Chính trị - Xã hội
Bài 3: Kiện toàn bộ máy quản lý
Công tác quản lý, tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa - thể thao (VHTT) phường, xã còn nhiều hạn chế, chưa đạt yêu cầu lãnh đạo thành phố đề ra và chưa đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân.
Nếu không nhanh chóng thực hiện cơ chế quản lý đồng bộ thì hiệu quả của các thiết chế văn hóa cơ sở khó đạt kết quả như mong muốn. TRONG ẢNH: Trẻ em vui chơi tại khu vui chơi giải trí phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà. |
Còn vướng
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bộ máy quản lý thiết chế văn hóa cơ sở tại Đà Nẵng hiện nay chưa đồng bộ. Về tổ chức bộ máy cán bộ, mới có 2 địa phương là quận Hải Châu và huyện Hòa Vang hoàn thành việc thành lập bộ máy Trung tâm VHTT phường, xã.
Tuy nhiên, ông Huỳnh Thúc Dũng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang chia sẻ, theo Quyết định số 2373/QĐ-UBND ngày 28-3-2011 của UBND thành phố, cán bộ chuyên trách sẽ được hưởng mức phụ cấp bằng 30% so với mức lương hiện hưởng, nhưng đến nay họ vẫn chưa được cấp. “Hiện nay, nhờ có bộ máy này, các hoạt động tại VHTT xã đã diễn ra. Song, anh em than nhiều quá vì công việc kiêm nhiệm khá vất vả, mà chẳng được hỗ trợ gì”, ông Dũng nói.
Các quận còn lại đang tiến hành thành lập bộ máy trung tâm VHTT, nhưng theo nhiều ý kiến, khó thực hiện đồng bộ trên toàn quận. Nguyên nhân của sự không đồng bộ này, theo ông Nguyễn Đắc Xứng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, trên địa bàn quận, một số phường đã hoàn thành bộ máy, một số chưa đủ điều kiện để hình thành trung tâm VHTT vì chưa có nhà văn hóa, KVCGT hoặc vườn dạo. Thậm chí, có phường mới chỉ có vườn dạo như An Hải Tây. Ngoài ra, vướng chủ trương của thành phố về việc sáp nhập trung tâm VHTT xã/phường và trung tâm học tập cộng đồng nên phải chờ hướng dẫn…
Về công tác quản lý, vận hành, hiện thành phố đã giao UBND các phường, xã quản lý thêm một số hạng mục mới đầu tư tại địa phương như: KVCGT, công viên, vườn dạo nhưng do mới bước đầu thực hiện nên các địa phương còn lúng túng trong việc phân công quản lý, tổ chức hoạt động, bảo vệ, giám sát...
Đẩy nhanh thành lập bộ máy quản lý
Trong thời gian qua, việc thành lập trung tâm VHTT phường, xã trên cơ sở hợp nhất các thiết chế văn hóa hiện có tại địa phương và xây dựng bộ máy tổ chức hoàn thiện cho trung tâm VHTT đã và đang ngày càng được quan tâm. Thực hiện chủ trương của UBND thành phố Đà Nẵng về việc củng cố hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn thành phố, ngày 29-9-2014, Sở Nội vụ thành phố đã ban hành Hướng dẫn số 2146/HD-SNV về việc thành lập trung tâm VHTT phường, xã. Kế đến, ban hành Hướng dẫn số 1004/HD-SNV ngày 19-8-2015 về việc hướng dẫn thí điểm hợp nhất trung tâm VHTT phường, xã và trung tâm học tập cộng đồng phường, xã.
Tuy nhiên, việc thực hiện các văn bản hướng dẫn này vẫn ì ạch khiến một số thiết chế cơ sở xây xong mà chưa có người quản lý. “Hiện tại, chúng tôi thúc giục các quận gấp rút thành lập bộ máy trung tâm VHTT phường để có bộ máy, con người và cơ chế tài chính thực hiện công tác quản lý các thiết chế văn hóa trên địa bàn. Tùy thuộc từng địa phương mà có bố trí số lượng người hợp lý. Nhất thiết người trực tiếp thực hiện công tác quản lý phải là phó chủ tịch văn xã phường, cán bộ văn xã, đồng thời phải có cán bộ chuyên trách, khi cần sẽ có thêm cộng tác viên tham gia”, ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết.
Cũng theo ông Chiến, để các thiết chế hoạt động hiệu quả, cần có sự tích hợp của nhiều yếu tố. Quan trọng nhất là 3 yếu tố: hệ thống cơ sở vật chất, bộ máy quản lý và kinh phí dùng trả lương, duy tu bảo dưỡng những thiết bị dễ hư hỏng, tổ chức các hoạt động. Đồng thời, vai trò của UBND phường rất quan trọng trong việc xây dựng quy trình, quy chế quản lý, bảo quản; có biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở người dân, nâng cao ý thức bảo vệ tài sản cộng đồng; có báo cáo thống kê về số lượng người tham gia, khoảng thời gian thường tập trung đông người, loại dụng cụ được ưa thích sử dụng… để đánh giá nhu cầu sử dụng của người dân, qua đó có sự điều chỉnh phù hợp thực tế.
Ở góc nhìn khác, các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, hiệu quả của các thiết chế văn hóa ở chính con người quản lý và vận hành nó. Ông Hồ Hải Học, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin, lo lắng về tính hiệu quả của các thiết chế nếu không có nguồn nhân lực chất lượng để vận hành. “Cái lo nhất là những con người làm văn hóa lại không am hiểu gì về văn hóa. Nếu thế thì làm sao định hướng, phát triển văn hóa, tạo dựng phong trào ở cơ sở. Dường như chúng ta thiếu đội ngũ có tầm nhìn dài hơi cho văn hóa. Năm 2015, nhiều công trình văn hóa lớn được đầu tư xây dựng nhưng lại quên Trung tâm Văn hóa thành phố. Khi quận, huyện, xã, phường đều có trung tâm văn hóa, cơ quan đầu não của nó là Trung tâm Văn hóa thành phố vẫn chưa có thì lấy ai đào tạo, hướng dẫn, chỉ đạo phong trào văn hóa cấp cơ sở”, ông Học trăn trở.
Thừa nhận chất lượng đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở chưa được cao, ông Nguyễn Hữu Chiến cho biết, để khắc phục tình trạng này, trước mắt đẩy nhanh xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở đồng bộ, kế đến bộ máy được thành lập thì mới tiến hành tập huấn, nâng cao chất lượng người phụ trách công tác văn hóa cấp cơ sở. Thêm nữa, phải có chế độ phụ cấp xứng đáng với đội ngũ cán bộ này.
“Sẽ không ai mặn mà khi hưởng thêm vài đồng lương ít ỏi nhưng phải gánh trách nhiệm quản lý cả trung tâm VHTT phường. Chúng ta không làm tốt điều này thì lại đi vào vết xe đổ của những năm trước, xây xong rồi để đó, hoạt động không hiệu quả. Chúng tôi đã có những đề xuất cụ thể trình UBND thành phố về công tác quản lý, vận hành và tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa cơ sở và đang chờ thông qua. Đến năm 2020 hệ thống thiết chế VHTT cơ sở của Đà Nẵng sẽ được phát triển đồng bộ thì mới thấy rõ diện mạo mới của văn hóa thành phố”, ông Chiến nói.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ