Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XXI thành công tốt đẹp; kinh tế thành phố phục hồi với đà tăng trưởng cao; “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” đạt nhiều kết quả tích cực; nhiều chính sách an sinh xã hội vượt trội được thực thi… là những sự kiện nổi bật của thành phố Đà Nẵng năm 2015 do Báo Đà Nẵng bình chọn.
1) Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XXI thành công tốt đẹp
Quang cảnh đại hội. Ảnh: ĐẶNG NỞ |
Diễn ra từ ngày 14 đến 16-10, Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015-2020 thành công tốt đẹp. Với chủ đề “Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh đồng thuận, huy động mọi nguồn lực để phát triển thành phố Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại”, Đại hội đã đánh giá tổng quát những kết quả nổi bật trong phát triển thành phố giai đoạn 2010-2015; đồng thời đề ra các mục tiêu, giải pháp chủ yếu để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020.
Trong đó, Đảng bộ thành phố xác định 3 hướng đột phá chiến lược kinh tế-xã hội giai đoạn 2015 – 2020 để tập trung phát triển thành phố theo hướng bền vững: Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là du lịch, thương mại; tập trung thu hút đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và có trọng điểm; xây dựng và phát triển văn hóa, văn minh đô thị, xây dựng thành phố môi trường; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XXI, nhiệm kỳ 2015-2020 gồm 52 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy khóa XX được bầu giữ chức Bí thư Thành ủy khóa XXI.
2) Kinh tế thành phố tăng trưởng 9,8%
Đại diện Cảng hàng không quốc tế Việt Nam tặng hoa cho hành khách thứ 6 triệu thông qua Cảng. Ảnh: HOÀNG HÂN |
Kết thúc năm 2015, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn thành phố (GRDP) ước đạt 45.885 tỷ đồng, mức cao nhất trong 4 năm qua. 11/11 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, trong đó có 3 chỉ tiêu quan trọng vượt kế hoạch đó là tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn (ước đạt 13.521 tỷ đồng, đạt 111,7% dự toán); giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng (ước tăng 12,1%) và kim ngạch xuất khẩu hàng hóa (ước tăng 15%).
Cơ cấu kinh tế thành phố tiếp tục chuyển dịch đúng hướng dịch vụ – công nghiệp - nông nghiệp. Đặc biệt, dịch vụ du dịch tăng trưởng cao, tiếp tục khẳng định vai trò ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố với tổng khách tham quan, du lịch đạt 4,6 triệu lượt, tăng 20,5% so với năm 2014, trong đó, khách quốc tế ước đạt 1,25 triệu lượt; tổng thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 12.700 tỷ đồng, tăng 28,7%.
Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đón hành khách thứ 6 triệu, đánh dấu thời điểm sử dụng hết công suất thiết kế của nhà ga là 6 triệu hành khách/năm.
Thành phố thực hiện nhiều chính sách khuyến khích đầu tư; tôn vinh các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu; hoàn thiện và ban hành đề án “Xây dựng vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng”, tạo tiền đề xây dựng thành phố khởi nghiệp; tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững cho thành phố.
3) Năm văn hóa, văn minh đô thị
Ảnh: TRIỆU TÙNG |
“Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” là chủ trương lớn của thành phố nhằm xây dựng Đà Nẵng văn minh, hiện đại, xây dựng nếp sống văn hóa trong cộng đồng. Các tổ chức chính trị, các cấp, ngành từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã đã vào cuộc thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ (tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về văn hóa, văn minh đô thị; nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và đầu tư các thiết chế văn hóa; đảm bảo trật tự xã hội; giữ gìn trật tự, mỹ quan đô thị; đảm bảo trật tự an toàn giao thông; giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; xây dựng nếp sống văn hóa, giao tiếp, ứng xử văn minh nơi công cộng) và xử lý 3 nhóm hành vi (quảng cáo, tờ rơi sai quy định gây mất mỹ quan đô thị; chèo kéo, đeo bám khách du lịch; lang thang xin ăn biến tướng); qua đó tạo chuyển biến tích cực trong vấn đề xây dựng nếp sống văn hóa, trật tự văn minh đô thị. Ý thức của người dân có sự chuyển biến đáng kể.
Trong “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, Đà Nẵng ưu tiên đầu tư nhiều công trình, thiết chế văn hóa. Trong đó, công trình văn hóa trọng điểm Thư viện Khoa học tổng hợp đã được khánh thành có tổng mức đầu tư hơn 50 tỷ đồng.
Thư viện đáp ứng nhu cầu học tập, tra cứu, tìm hiểu tri thức của học sinh, sinh viên, người dân và du khách; đồng thời là điểm nhấn kiến trúc hiện đại, văn minh của thành phố. Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đầu tiên của Việt Nam và là bảo tàng ngoài công lập thứ ba tại Đà Nẵng cũng được khánh thành, mở cửa đón khách.
Bảo tàng trưng bày hơn 500 hiện vật có ý nghĩa đối với lịch sử phát triển Phật giáo qua các thời kỳ; trong đó có 200 hiện vật là cổ vật nguyên gốc. Tháng 11, Bảo tàng Điêu khắc Chăm kỷ niệm 100 năm thành lập. UBND thành phố Đà Nẵng đã quyết định đầu tư hơn 46 tỷ đồng để cải tạo nâng cấp bảo tàng và đây là dự án trọng điểm nhằm phục vụ Hội nghị APEC năm 2017.
4) Khánh thành, khởi công nhiều công trình lớn
Ảnh: ĐẶNG NỞ |
Nút giao thông ngã ba Huế được khánh thành vào ngày 29-3-2015 nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao).
Công trình đường Bà Nà – Suối Mơ (Hoàng Văn Thái nối dài) khánh thành ngày 25-4-2015, với tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng. Khởi công xây dựng Trục I Tây Bắc và các khu đô thị số 2 và số 7 Trung tâm đô thị mới Tây Bắc… Các công trình này là đòn bẩy cho khu vực phía Tây và Tây - Bắc của thành phố.
Ngày 15-11, Bộ Giao thông vận tải khởi công xây dựng nhà ga quốc tế Sân bay Đà Nẵng, với tổng kinh phí trên 3.500 tỷ đồng, công suất 4-6 triệu lượt khách/năm; dự kiến đưa vào sử dụng đúng dịp Hội nghị APEC diễn ra tại Đà Nẵng vào năm 2017. Trung tâm tim mạch Đà Nẵng, trị giá 236 tỷ đồng, được khởi công ngày 13-10 và dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2016...
5) Thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội vượt trội
Đồng chí Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, thăm gia đình chính sách trên địa bàn quận Cẩm Lệ. Ảnh: PHAN CHUNG |
Năm 2015, Đà Nẵng kết thúc sớm 2 năm giai đoạn giảm nghèo 2013-2017 và xây dựng đề án giảm nghèo mới để HĐND thành phố khóa VIII thông qua tại kỳ họp thứ 15. Hoàn thành sửa chữa nhà ở và trao tặng ti-vi cho 1.189 gia đình người có công với cách mạng và hộ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn. Hỗ trợ và lắp đặt đầu thu truyền hình số mặt đất cho 5.788 hộ dân nghèo.
Chuyển đổi mô hình Bệnh viện Ung thư trên cơ sở sáp nhập khoa Ung bướu của Bệnh viện Đà Nẵng để thành lập Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng và trở thành đơn vị sự nghiệp công lập. Sau khi chuyển đổi, Bệnh viện Ung bướu hoạt động hiệu quả; các chỉ số đều tăng, từ chỉ tiêu khám chữa bệnh đến công suất sử dụng giường bệnh; tiếp tục duy trì hỗ trợ miễn phí cho khoảng hơn 600 bệnh nhân 3 bữa ăn mỗi ngày theo đúng mục đích, tôn chỉ ban đầu hết sức nhân văn là chữa bệnh cho người nghèo…
Năm 2015, Đà Nẵng thay đổi chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, cao hơn chuẩn nghèo của cả nước. Cụ thể, hộ nghèo khu vực nông thôn có mức thu nhập bình quân từ 1,1 triệu đồng/người/tháng trở xuống; hộ nghèo khu vực thành thị: từ 1,3 triệu đồng/người/tháng trở xuống. Hộ cận nghèo khu vực nông thôn: trên 1,1 triệu đồng/người/tháng đến 1.430.000 đồng/người/tháng. Hộ cận nghèo khu vực thành thị: từ 1,3 triệu đồng/người/tháng - 1.690.000 đồng/người/tháng.
6) Vững ngôi đầu PCI
Một dây chuyền sản xuất giày xuất khẩu. Ảnh: NGỌC HỢI |
Đà Nẵng tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014, công bố ngày 16-4-2015. Đây là lần thứ năm Đà Nẵng đứng ở vị trí quán quân và là năm thứ hai liên tiếp. PCI trở thành thước đo đánh giá giữa các địa phương về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh.
Quan trọng hơn, PCI đã trở thành một công cụ phản ánh rõ nét chất lượng hoạch định và điều hành chính sách của chính quyền địa phương đối với doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy những thay đổi sát với thực tiễn, yêu cầu cụ thể của từng chính quyền địa phương để tạo nên một môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh.
2015 là năm thứ ba Đà Nẵng liên tiếp dẫn đầu cả nước về Chỉ số cải cách hành chính, năm thứ bảy liên tiếp Đà Nẵng đứng đầu cả nước về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index)…
7) Khởi công Nhà trưng bày Hoàng Sa
Ngày 7-12, UBND huyện Hoàng Sa tổ chức lễ khởi công xây dựng Nhà trưng bày Hoàng Sa. Đây được coi là thiết chế văn hóa, lịch sử mang ý nghĩa chính trị đặc biệt - cổ vũ tinh thần đấu tranh, ý chí bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc trong mọi tầng lớp nhân dân.
Nhà trưng bày Hoàng Sa được xây dựng trên khu đất có diện tích hơn 1.249m2, hướng ra Biển Đông tại nút giao thông đường Hoàng Sa - Phan Bá Phiến (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà).
Sau khi hoàn thành, Nhà trưng bày Hoàng Sa sẽ trưng bày hệ thống các tư liệu bằng hình ảnh động và tĩnh hỗ trợ bởi mỹ thuật, kỹ thuật đa phương tiện kết hợp hệ thống bản đồ, sa bàn nhằm giới thiệu tổng quan về vị trí địa lý tự nhiên, hành chính của huyện Hoàng Sa. Ngoài ra, sẽ tập trung giới thiệu các tài liệu là những cơ sở pháp lý khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa hiển nhiên là của Việt Nam.
8) Đạt chuẩn nông thôn mới
Trồng thanh long ruột đỏ ở Hòa Phú. Ảnh: N. CẦU |
Đến nay, 10/11 xã của huyện Hòa Vang đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và đã được thành phố công nhận, xã Hòa Bắc đạt 17/19 tiêu chí. Tại hội nghị thẩm định kết quả xây dựng nông thôn mới ngày 25-11 tại huyện Hòa Vang, đoàn công tác của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới Trung ương đã kết luận Hòa Vang đủ điều kiện lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong năm 2015.
5 năm qua, huyện Hòa Vang đã huy động tổng nguồn lực khoảng 2.411 tỷ đồng cho công cuộc xây dựng nông thôn mới, trong đó vốn ngân sách Nhà nước là 1.394 tỷ đồng, chiếm 57,8%, vốn đóng góp của nhân dân 392 tỷ đồng, chiếm 16,2%... Ngày 8-12, huyện Hòa Vang được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ đơn vị thi đua xuất sắc trong phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Xã Hòa Phú được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và thưởng 1 công trình phúc lợi trị giá 1 tỷ đồng.
9) Tôn vinh 60 tập thể và 222 cá nhân điển hình tiên tiến
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhất cho thành phố Đà Nẵng. Ảnh: ĐẶNG NỞ |
Đại hội thi đua yêu nước thành phố Đà Nẵng lần thứ IV năm 2015 diễn ra vào ngày 25-9 với chủ đề “Năng động, sáng tạo, thi đua xây dựng, phát triển thành phố Đà Nẵng giàu đẹp, văn minh”. Tại đại hội, có 60 tập thể và 222 cá nhân là điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua được biểu dương, tôn vinh và được tặng Cờ thi đua xuất sắc, Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố.
Tại đại hội, cán bộ và nhân dân thành phố Đà Nẵng đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất do Chủ tịch nước tặng thưởng. Đây là sự đánh giá ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những thành tựu lớn lao mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố đạt được trong những năm qua.
10) Kiên quyết thực hiện các giải pháp chấn chỉnh trật tự, xây dựng thành phố an bình
Các lực lượng phối hợp tăng cường tuần tra đêm. Ảnh: ĐẮC MẠNH |
Kỳ họp thứ 14 HĐND thành phố khóa VIII diễn ra từ ngày 7- 9-7 ra nghị quyết về việc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép gây bức xúc trong dư luận nhiều năm liền diễn ra tại Rừng đặc dụng Nam Hải Vân.
Các cơ quan chức năng kiên quyết triển khai thực hiện và hiện nay tiến độ tháo dỡ các công trình trái phép này được bảo đảm đúng thời gian quy định. Đồng thời, lãnh đạo thành phố có thái độ kiên quyết khi dừng triển khai các dự án gây ảnh hưởng đến quy hoạch, kiến trúc thành phố như khu nhà “hải đăng” trên sông Hàn, dự án bến du thuyền phía Tây cầu Rồng…; siết chặt kỷ cương trong việc báo cáo và giao đất tái định cư, quản lý nhà chung cư, xử lý các dự án lớn chậm triển khai.
Trên lĩnh vực trật tự xã hội, an toàn giao thông, lãnh đạo thành phố chỉ đạo xử lý quyết liệt, chấn chỉnh có hiệu quả bước đầu tình trạng “xe dù”, “bến cóc”, xe quá khổ quá tải, xe chạy quá tốc độ quy định và sai làn đường, chiều đường…; giải quyết các điểm ùn tắc cục bộ về giao thông; tăng cường tuần tra kiểm soát, phối hợp các lực lượng phát hiện, ngăn chặn và trấn áp tội phạm từ cơ sở; bảo đảm nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các giải pháp xây dựng thành phố an bình, đáng sống.