Chính trị - Xã hội

Tình làng giữa phố

08:19, 11/01/2016 (GMT+7)

Những tưởng trong cuộc sống phồn hoa phố thị, tình làng nghĩa xóm ngày càng bị mai một nhưng ở nhiều khu phố, tình làng nghĩa xóm vẫn “tắt lửa tối đèn có nhau”. Điều đó chứng minh giá trị truyền thống về nghĩa cử xóm giềng không bao giờ phôi phai.

Ông Hồ Văn Quế và bà Nguyễn Thị Quế bên cạnh Nguyễn Ái Phương.
Ông Hồ Văn Quế và bà Nguyễn Thị Quế bên cạnh Nguyễn Ái Phương.

Những khu phố ân tình

Tôi gặp ông Đoàn Kim Bê, tổ trưởng tổ dân phố 49 phường Nam Dương (quận Hải Châu, Đà Nẵng), nghe ông kể chuyện cả khu dân cư (KDC) lo cho cụ bà Trần Thị Thìn (tuổi 93), mới thấy tình nghĩa ấy thật cao cả. Cụ Thìn không có chồng, không con, từng ở với 2 người bạn già khác (đã qua đời - PV), nay được người cháu gọi bằng cô ruột của người bạn già qua đời trước đó chăm sóc.

Thế nhưng, gia cảnh người cháu này thiếu thốn, lại làm ở Lào nên không thể chu toàn cho cụ. Bây giờ, cụ Thìn gần như nằm một chỗ, không thể tự chăm sóc cho bản thân, phải có người khác lo liệu từ chén cơm, tắm giặt đến việc đi vệ sinh.

“Trước hoàn cảnh đó, Chi bộ KDC Châu Thành II đã vận động cán bộ, quân - dân - chính ở KDC, trực tiếp là tổ trưởng TDP 49 theo dõi, kiểm tra, lên kế hoạch để đỡ đần, chăm nom cụ Thìn chu đáo; cử người thường xuyên quan tâm cụ, đề phòng những lúc trái gió trở trời. KDC cũng đã thành lập quỹ riêng để chăm sóc cụ Thìn, mỗi tháng 1,2 triệu đồng; ngoài ra còn bảo đảm các nhu yếu phẩm hằng ngày, từ tấm bỉm, gạo ăn, sữa…, không lúc nào thiếu. Chúng tôi cũng đã tính toán chu đáo nếu trường hợp xấu nhất xảy ra”, ông Bê nói.

Ở KDC 34, 35 Mỹ Đa Đông, phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) đến nay vẫn truyền nhau câu chuyện cảm động về nghĩa cử cao đẹp của chị em hội viên chi hội phụ nữ KDC. Bà Lê Thị Mai là hộ nghèo, chồng đau ốm nằm một chỗ, con đang tuổi ăn học, bà làm nghề bán rau xanh ở chợ. Đời sống kinh tế thiếu trước hụt sau, vừa lo toan thuốc men cho chồng chữa bệnh, vừa tiền ăn học cho con nên bà không kịp ngẩng đầu để mơ ước.

Các hội viên phụ nữ trong KDC đã cùng nhau quyên góp, nhặt chai bao bán lấy tiền rồi chắt chiu mua cho bà Mai một tủ đựng áo quần trị giá cả chục triệu đồng. Đó là món quà, là niềm ước ao từ thời con gái của bà Mai. “Tôi cũng bất ngờ với món quà của chi hội phụ nữ trao cho chị Mai nhân dịp gặp mặt mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10. Giữa thời buổi này đâu dễ duy trì được tình làng như vậy”, ông Võ Văn Kiềm, Bí thư chi bộ KDC 34, 35 Mỹ Đa Đông chia sẻ.

Mùa quả ngọt

Lê Thị Tường Vy và Lê Đức Hùng là hai chị em. Ngày Hùng chào đời là ngày Vy lên bàn mổ tim tại thành phố Hồ Chí Minh. 6 tuổi, Hùng mồ côi mẹ, 12 tuổi mồ côi cha. Hai chị em chăm nhau cùng với bà nội già yếu. Năm 2013, Vy ra Huế mổ tim lần hai.

Sóng gió cuộc đời cứ thế dồn dập với gia đình hai đứa trẻ mồ côi. Số phận đã rẽ lối khác đối với 2 chị em Vy, Hùng nếu không có sự trợ giúp, thương yêu, đùm bọc của KDC 28 Mỹ Đa Đông. “Lần Vy mổ ở thành phố Hồ Chí Minh, Hùng vừa chào đời, gia cảnh khốn đốn lắm, KDC phải chung tay hỗ trợ, đi xin nơi này, nơi khác để chia sẻ.

Rồi lần lượt cha mẹ chúng qua đời, nhà nội cũng khó khăn chẳng kém, lại già yếu. Năm Vy mổ lần 2, có nhà tài trợ đến tìm giúp nhưng nó ra Huế nên hai bên không gặp nhau. Rồi KDC đi xin, đi tìm kiếm nguồn này nguồn khác. Sao làm ngơ được, chúng mất mát quá lớn, mình là hàng xóm, giờ cũng như cha, mẹ chúng, phải lo thôi”, bà Nguyễn Thị Nga, Trưởng ban công tác Mặt trận KDC cho hay.

Không chỉ là chỗ dựa tinh thần những lúc “tối lửa tắt đèn”, mà KDC đã tìm nguồn, chạy vạy khắp nơi để bây giờ Vy và Hùng đã có ngôi nhà tình nghĩa khang trang, rộng rãi, thay cho “căn lều” lụp xụp trước đây.

Hùng hằng tháng được một cựu chiến binh chu cấp 250.000 đồng (đến hết năm 18 tuổi), cộng với 300.000 đồng từ “Quỹ tình thương” do KDC lập, gầy dựng năm 2013. Trong gian khó, mất mát nhưng cùng với sự nỗ lực của bản thân và giúp đỡ của bà con xóm giềng, Vy theo học ngành kế toán ở một trường cao đẳng, nay đã ra trường. Hùng hiện là học sinh lớp 10 Trường THPT Hoàng Hoa Thám, học giỏi, chăm ngoan.

Tôi rảo bộ cùng ông Hồ Văn Quế, Bí thư Chi bộ 28 Mỹ Đa Đông và bà Nguyễn Thị Nga đến tìm nhà em Nguyễn Ái Phương. Căn nhà cấp 4 có gác lửng sạch sẽ, vững chãi, khang trang. 86 triệu đồng là giá trị xây dựng ngôi nhà từ tiền ủng hộ của “Quỹ vì người nghèo” quận Ngũ Hành Sơn, cộng với tiền quyên góp trong KDC, nhà hảo tâm.

Từng cái chổi, bếp ga, bàn, ghế… cho đến cả mảnh vải lót chân đều được bà con lối xóm chung tay, góp vào “cho ra cái nhà” - như lời bà Nga chia sẻ. Số phận của Phương éo le hơn cả chị em Vy, Hùng. Bà Phạm Thị Xuân - mẹ Phương là cựu quân nhân, xuất ngũ rồi tự túc có một đứa con. Ngày ngày, mẹ con bà Xuân vui buồn có nhau. Đến năm 2012, bà đột ngột qua đời, bỏ lại Phương côi cút. Phương không họ hàng thân thích, không biết mặt cha, không biết quê hương bản quán.

“Hoàn cảnh của chị Xuân như thế, khi nằm xuống, xóm giềng chung tay lo liệu, xem đó là việc nhà mình. Căn nhà của chị Xuân khi đó trống hoắc từ trước ra sau, chẳng có gì giá trị ngoài 560.000 đồng bỏ trong cốp xe máy “Tàu” cũ kỹ cho 2 mẹ con qua ngày”, ông Quế tâm sự. 

Sau khi chu tất hậu sự cho bà Xuân, số tiền quyên góp còn dư 40 triệu đồng được gửi vào ngân hàng để Phương ăn học…

Sau 3 năm được ông Nguyễn Hải Kỳ và vợ là Lê Thị Hoa - sống ở KDC đỡ đầu, chăm nom, giờ Phương là sinh viên năm 1 Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), đã về nhà tự lập sinh sống.

“Cái bồn rửa mặt hỏng lâu chưa, sao không bảo bác gọi người sửa. Cái cầu thang hỏng đã lâu, bảo thằng Hùng (trong xóm) đến sửa rồi, sao vẫn còn y. Có thiếu tiền gì không, khó khăn gì không, cứ nói, đừng có ngại, mở lòng ra, con ạ. Có các bác bên cạnh, chẳng phải lo lắng, sợ sệt gì”, ông Quế rảo khắp nhà rồi “mắng” Phương nhẹ nhàng.

Phương cũng nhận được 300.000 đồng như Hùng, còn được ông Lê Thanh Đông và ông Đỗ Văn Quý trong KDC hỗ trợ 200.000 đồng/tháng liên tục từ năm 2013 đến nay.

Tất cả đều là sự đùm bọc của KDC, xuất phát từ cái nghĩa cử xóm giềng như ông Quế nói: “Truyền thống người Việt mình quý trọng tình cảm, nhất là tình làng nghĩa xóm. Trong môi trường thành thị, tình cảm đó có lúc này, lúc khác, nên phải có người khơi nguồn, đánh thức lòng trắc ẩn ở mỗi người, để tình cảm đó được phát huy, nhân lên, tiếp tục truyền lửa qua đời này đến các đời sau”.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

.