 75 em bỏ học trở lại trường hoặc theo học tại các trung tâm dạy nghề, hỗ trợ học bổng và tặng 50 xe đạp để các em đến trường.
Theo thông tin từ UBND thành phố Đà Nẵng, tỷ lệ học sinh bỏ học trên địa bàn thành phố đã giảm mạnh. Năm học 2009-2010 có 192 học sinh bỏ học, nhưng năm học 2014-2015 chỉ còn 31 em. Trong giai đoạn 2009-2015, bằng nhiều biện pháp quyết liệt, toàn thành phố đã vận động được hơn 300 em bỏ học trở lại lớp và hơn 600 em bỏ học chuyển sang học bổ túc hoặc học nghề, đạt khoảng 61% so với số học sinh bỏ học ban đầu. Trong một cuộc họp gần đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng chỉ đạo phải tập trung vào vấn đề này, đặc biệt là không được để học sinh nào phải nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn, đồng thời nếu các em sức học yếu thì nên hướng đến việc học nghề.
Bài và ảnh: NGÂN KIM