Chính trị - Xã hội

Huyện Hòa Vang: Phát huy nếp sống cộng đồng

08:08, 17/10/2015 (GMT+7)

Những năm gần đây, Hòa Vang trở thành điểm sáng trong việc thực hiện hiệu quả nếp sống cộng đồng. Yếu tố này tiếp tục được phát huy trong “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”.

Một bảng quảng cáo cộng đồng nhằm giảm thiểu tình trạng quảng cáo rao vặt tại huyện Hòa Vang.
Một bảng quảng cáo cộng đồng nhằm giảm thiểu tình trạng quảng cáo rao vặt tại huyện Hòa Vang.

“3 không”  trong tang lễ

Hòa Tiến là xã thuần nông, cũng giống như bao làng quê khác, với quan niệm sống coi trọng ngày mất hơn ngày sinh gắn với ý nghĩ “nghĩa tử là nghĩa tận” nên dù nghèo khó đến đâu cũng dành tiền của, thời gian cho đám tang vốn được xem là đám báo hiếu.

“Thật không dễ thay đổi nếp nghĩ đã ăn sâu trong tâm thức người dân. Nhưng bằng phương châm “mưa dầm thấm lâu”, thuyết phục, vận động là chính, nhất là với những người đứng đầu chư phái tộc trong làng”, ông Trần Đình Nhơn, Bí thư xã Hòa Tiến cho biết.

Theo tục lệ của người dân vùng này, trong khu dân cư có người từ trần, gia đình tang chủ có trách nhiệm mời chính quyền, đoàn thể, các chư phái tộc và ban trợ tang của làng đến bàn bạc, thống nhất chương trình tổ chức tang lễ. Dựa vào yếu tố này, đại diện thôn, Mặt trận, chi hội, đoàn thể đến trao đổi và thống nhất với tang chủ, phân tích những lợi ích thiết thực khi thực hiện mô hình “3 không” trong tang lễ (không dùng rượu bia, không sử dụng thuốc lá, không đàn nhạc, chỉ dùng băng đĩa); đồng thời, tác động đến các chư phái tộc, vị cao niên - những người có sức ảnh hưởng lớn đến dân làng.

Sau nhiều năm triển khai, đến nay, 12/12 thôn trên địa bàn xã Hòa Tiến đã đăng ký và triển khai mô hình “Khu dân cư thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang”. Khu dân cư thôn Cẩm Nê được xã chỉ đạo triển khai làm điểm và 100% hộ dân ở thôn thực hiện tốt mô hình này. Sau đó, mô hình được nhân rộng ra 11 thôn còn lại, với hơn 80% nhân dân toàn xã thực hiện.

Tương tự, tại thôn Phú Hòa 1, thôn Thái Lai (xã Hòa Nhơn), các hộ gia đình đã thống nhất đưa vào quy ước của thôn việc tổ chức tang lễ không thuê nhạc mà dùng băng đĩa. Xã Hòa Châu xây dựng điểm đốt vàng mã tập trung tại ngã ba xã Hòa Châu và lắp đặt bảng tuyên truyền không rải vàng mã trên đường ĐT605, ĐT602 - những con đường thường có các đoàn xe tang chạy qua để đến các nghĩa trang Hòa Tiến, Hòa Khương…

Góp sức xây nhà văn hóa thôn

Sức mạnh cộng đồng tại Hòa Vang còn thể hiện qua việc người dân chung tay góp sức xây nhà văn hóa thôn, theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Về thôn Giáng Nam 2, ai cũng trầm trồ khi nhà văn hóa thôn khá khang trang, được đầu tư xây dựng hơn 500 triệu đồng, trong đó nhân dân tự nguyện đóng góp gần 300 triệu đồng. Nhiều người còn tham gia ngày công lao động và đóng góp các vật dụng thiết yếu phục vụ hội họp, sinh hoạt, giải trí. Các khoản đóng góp đều được người dân bàn bạc, thống nhất. Danh sách những hộ đóng góp được niêm yết công khai tại nhà văn hóa thôn.

Cũng giống thôn Giáng Nam, người dân Miếu Bông đã tích cực góp hàng trăm triệu đồng để xây nhà văn hóa thôn. Lúc mới phát động, nhiều người lo ngại khó thành công vì số tiền đóng góp không nhỏ đối với người nông dân còn nhiều khó khăn. Song, mỗi người đều tự nguyện đóng góp tùy theo khả năng, còn lại vận động con cháu làm ăn xa, thành đạt… nên có được nhà văn hóa thôn khang trang như ngày nay.

“Đến nay, 100% các thôn trong xã đều có nhà văn hóa, trong đó người dân đóng góp ít nhất là 50% kinh phí xây dựng. Thành công lớn nhất là người dân đóng góp trên tinh thần tự nguyện và họ hiểu rõ công sức họ góp vào đó là đang nuôi dưỡng, duy trì, nâng cao đời sống tinh thần của chính họ”, ông Lê Đình Ca, Chủ tịch UBND xã Hòa Phước vui mừng nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Hùng Vương, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy cho biết, kết quả trên nhờ vào mô hình “Thôn văn hóa, văn minh nông thôn mới” mà huyện Hòa Vang triển khai trong thời gian vừa qua trên cơ sở gắn kết 3 phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đề án xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh, thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Huyện Hòa Vang đã xây dựng 50 tiêu chí cụ thể sát với yêu cầu thực tiễn của địa phương và triển khai từ năm 2014.

Các thôn nghiên cứu tiêu chí nào phù hợp với địa phương và đăng ký thực hiện. Đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiêu biểu và phát huy hiệu quả trong việc xây dựng nếp sống cộng đồng như: cam kết giữa gia đình và nhà trường không cho học sinh đi xe máy đến trường, tộc họ tham gia quản lý, giáo dục con cháu không vi phạm pháp luật ở thôn Yến Nê 2, La Bông, thôn không rác, ngôi nhà 100 đồng, tuyến đường kiểu mẫu… Năm 2015, có 41/119 thôn đăng ký thực hiện “Thôn văn hóa, văn minh nông thôn mới tiêu biểu”.

“Khác với các quận ở trung tâm thành phố, tại Hòa Vang, lối sống cộng đồng được duy trì khá mạnh mẽ. Đó là ưu thế để giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống, nhưng cũng dẫn đến một số hạn chế về tư duy, lối sống của cư dân nông nghiệp. Song, thông qua mô hình “Thôn văn hóa, văn minh nông thôn mới tiêu biểu”, Hòa Vang đã hình thành nhiều chuẩn mực và giá trị văn hóa mới phù hợp với truyền thống của dân tộc và cộng đồng dân cư, gắn với nếp sống văn hóa, văn minh đô thị trong thời kỳ hiện đại hóa, góp phần làm đời sống văn hóa của người dân ngày càng phong phú, thực hiện hiệu quả “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, ông Vương chia sẻ.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

.