Chính trị - Xã hội

Giao thừa ở bệnh viện

07:32, 09/02/2016 (GMT+7)

ĐNĐT - Khi đồng hồ tích tắc điểm ngược thời gian chuyển giao giữa năm cũ và năm mới thì những người mặc chiếc áo blouse trắng vẫn còn bận bịu bên ca mổ. Có những y bác sĩ mấy chục năm vào nghề nhưng chưa bao giờ biết đến cảm giác đón giao thừa quây quần bên gia đình hay cùng người thân đi xem pháo hoa nổ đì đùng mừng năm mới.

Đón những đứa trẻ khỏe mạnh chào đời trong đêm giao thừa luôn là thời khắc thiêng liêng, đầy trân trọng của đội ngũ y bác sĩ.
Đón những đứa trẻ khỏe mạnh chào đời trong đêm giao thừa luôn là thời khắc thiêng liêng, đầy trân trọng của đội ngũ y bác sĩ.

Dù ăn Tết ở bệnh viện nhưng nhiều người vẫn thấy ấm cúng, ý nghĩa bởi nơi đây là ngôi nhà nhỏ thứ hai luôn tràn ngập sự sẻ chia và tình yêu thương.

Ca trực đêm 30

Gần 30 năm gắn bó với nghề y nhưng với bác sĩ Nguyễn Văn Thuyên, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sơn Trà, đón giao thừa ở nhà là “món quà xa xỉ” ít khi nào ông dành tặng cho gia đình.

Nhớ lại những năm đầu mới ra trường được phân về một bệnh viện nhỏ ở tỉnh Quảng Nam, Tết nào bác sĩ Thuyên cũng trúng ca trực đêm giao thừa. Xa nhà, cái cảm giác năm hết Tết đến, nhà nhà quây quần bên mâm cơm sum họp mà mình thì làm việc ở bệnh viện khiến không ít lần chàng bác sĩ trẻ thấy buồn, thấy tủi.

Thế nhưng khi nhìn những bệnh nhân quằn quại trong cơn đau sau mổ, người nhà thì vẫn còn túc trực bên giường bệnh, bác sĩ Thuyên nhanh chóng quên đi nỗi buồn của riêng mình.

Khi được chuyển công tác về Đà Nẵng, có gia đình nhỏ ở mảnh đất ven sông Hàn, không ít đêm giao thừa, ông phải có mặt ở bệnh viện để trực kíp mổ, kiểm tra công tác khám chữa bệnh cũng như động viên những bệnh nhân còn ở lại.

“Với tôi, đón giao thừa ở Bệnh viện Đa khoa Sơn Trà năm nào cũng có ý nghĩa. Dù nhiều lúc áp lực khi có bệnh nặng chuyển đến nhưng chúng tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ bệnh nhân hết sức mình. Những bệnh nhân ở lại bệnh viện, chúng tôi sắp xếp thời gian thăm hỏi, động viên họ để họ đón cái Tết ấm cúng như ở nhà”, bác sĩ Thuyên trải lòng.

Nhìn ông bác sĩ có gương mặt hiền từ kể chuyện trực giao thừa ở bệnh viện với cảm giác “quen rồi”, chúng tôi không khỏi bùi ngùi thán phục.


Với các bác sĩ trẻ, đón giao thừa ở bệnh viện mà phải đối mặt với ca bệnh nguy hiểm luôn là một áp lực rất lớn. Khi bệnh nhân đang ở lằn ranh giữa sự sống và cái chết, các bác sĩ phải “chiến đấu” trong phòng phẫu thuật nhiều giờ để đảm bảo ca mổ thành công mỹ mãn.

“Có những đêm giao thừa chúng tôi vẫn còn bận bịu với ca mổ. Khi xong việc, ngẩng lên nhìn đồng hồ đã bốn, năm giờ sáng. Giao thừa qua lúc nào mình cũng chẳng biết”, bác sĩ Nguyễn Thị Giang, Bệnh viện Phụ - Sản Nhi Đà Nẵng cười tươi.

Ra trường mới 3 năm nhưng bác sĩ Lê Khắc Hiệu, Bệnh viện Phụ - Sản Nhi Đà Nẵng đã có 2 năm trực Tết ở bệnh viện với nhiều cảm xúc khó tả. Giao thừa năm ngoái là kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời nghề y của bác sĩ Hiệu vì phải xử lý ca bệnh nặng. Khi đó bệnh nhân chuyển đến bệnh viện bị mất máu nhiều, trong tình trạng nguy kịch cần truyền gấp lượng máu tươi, bác sĩ Hiệu đã không ngần ngại cho máu của mình.

“Ca phẫu thuật thành công, nhìn ánh mắt trân trọng của người nhà bệnh nhân, tôi cảm thấy lòng mình như đón một đêm giao thừa thật hạnh phúc và ý nghĩa”, bác sĩ Hiệu nói.

Tết là thời gian người người quay về sum họp bên gia đình nhưng với những người xa quê như bác sĩ Hiệu luôn là thời gian phải ra đi. “Nhớ có năm trúng lịch trực mồng Hai Tết thì mồng Một phải bắt tàu xe vô lại Đà Nẵng để kịp ca trực. Không dễ gì trải qua cảm giác đó nhưng đã chọn nghề này thì phải chấp nhận”, bác sĩ Hiệu tâm sự.

Giao thừa với Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng là thời điểm bận rộn nhất nên hầu hết đội ngũ y bác sĩ của Trung tâm đều phải trực ở các trạm cấp cứu “vệ tinh”. Theo bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng thì đêm giao thừa số lượng người tham gia giao thông tăng đột biến nên các vụ tai nạn giao thông cũng tăng 25-30% so với ngày bình thường.

Ngoài ra không ít các vụ ẩu đả, đánh nhau sau khi vui chơi, tiệc tùng khiến tiếng còi cấp cứu của 115 luôn tất bật trên nhiều ngả đường thành phố. “Đêm giao thừa, Trung tâm có làm lễ cúng rồi soạn bánh mứt, hạt dưa cho mọi người chung vui. Thế nhưng năm nào cũng vậy, khi đồng hồ điểm 12 giờ đêm, nhìn lại trong phòng cũng chẳng còn ai vì mọi người đều phải theo xe cấp cứu hết cả rồi”, bác sĩ Hồng chia sẻ.

Với bác sĩ Hồng, hơn 20 năm vào nghề thì trực cấp cứu trong đêm giao thừa luôn là “chuyện bình thường”. Là người vợ, người mẹ nhưng chưa lần nào chị có cảm giác được quây quần bên chồng con trong thời khắc thiêng liêng nhất của năm để thắp nén nhang lên bàn thờ cầu mong bình an, tài lộc cho gia đình.

“Quen rồi” cũng là câu cửa miệng của không ít y bác sĩ ở Trung tâm Cấp cứu 115 khi chúng tôi hỏi về cảm giác đón giao thừa ở bệnh viện. Y sĩ Phan Thị Hữu đã 15 năm trực Tết ở Trạm cấp cứu Hải Châu chia sẻ nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong đêm giao thừa.

“Có trường hợp khi xe cấp cứu đến hiện trường nhưng nhiều người kiêng kị không cho đậu trước nhà nên chúng tôi phải cấp cứu ở giữa đường. Hầu như năm nào xe cấp cứu của 115 cũng “xông đất” Bệnh viện C Đà Nẵng”, chị Hữu nói.

Đón thiên thần nhỏ chào đời

Đến Bệnh viện Phụ - Sản Nhi trong đêm giáp Tết, chúng tôi bắt gặp không ít ánh mắt lo lắng, hồi hộp, chờ đợi của những ông chồng lần đầu tiên sắp được làm cha. Nhất là trong thời điểm giao thừa cận kề, họ cầu mong cuộc “vượt cạn” của vợ mình thành công để được nhìn mặt thiên thần nhỏ ngay khi vừa mới chào đời.

Với đội ngũ y bác sĩ, việc chào đón những đứa trẻ ra đời trong đêm giao thừa là thời khắc thiêng liêng, ngập tràn hạnh phúc. 28 năm theo nghề y, số lần đón giao thừa ở nhà của bác sĩ Doãn Thanh Tuấn, Phó Khoa Sản, Bệnh viện Phụ-Sản Nhi Đà Nẵng cũng rất hiếm hoi.

“Chúng tôi có may mắn hơn các bác sĩ khoa khác vì trong thời khắc giao thừa được đón những công dân mới cất tiếng khóc chào đời, được nhìn thấy nụ cười mãn nguyện của những ông bố bà mẹ. Các ca đỡ đẻ trong đêm giao thừa được “mẹ tròn con vuông” như báo hiệu cho một năm mới bình an, suôn sẻ đến với mọi người”, bác sĩ Tuấn chia sẻ.

Theo bác sĩ Tuấn, để đảm bảo các ca đỡ đẻ thành công, Khoa Sản đã chia thành 5 ca/ngày với số lượng 9-10 bác sĩ/ca trực Tết. Có bác sĩ nhiều năm liên tiếp trực đêm giao thừa nhưng vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ để đồng nghiệp ở xa được về quê ăn Tết.

Các bệnh viện tuyến dưới cũng tất bật trong đêm giao thừa khi chờ đợi để đón những đứa trẻ khỏe mạnh chào đời. Giao thừa với Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Sơn Trà năm nào cũng ấm cúng, tràn ngập tiếng cười. Ngoài việc chuẩn bị đầy đủ thuốc men, dụng cụ cho các ca trực của những ngày nghỉ Tết, Khoa sản còn chuẩn bị chế độ ăn dinh dưỡng hợp lý để bồi dưỡng những sản phụ ở lại bệnh viện trong dịp Tết.

Có hơn 20 năm khoác áo “blouse trắng”, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Lâm, Phó khoa Sản, không nhớ nhiều về không khí đón giao thừa ở nhà. Khi hỏi cảm xúc đón giao thừa ở bệnh viện, bác sĩ Lâm chia sẻ nhiều câu chuyện cảm động khi thực hiện các ca đỡ đẻ trong thời khắc đặc biệt của năm.

“Giúp các sản phụ sinh con theo ý nguyện trong đêm giao thừa để hưởng cái Tết trọn vẹn, chúng tôi rất hạnh phúc. Tiếng khóc oe oe của những thiên thần nhỏ khiến nhiều y bác sĩ quên đi nỗi buồn riêng tư trong thời khắc xa gia đình”, bác sĩ Lâm tâm sự.

Nhìn những ông bố âu yếm nựng con, những bà mẹ rạng ngời hạnh phúc, đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện như thấy ấm lòng trong đêm 30 Tết se sắt cái lạnh giao mùa.

Thời khắc đặc biệt của một năm đang đến gần nhưng đội ngũ y bác sĩ vẫn say sưa với công việc. Có người đang dở ca mổ… Có người đang chăm sóc bệnh nhân… Có người đang trực cấp cứu…. Mà lòng họ thì vẫn phơi phới niềm vui.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN

.