Chính trị - Xã hội
Sa thải cán bộ, công chức nhũng nhiễu, yếu kém
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, sáng 2-11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) làm việc tại Hội trường, thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu Quốc hội trong giờ giải lao. Ảnh: TTXVN |
Phát biểu tại kỳ họp, ĐB Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) cho rằng, để hội nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thành công, cần có thể chế và con người hội nhập. Cụ thể, phải tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật hơn nữa và sự đồng lòng từ trên xuống dưới. Trước mắt, theo ĐB Trần Khắc Tâm, phải sa thải bằng được những cán bộ, công chức nhũng nhiễu, yếu kém ra khỏi bộ máy.
Cũng theo ĐB Trần Khắc Tâm, 9 năm trước khi Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhiều người nghĩ rằng, kinh tế nước ta có thể tăng trưởng từ 8-9% trong 10 năm liên tiếp. Nhưng thực tế lại khác, bởi sự bất ổn bên ngoài và yếu kém bên trong đã làm Việt Nam nhiều phen lao đao sau khi gia nhập WTO.
ĐB Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) đánh giá việc kết thúc đàm phán TPP là cơ hội để Việt Nam tham gia sân chơi chung với các nền kinh tế lớn trên thế giới. Tuy nhiên, việc tham gia TPP đặt ra những thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.
Để giúp các doanh nghiệp chủ động hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, ĐB Nguyễn Cao Sơn đề nghị trong nhóm các giải pháp đã nêu, Chính phủ cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân tiếp cận thông tin đầy đủ về Hiệp định; chuẩn bị các điều kiện và cơ chế, chính sách phù hợp giúp doanh nghiệp Việt Nam hội nhập bền vững. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, ĐB đề xuất cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng, hiện đại hóa quy trình sản xuất, xây dựng phát triển thương hiệu hàng Việt Nam, tạo thế vững chắc trong môi trường cạnh tranh toàn cầu.
Nhiều khó khăn, thách thức lớn
Thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, hầu hết ý kiến của ĐHQH thể hiện sự đồng tình cao với báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 trình QH.
ĐB Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) đánh giá: Báo cáo của Chính phủ đã thể hiện tinh thần đổi mới, dân chủ, đoàn kết, đồng thuận của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong điều kiện kinh tế thế giới suy giảm; tình hình chính trị bất ổn ở một số khu vực; tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, khó lường; thiên tai diễn ra liên tiếp trong nhiều năm. Trong khó khăn, chúng ta đã vững vàng vượt qua, rút ra nhiều bài học quý giá về sự điều hành, quản lý kinh tế - xã hội, giữ vững chủ quyền, trật tự an toàn xã hội, tạo ra môi trường xã hội đoàn kết để xây dựng đất nước ngày càng phát triển.
Theo ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (thành phố Hồ Chí Minh), năm qua, đất nước đạt được 2 thành tựu nổi bật. Kinh tế bị tác động mạnh bởi những diễn biến khó lường như: nền kinh tế thế giới phục hồi chậm, giá dầu thấp, một số nước phá giá đồng tiền, tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông ngày càng phức tạp... Tuy vậy, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, bằng những giải pháp linh hoạt và phù hợp, vẫn bảo đảm tăng trưởng kinh tế cao hơn năm trước, ở mức 6,5%; bảo đảm thu ngân sách. ĐB Nguyễn Ngọc Hòa đánh giá cao việc Việt Nam đã chủ động thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hơn. Các Hiệp định thương mại tự do được ký kết đã mở ra cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam phát triển.
Nhiều ĐBQH phân tích những mặt hạn chế, yếu kém của kinh tế nước ta. Cụ thể, nền kinh tế vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn. Năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp. Cân đối ngân sách khó khăn, bội chi còn cao; nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, nợ xấu còn lớn và xử lý nợ xấu còn nhiều vướng mắc; doanh nghiệp trong nước và khu vực nông nghiệp, xuất khẩu nông sản đang rất khó khăn; nhập siêu tăng trở lại. Thể chế kinh tế thị trường chậm được hoàn thiện, còn nhiều hạn chế, các loại thị trường vận hành chưa thông suốt. Thất nghiệp, thiếu việc làm vẫn đang là vấn đề xã hội bức xúc; chất lượng nguồn nhân lực thấp...
Thúc đẩy nông nghiệp phát triển tương xứng
Nhiều ĐBQH đã phân tích, đề xuất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển tương xứng với vị trí, tầm quan trọng của nó trong nền kinh tế đất nước. ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) tán thành với mục tiêu tái cơ cấu nền nông nghiệp như trong Báo cáo Chính phủ nêu, trong đó tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp mọi thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh mô hình sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ giữa kinh tế hộ gia đình và doanh nghiệp với thị trường... ĐB Nguyễn Văn Cảnh nhấn mạnh, để cạnh tranh trong lĩnh vực nông nghiệp với các nước lớn trong giai đoạn hội nhập sâu rộng như hiện nay, sản xuất quy mô lớn phải định hướng được thị trường đầu ra.
ĐB lưu ý, phải bảo đảm năng lực quản lý, năng lực tài chính để có thể vượt qua những rủi ro của thị trường, nhưng đây là việc mà nông dân không thể tự làm được mà cần phải có doanh nghiệp kết hợp cùng. “Làm sao để doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra khi giá xuống thấp, cũng như làm sao để người dân cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp khi giá trên thị trường tăng, mặc dù hai bên đã có cam kết bao tiêu sản phẩm. Theo tôi, để bảo đảm liên kết này chặt chẽ, cần có bên thứ ba đứng ra bảo lãnh cho cả hai bên”, ĐB Nguyễn Văn Cảnh nói.
Nhắc lại việc tăng cường liên kết 4 “nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân), ĐB Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, để phát huy hiệu quả, cần có “nhà” thứ 5, đó là ngành tài chính. Theo đó, nhà tài chính sẽ cung cấp nguồn vốn trung và dài hạn, để doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư công nghệ cho sản xuất nông nghiệp, giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho nông nghiệp Việt Nam.
Theo ĐB Khúc Thị Duyền (Thái Bình), Chính phủ đã có nhiều chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nhưng còn dàn trải, manh mún, nhỏ lẻ; đặc biệt đầu tư cho nông dân trồng lúa còn rất thấp. Do đó, để thực hiện các chỉ tiêu đề ra trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chính phủ cần có sự đầu tư, hỗ trợ những xã khó khăn về các công trình công cộng (trường học, trạm y tế, nhà văn hóa...).
Chính phủ cũng phải có chính sách để nông dân tích tụ ruộng đất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông thôn, từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, Nhà nước cần có chính sách để phát triển công nghiệp trong nông nghiệp; đầu tư cho doanh nghiệp và có chính sách hỗ trợ để họ tạo nhiều việc làm cho người lao động; quan tâm phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn; đào tạo nghề cho nông dân...
Nguồn nhân lực là điểm mấu chốt
Đánh giá nguồn nhân lực là điểm mấu chốt, tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế - xã hội, nhiều ĐBQH đề nghị công tác này cần được tiếp tục quan tâm, đầu tư trong năm tiếp theo.
ĐB Nguyễn Ngọc Hòa nêu thực trạng: Có rất nhiều bạn trẻ được đào tạo bài bản ở nước ngoài; nhiều cha mẹ và học sinh mong muốn học xong trở về Việt Nam, nhưng rất tiếc chúng ta đã lãng phí nguồn lực quý báu do thiếu cơ chế phù hợp để khai thác và phát huy nguồn lực này. Chẳng hạn, đã có 13 học sinh được nhận học bổng Đường lên đỉnh Olympia để đi du học, nhưng sau đó 12/13 em ở lại nước ngoài.
ĐB Nguyễn Ngọc Hòa đặt câu hỏi: Liệu chúng ta có trăn trở về điều này hay không, trong khi nhiều địa phương đang phải cố gắng cân đối ngân sách cho đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ. ĐB kiến nghị thời gian tới, cần có sự đột phá mạnh mẽ trong việc thu hút, sử dụng và phát huy nhân tài, trong đó chú trọng nguồn nhân lực đã được xã hội đầu tư bài bản, không chỉ dựa vào nguồn nhân lực do Nhà nước đầu tư đào tạo. “Làm thế nào có thể thu hút lực lượng này vào làm việc trong hệ thống chính trị thông qua một cơ chế thi tuyển rộng rãi, công khai, minh bạch, dựa trên những tiêu chí tuyển chọn khách quan, khoa học, có biện pháp mạnh, kiên quyết để tinh giản bộ máy, rà soát hợp lý hóa các đầu mối, nghiên cứu hợp nhất với các bộ phận, tránh chồng chéo để nâng cao năng suất lao động”, ĐB đề xuất.
TTXVN