Chính trị - Xã hội

Hiệu quả từ "Năm văn hóa, văn minh đô thị"

Bài cuối: Đừng để "đánh trống bỏ dùi"!

08:02, 08/01/2016 (GMT+7)

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” đã hình thành nền tảng ban đầu. Tuy nhiên, xây dựng văn hóa, văn minh đô thị là câu chuyện dài. Nếu các ngành chức năng lơ là, không kiên quyết đeo bám đến cùng thì mọi nỗ lực xem như uổng phí.

Giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm lòng đường buôn bán mới mong xây dựng đô thị văn minh.
Giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm lòng đường buôn bán mới mong xây dựng đô thị văn minh.

Khó khăn còn nhiều

Ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, đơn vị thường trực “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” cho rằng, chưa khi nào chủ trương của thành phố Đà Nẵng có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân như “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”.

“Con số 98% người dân biết về “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” được báo cáo tại kỳ họp thứ 15 HĐND thành phố Đà Nẵng tháng 12-2105, hay lượng lớn báo cáo công việc của các quận, huyện gửi về Sở VH-TT&DL mỗi tuần, mỗi tháng đã nói lên sự chuyển biến tích cực. Nhưng chúng ta không nên vội mừng với những con số đó. Bởi thực chất, từ “biết” đến nhận thức và hành động là khoảng cách còn khá xa”, ông Chiến nêu ý kiến.

Lo ngại của ông Chiến cũng chính là lo ngại của nhiều người, khi một năm qua, văn hóa, văn minh đô thị nổi bật ở những đợt ra quân rầm rộ về vệ sinh môi trường, tẩy xóa quảng cáo rao vặt, đẩy đuổi buôn bán hàng rong mà chưa có những giải pháp căn cơ.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch UBND phường Hòa Hải cho biết, chính quyền địa phương rà soát, điều tra và yêu cầu ký cam kết với các trường hợp thường xuyên chèo kéo, đeo bám khách tại danh thắng Ngũ Hành Sơn. Đến nay, vẫn còn 7 trường hợp chưa thể xử lý dứt điểm, trong đó có một số đối tượng cầm đầu, tỏ ra chây ì, ngoan cố.

“Tôi nghĩ rằng, cần có biện pháp xử lý mạnh hơn, công an phải vào cuộc xử lý, đưa ra giáo dục tại địa phương, nêu trên đài phát thanh vài trường hợp để răn đe. Chứ cứ đẩy đuổi, khuyên răn hoài không được”, ông Hiền nói.

Ông Lê Anh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu, cũng thừa nhận công tác xử lý bán hàng rong lấn chiếm lòng, lề đường vẫn còn gian nan tại địa phương. Bởi lẽ, buôn bán vỉa hè, dựa vào vỉa hè để mưu sinh trở thành thói quen lâu nay của người dân và chính một bộ phận cư dân đã cổ súy cho hình thức mua bán này thay vì vào chợ, siêu thị.

Tuy nhiên, theo ông Lê Anh, để xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, kinh tế vỉa hè cần phải được quy hoạch. Sắp tới, quận Hải Châu sẽ làm quyết liệt hơn vấn đề này, thực hiện không cấp phép kinh doanh vỉa hè.

Riêng đối với 3 nhóm hành vi trọng điểm: quảng cáo rao vặt trái phép, lang thang xin ăn, chèo kéo khách, kế hoạch đặt ra là phải xóa triệt để trong năm 2015. Song, báo cáo của Sở VH-TT&DL cho thấy chỉ thực hiện được 85%. Đó là chưa kể một số nội dung quan trọng khác vẫn còn khá nhiều việc phải làm như: an toàn giao thông; vệ sinh môi trường; văn hóa, văn minh nơi công cộng; văn minh thương mại...

Cần giải pháp quyết liệt hơn

Mặc dù thành phố đã chủ trương tiếp tục thực hiện văn hóa, văn minh đô thị trong năm 2016, nhưng nếu không có những giải pháp quyết liệt hơn thì khó đạt được mục tiêu như kỳ vọng.

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học - nghệ thuật thành phố Đà Nẵng góp ý: “Văn hóa, văn minh là cái có khó nhất trong những mục tiêu cần phấn đấu, bởi nó thuộc về nhận thức, thói quen của mỗi người.

Do đó, cần có sự chuyển biến, đổi thay từ trong gốc rễ, từ sâu trong suy nghĩ, nhìn nhận của mỗi người, mỗi nhà. Chúng ta cũng đừng lấy những mỹ từ người ta gắn cho thành phố, rồi lấy đó làm liều thuốc an thần. Cần quan tâm hiệu quả, thực chất của mỗi phong trào, hành động, nhất là thực hiện văn hóa, văn minh đô thị ở khu dân cư”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đăng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng cho rằng, hành vi, thói quen rất khó sửa. Vì thế, cần tăng cường giáo dục, đấu tranh với những hành vi sai trái trong cộng đồng dân cư, trong từng gia đình; xử phạt nghiêm minh thì mới mong chấn chỉnh được.

Ngoài ra, cần có giải pháp cụ thể để bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch trên địa bàn Đà Nẵng đi vào cuộc sống; cần xây dựng thêm bộ quy tắc ứng xử văn hóa phổ biến rộng rãi cho người dân.

Thời gian đến, các cấp ngành, địa phương cần tăng cường tuyên truyền, tăng cường kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm, tiếp tục duy trì, thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, các chương trình hành động của thành phố, phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và các tổ chức xã hội trong việc nâng cao nhận thức của người dân thực hiện xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.

Trong khi đó, nhiều ý kiến khác cho rằng, bên cạnh xây dựng con người Đà Nẵng văn hóa, cần chú trọng công tác chỉnh trang đô thị.

Thành phố cần ưu tiên đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển đô thị; ngầm hóa các đường dây, cáp trên các tuyến phố, đầu tư xây dựng các thiết văn hóa, tăng cường sự tiếp cận của người dân với những loại hình nghệ thuật, giải trí lành mạnh... Có như vậy mới mong xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị kiểu mẫu, văn minh, hiện đại.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

.