Chính trị - Xã hội
Giải pháp nào để tránh nguy cơ tai nạn?
Tại bùng binh đường Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương - Lê Độ (địa bàn phường Chính Gián, quận Thanh Khê) gần đây được coi là “điểm đen” về tai nạn giao thông.
Sở GTVT thành phố Đà Nẵng cho hay, trong tuần tới sẽ tiến hành lắp đặt bổ sung 2 biển chỉ dẫn động bằng hệ thống đèn LED trên đường Điện Biên Phủ và đường Nguyễn Tri Phương để tăng cường sự chú ý cho người tham gia giao thông trước khi vào nút bùng binh này. |
Về lâu dài, UBND thành phố Đà Nẵng đã cơ bản thống nhất phương án kiến trúc cải tạo, xây dựng cầu vượt tại nút giao thông này. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi công trình được xây dựng, vấn đề người dân quan tâm trước mắt là: giải pháp nào để làm giảm nguy cơ tai nạn khi qua đây?
Hai tai nạn cùng một “kịch bản”
Theo Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an quận Thanh Khê, từ đầu năm 2015 đến nay, tại vị trí bùng binh nói trên đã xảy ra hai vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng làm 2 người tử vong. Đặc biệt, cả hai vụ này đều do cùng “thủ phạm” là xe container gây ra và đều chung “kịch bản” là xe gắn máy và xe container đi cùng chiều, khi tới khúc cua vòng xoay xảy ra va chạm dẫn tới tai nạn.
Cụ thể, mới đây nhất là lúc 8 giờ ngày 7-10, xe container BKS 43C-091.34 kéo theo rơ-moóc 43R-077.88 do tài xế Trần Xuân Thụy (SN 1979, trú đường Nguyễn Chí Thanh, Đà Nẵng) điều khiển chạy trên đường Điện Biên Phủ theo hướng từ quận Liên Chiểu về trung tâm thành phố. Đến bùng binh này đã va phải xe máy BKS 43H1-3867 lưu thông cùng chiều làm bà V.T.M (SN 1960, trú quận Sơn Trà) tử vong tại chỗ, một người khác bị thương nhẹ.
Trước đó, vào tháng 3-2015, cũng tại vị trí này, xe container lưu thông từ đường Điện Biên Phủ khi tới đây và chuẩn bị ôm cua sang đường Nguyễn Tri Phương đã xảy ra va chạm, cuốn một chiếc xe máy đi cùng chiều vào gầm khiến chị T. (trú quận Thanh Khê) tử vong tại chỗ.
Theo ý kiến một số người dân, nút bùng binh này có đường kính khá lớn, lòng đường lại quá nhỏ, trong khi đó quanh bùng binh không có hệ thống đèn tín hiệu giao thông hay gờ giảm tốc... nên dễ dẫn tới xung đột giữa các phương tiện. Đặc biệt, khi phương tiện có tải trọng lớn chạy qua thì rất dễ gây ra tai nạn chết người như thời gian vừa qua.
Theo Trung tá Phạm Bảy, Đội trưởng Đội CSGT Công an quận Thanh Khê, thời gian qua, mặc dù tại nút giao thông này chưa xảy ra ùn tắc kéo dài, song vào giờ cao điểm vẫn thường có tình trạng ùn tắc cục bộ, bởi đây là nút giao thông lớn nhất của tuyến đường huyết mạch Điện Biên Phủ nối vùng phía Tây Bắc với trung tâm thành phố. Đây là nơi có có lưu lượng người và xe cộ qua lại nhiều, thành phần dòng xe phức tạp. Ngoài lượng xe máy, đường Điện Biên Phủ còn là tuyến đường lưu thông của các loại xe buýt, xe có tải trọng lớn (xe tải, xe container…).
Do đó, để đảm bảo tình hình trật tự và an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn nói chung và tại bùng binh này nói riêng, hằng ngày, lực lượng CSGT Công an quận Thanh Khê đều duy trì thường xuyên lực lượng trực chốt tại bùng binh để hướng dẫn và phân luồng giao thông.
Ngoài ra, Công an quận còn cử lực lượng tuần lưu trên các tuyến đường chính như: Điện Biên Phủ, Trường Chinh, Nguyễn Tất Thành… và tại 3 nút đèn tín hiệu để kiểm soát việc tham gia giao thông của người dân. Trong đó, tập trung xử lý các lỗi sai phạm như: đi quá tốc độ, chạy sai làn đường, không đội mũ bảo hiểm…
“Chúng tôi cũng đã tham mưu cho lãnh đạo Công an quận và sau đó đề xuất lên UBND quận kiến nghị Sở Giao thông vận tải (GTVT) và UBND thành phố hai biện pháp trước mắt: cho lắp hệ thống đèn tín hiệu và ra lệnh cấm các phương tiện xe đầu kéo lưu thông trên tuyến đường Điện Biên Phủ từ 5 giờ đến 22 giờ”, Trung tá Bảy nói.
Sẽ lắp đèn LED cảnh báo
Trên cơ sở kiến nghị của UBND quận Thanh Khê, ngày 20-10 vừa qua, Sở GTVT đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan (Ban ATGT thành phố, UBND quận Thanh Khê, Công an quận Thanh Khê, Công ty Quản lý cầu đường) tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường về đề xuất lắp đặt đèn cảnh báo giao thông tại nút bùng binh “tử thần” này.
Các đơn vị liên quan đều thống nhất rằng, hiện trạng nút giao thông Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương có lưu lượng phương tiện rất lớn và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao. Song, do trong Thông báo số 154/TB-VP, ngày 24-6-2015 (sau khi có cuộc họp về xử lý các “điểm đen” tai nạn giao thông trên địa bàn vào ngày 11-6), UBND thành phố đã thống nhất giữ nguyên hiện trạng tổ chức giao thông tại nút bùng binh này để xem xét cải tạo cùng với dự án xe buýt nhanh - BRT (dự kiến thực hiện trong năm 2016).
Vì vậy, trong thời gian trước mắt, các bên thống nhất đề xuất lắp đặt bổ sung 2 biển chỉ dẫn tĩnh có kích thước 1x1,6m với nội dung “Đi chậm, chú ý quan sát” trên đường Điện Biên Phủ và Nguyễn Tri Phương để cảnh báo các phương tiện trước khi vào nút. Ngoài ra, đại diện các đơn vị liên quan cũng thống nhất việc đề nghị Sở GTVT nghiên cứu và trình UBND thành phố cấm xe đầu kéo rơ-moóc lưu thông trên đường Điện Biên Phủ (đoạn từ Hà Huy Tập đến Nguyễn Tri Phương) và trên đường Nguyễn Tri Phương (đoạn từ Điện Biên Phủ đến Nguyễn Văn Linh) trong thời gian từ 5 giờ đến 22 giờ.
Ông Tô Đình Trung, Trưởng phòng Quản lý giao thông đô thị, Sở GTVT cho biết, đối với đề xuất về việc lắp biển chỉ dẫn tại nút bùng binh này, lãnh đạo Sở đã xem xét và đã giao cho Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu nghiên cứu, lắp đặt bổ sung 2 biển chỉ dẫn động, lắp đèn quang báo bằng hệ thống đèn LED có đèn nhấp nháy vàng, chạy bằng năng lượng mặt trời. Hai hệ thống này sẽ được lắp dựng trên đường Điện Biên Phủ (nằm trên dải phân cách, đoạn đối diện số nhà 43) và đường Nguyễn Tri Phương (phía hàng rào Công viên 29-3) để tăng cường sự chú ý cho người tham gia giao thông trước khi vào nút.
“Hệ thống này đang được thực hiện và dự kiến sẽ hoàn thành trong tuần này để trình UBND thành phố phê duyệt. Còn việc báo cáo UBND thành phố cấm xe đầu kéo lưu thông trên 2 tuyến đường này trong thời gian từ 5 giờ đến 22 giờ thì Sở cũng đang nghiên cứu và có thể sẽ tổ chức một buổi đối thoại trực tiếp với đại diện các doanh nghiệp vận tải hàng hóa về vấn đề này, trước khi trình lên UBND thành phố xem xét và có quyết định”, ông Trung cho hay.
Trước băn khoăn của người dân cho rằng, đường kính nút bùng binh này là quá lớn khiến lòng đường hẹp lại, gây nhiều xung đột cho phương tiện và dễ gây ra tai nạn, ông Tô Đình Trung cho biết, đó chỉ là cách nhìn nhận theo chủ quan và quan sát bằng mắt thường. Còn trên thực tế, trong quá trình nâng cấp, cải tạo và đưa vào sử dụng đường Điện Biên Phủ năm 2005, cơ quan chức năng đã tính toán, thiết kế hợp lý. Tuyến đường Điện Biên Phủ có mặt cắt ngang đường là 48m (vỉa hè mỗi bên 6m; lòng đường mỗi bên 15m và dải phân cách 6m), còn bùng binh giao với đường Nguyễn Tri Phương có bán kính R=18,65m.
“Bùng binh này đã được tính toán đường kính phù hợp với toàn bộ diện tích các tuyến đường xung quanh. Nếu tính từ mép của dải phân cách tới vỉa hè 15m, còn tính từ mép của bùng binh tới vỉa hè lớn hơn 15m nên đoạn này không bị thắt nút cổ chai, như vậy là đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn thiết kế quy định”, ông Trung phân tích, đồng thời khuyến cáo người dân khi tham gia giao thông qua bùng binh cần quan sát kỹ và thực hiện đúng theo Luật Giao thông đường bộ (đi qua vòng xuyến) đã quy định thì sẽ tránh được tai nạn.
Tại cuộc họp nghe báo cáo một số đồ án kiến trúc, quy hoạch trên địa bàn thành phố tổ chức ngày 7-10 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã có kết luận với phương án kiến trúc cầu vượt nút giao thông Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương và cầu đi bộ trên tuyến BRT tại Công viên 29-3 qua đường Nguyễn Tri Phương. Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố cơ bản thống nhất phương án kiến trúc cầu vượt giao thông nút Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương do Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên báo cáo; thống nhất vị trí và phương án kiến trúc lắp đặt cầu vượt đi bộ trên tuyến BRT tại Công viên 29-3 qua đường Nguyễn Tri Phương. Giao Sở Xây dựng chỉ đạo Viện Quy hoạch xây dựng phối hợp với Sở GTVT, UBND quận Thanh Khê lập phương án quy hoạch cầu vượt giao thông nút Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương theo chủ trương nêu trên, trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt. |
Bài và ảnh: ĐẮC MẠNH