Chính trị - Xã hội

Chuyện tổ, chuyện thôn

Khu phố nghĩa tình

14:03, 11/11/2015 (GMT+7)

Nguyễn Ái Phương 18 tuổi, đang học năm nhất Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng). Lê Đức Hùng 16 tuổi, hiện đang học lớp 10 Trường THPT Hoàng Hoa Thám.

Cả Phương và Hùng đều mồ côi cả cha lẫn mẹ từ 3 năm nay, các em được đùm bọc trong vòng tay của bà con chòm xóm khu dân cư (KDC) 28 phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn.

KDC 28 phường Mỹ An có khoảng 80 hộ dân với 300 nhân khẩu ở 2 tổ dân phố (TDP) 67 và 71. Trên 50% số hộ dân là lao đông phổ thông, khoảng 30% số hộ có thu nhập chừng 1,5 triệu đồng/tháng, 10% là cán bộ hưu trí…

Với đời sống kinh tế như thế, đã không ít người hồ nghi khi bà Lê Thị Hường, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ KDC đi báo cáo điển hình cấp phường, quận về những việc “thiện” đã làm được, rằng: “...chỉ có thể bịa ra để báo cáo, chứ làm gì có những chuyện thật như thế ở thời buổi này”. Ai đó thật ác khẩu! Tôi ngồi nghe bà Hường và chồng bà là ông Hồ Văn Quế, Bí thư chi bộ 28 Mỹ Đa Đông, phường Mỹ An, kể lại “những việc đã làm được” của KDC 28, như cách nói của bà là “ăn mày từ thiện”.

Năm 2012, bà Phạm Thị Xuân (mẹ của em Nguyễn Ái Phương) bị đột tử. Bà Xuân vốn là cựu quân nhân, khi rời quân ngũ bà “tự túc” cho mình 1 đứa con. Rồi ở vậy, 2 mẹ con sớm tối có nhau, sướng khổ cùng chịu. Khi bà Xuân qua đời, Phương mới học đến lớp 9, vất vưởng giữa đời, không cha, không người thân thích, không anh em họ hàng.

“Lần đó, khoảng 1 giờ sáng, khi hay tin chị Xuân không qua khỏi, tổ trưởng TDP, mấy người láng giềng đã đến tập trung ở sân nhà tôi đông nghịt. Mọi người tính toán, lên phương án tổ chức hậu sự cho chị Xuân ngay lập tức. Không ai bảo ai, khi được phân công cụ thể công việc, cứ thế mà làm như thể đó là việc nhà mình. Chúng tôi đến nhà chị Xuân, nhà trống hoắc từ trước ra sau, chẳng có gì giá trị ngoài 500 ngàn đồng bỏ trong cốp xe máy cho 2 mẹ con qua ngày”, ông Quế tâm sự.

Ban tổ chức tang lễ KDC được  thành lập, thư ngỏ kêu gọi giúp đỡ cũng được soạn nhanh chóng. 21 giờ tối trước ngày đưa tang bà Xuân, toàn thể cán bộ quân - dân - chính KDC tập trung đầy đủ để mở hòm quyên góp công khai, công bố kế hoạch sử dụng số tiền đó. Sau khi lo liệu chu toàn việc tang cho bà Xuân, số tiền quyên góp còn dư 40 triệu đồng, được gửi vào ngân hàng để cho cháu Phương sau này sử dụng. Phương được ông Nguyễn Hải Kỳ và vợ là Lê Thị Hoa - đảng viên đương chức, sống ở KDC, do chi bộ giao làm người đỡ đầu đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng…

Cũng trong năm 2012, ở KDC 28, có 2 chị em Lê Thị Tường Vy và Lê Đức Hùng rơi vào cảnh mồ côi cả cha, mẹ. Vy bị bệnh tim hành hạ mỗi ngày, Hùng bấy giờ học lớp 7. “Thế là KDC cũng phải lo, phải xúm vào làm mọi việc. Được cái, 2 chị em nó còn người thân, bà nội, cô gì nên đỡ được phần nào”, bà Lê Thị Hường nói. Hiện 2 đứa cũng có mấy chục triệu đồng gửi ngân hàng từ một doanh nghiệp hỗ trợ.

Năm 2013, Chi bộ 28 giao cho Chi hội Phụ nữ thành lập và gây “quỹ tình thương” để hỗ trợ cho Phương và Hùng cũng như nhiều cháu khác có hoàn cảnh khó khăn trong KDC. Theo đó, nguồn quỹ là sự đóng góp của các hội viên, đảng viên trong chi bộ, còn kêu gọi thêm các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp, bình quân mỗi năm thu quỹ đạt trên 11 triệu đồng.

Mỗi tháng, Ái Phương và Đức Hùng được quỹ trên hỗ trợ 300 ngàn đồng để góp vào tiền ăn, học. Ngoài ra, Phương còn có các ông Lê Thanh Đông và Đỗ Văn Quý cùng ở KDC hỗ trợ mỗi tháng 200 ngàn đồng (từ năm 2013 đến nay và còn tiếp tục); Hùng được cựu chiến binh Nguyễn Văn Quang hỗ trợ 250 ngàn đồng/ tháng từ 2013 đến nay, hứa sẽ duy trì đến khi Hùng đủ 18 tuổi. Không chỉ có thế, nhà của Nguyễn Ái Phương và chị em Lê Đức Hùng đã được xây dựng, tu sửa đàng hoàng từ tiền hỗ trợ của mấy bác, mấy cô chú trong KDC với giá trị mỗi căn gần 100 triệu đồng.

“Tôi đi xin quen rồi, sẽ tiếp tục xin cho quỹ được bảo đảm. Dân ở đây không giàu, nhưng nặng chữ tình. Làm việc thiện chẳng phải để ghi công, báo cáo thành tích, nên không có lòng trắc ẩn, không có sự nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm thì khó lắm. Nhưng cái gì cũng thế, phải rõ ràng, minh bạch. Nhìn các cháu học hành tốt, ngoan hiền, ai trong KDC cũng mừng, coi như là phúc phần cho người đã khuất”, ông Quế chia sẻ.

Chia tay tôi, ông Quế siết chặt, nói: “Đó là bản chất của xã hội ta, giàu tính nhân văn, là truyền thống cha ông vun vén bao đời về sự “chia ngọt sẻ bùi”, “tắt lửa tối đèn có nhau”. Tôi tin, không những thế, còn rất cảm phục và kính trọng nghĩa tình của họ.

TRỌNG HUY

.