Chính trị - Xã hội
Trên những chuyến tàu Tết xa quê
ĐNĐT - “Mùa xuân đến sắc đào mai đua nở/ Vợ chồng ai dắt díu nhau lên tàu/ Lòng xao xuyến bỗng nhớ về quê mẹ/ Chắc giờ này đang ngóng đợi tin con…”
Dù ăn Tết xa nhà nhưng những người lái tàu vẫn hạnh phúc vì đem lại giây phút đoàn viên cho mọi gia đình. |
Nghe người thợ lái tàu đọc những vần thơ tâm sự của mình trong những ngày giáp Tết xa quê, lòng tôi bỗng dưng xao động. Khi nhà nhà, người người quây quần bên nồi bánh chưng, bánh tét, bên mâm cơm sum họp gia đình thì họ vẫn cần mẫn cầm “vô lăng” lái những chuyến tàu đi khắp dọc Bắc Nam.
Họ đã “hy sinh” chút tình riêng để đem lại niềm vui chung, quên đi nỗi buồn cá nhân để đem lại phút giây đoàn tụ cho mọi gia đình. Với họ, lái những chuyến tàu an toàn, đúng giờ mang lại cái Tết đoàn viên cho mọi người là niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời nay đây mai đó của người lính hỏa xa.
Nhịp cầu nối những bờ vui
Đến phân xưởng sửa chữa trong những ngày cận Tết mới thấy không khí làm việc tất bật của anh em công nhân Xí nghiệp Đầu máy Đà Nẵng. Họ đang gấp rút hoàn thành công đoạn cuối cùng để chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho những chuyến tàu phục vụ Tết Bính Thân 2016.
Với nhu cầu đi lại của người dân tăng đột biến thì Xí nghiệp đã phải triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an toàn cao nhất cho đội tàu khi mật độ các phương tiện giao thông đan xen dày dặc trong những ngày Tết.
“Tết thường là mùa làm việc cao điểm của anh em công nhân và đội ngũ lái tàu. Chúng tôi dường như tung ra hết toàn bộ đầu máy để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Có những lúc trong lòng nơm nớp nghĩ đến nồi bánh chưng ở nhà nhưng vì nhiệm vụ chung nên anh em luôn cố gắng hoàn thành tốt để đem lại niềm vui sum họp cho mọi gia đình”, ông Trương Văn An, Giám đốc Xí nghiệp Đầu máy Đà Nẵng chia sẻ.
Tiếng còi tàu đâu đó bỗng vang lên giữa sáng tháng Chạp se lạnh làm ngắt quãng cuộc nói chuyện của tôi với ông Giám đốc Xí nghiệp đầu đã điểm hoa râm. Theo như lời ông kể, để động viên tinh thần anh em thì trước Tết, Xí nghiệp Đầu máy Đà Nẵng đã làm lễ ra quân mời vợ con lái tàu đến chung vui như ngày xưa vua Quang Trung làm lễ ăn Tết Nguyên Đán trước khi dàn binh đánh trận.
Hiện Xí nghiệp đầu máy Đà Nẵng có 53 đầu máy thì có đến 50 đầu máy chạy Tết, quay vòng dài từ Đồng Hới (Quảng Bình) đến Diêu Trì (Bình Định). Theo Giám đốc An thì gần như 100% lực lượng của ngành đường sắt đều phải ra quân phục vụ những ngày cao điểm Tết. Điều đó có nghĩa là hơn 300 lái tàu, phụ tàu và gần 600 cán bộ, nhân viên ngành đường sắt sẽ phải chấp nhận ăn Tết xa gia đình.
Có gần 20 năm làm lính hỏa xa, kiện tướng lái tàu an toàn Đặng Hữu Sơn, Đội trưởng đội lái tàu số 4 vẫn không sao quên được cảm xúc bồi hồi trong những ngày đón Tết xa quê.
20 năm vào nghề cũng là chừng ấy cái Tết anh Sơn không được ở bên vợ con, cha mẹ để nâng nhau ly rượu Giao thừa mừng năm mới đến. Với anh Sơn, cái cảm giác “quen rồi” lấn át đi chút tình tư, nén lại bao nỗi buồn riêng để hòa chung niềm vui của hành khách sắp được đoàn tụ gia đình. Nhưng như lời anh tâm sự, cứ đến thời khắc Giao thừa, anh vẫn thấy có chút chạnh lòng, nhớ vợ con nơi quê nhà dù không nói ra thành lời.
“Đó cũng chỉ là cảm xúc nhất thời, một chiều của những người lái tàu ngày Tết xa gia đình. Khi nhìn những hành khách tay bồng tay bế, vợ chồng con cái dắt díu nhau về đón Tết, sum họp bên cha mẹ già, chúng tôi cũng vui lây”, anh Sơn cười.
Không ít lần đưa tàu về sân ga, chứng kiến cảnh mẹ già mừng mừng tủi tủi ra đón những đứa con xa quê, người vợ đón chồng làm ăn tứ xứ lâu ngày trở về, anh Sơn cũng như những người làm trong ngành đường sắt cảm thấy như đã làm điều gì đó mang lại hạnh phúc cho nhiều người. Buồn có, vui có, thậm chí có những người giấu đi giọt nước mắt chia xa thế nhưng nhịp cầu nho nhỏ mà ngành đường sắt nỗ lực “xây đắp” đã nối dài bến bờ vui cho hàng triệu con tim đang háo hức được sớm trở về chung vui bên gia đình.
Vào nghề chỉ có tình yêu
Không khí làm việc ở Phân xưởng sửa chữa những ngày cuối năm luôn tất bật. |
Tết Bính Thân 2016, Xí nghiệp Đầu máy Đà Nẵng nhận thêm 25 chàng “lính mới” để phụ lái tàu Tết. Những chàng trai 9X này sẽ lần đầu tiên đón Tết xa gia đình thế nhưng khi nói đến cái Tết xa quê, dường như ai cũng chấp nhận như là thử thách vào nghề.
“Em đến với nghề chỉ có tình yêu vì nghề này nay đây mai đó rất vất vả. Dù sao thì làm nghề mình yêu thích sẽ hay hơn làm trái nghề. Vì thế, Tết năm nay, em cùng với anh em đón Tết trên những chuyến tàu nhưng lòng vẫn chộn rộn niềm vui”, phụ lái tàu Hoàng Tấn Quốc chia sẻ.
Dường như với các chàng trai phụ lái tàu tuổi đời còn non trẻ này, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, họ đã biết vẽ ra trước mắt mình những chuyến tàu Tết xa quê để rồi tâm tưởng lúc nào cũng chuẩn bị sẵn sàng lên đường. Tương lai, các chàng trai sẽ là những người lái tàu tận tâm, tận lực với nghề, tiếp bước hành trang của những người đi trước để cùng nhau nối niềm vui đoàn tụ cho triệu triệu hành khách.
Đến Xí nghiệp Đầu máy Đà Nẵng trong những ngày cuối tháng Chạp, cái se lạnh của những ngày cuối đông dường như không ngăn nổi nụ cười vẫn luôn nở trên môi anh em lái tàu, phụ tàu và công nhân sửa máy. Tiếng búa gõ, tiếng máy hàn, tiếng máy khoan dồn dập vang inh ỏi, xua tan bớt cái lạnh cuối mùa.
Tôi nghe đâu đó câu chuyện của một vài anh em lái tàu bàn tán nhau nhận tiền thưởng Tết gửi về quê cho vợ con để sắm sửa áo quần, bánh mứt. Có những chàng trai trẻ vừa mới cưới vợ được vài tháng nhưng cũng hăng hái lên đường, sẵn sàng đảm nhận chạy tàu trong thời điểm Giao thừa.
15 năm lái tàu Tết, với anh Ngô Anh Phương, Chủ tịch Công đoàn Đội lái tàu số 5 là khoảng thời gian đáng nhớ và nhiều cảm xúc. Khi nghe tiếng đài radio điểm ngược thời khắc năm mới sắp đến, anh Phương cùng đội tàu như lặng đi.
Không ai nói ai, họ nhìn nhau qua màn đêm Giao thừa rồi kéo tiếng còi tàu để “tống cựu nghênh xuân”. Tiếng còi tàu đã xua tan nỗi nhớ nhà, xua tan nỗi chạnh lòng trong thời khắc xa gia đình. Anh em lái tàu cùng nhân viên phục vụ hòa chung niềm vui, cùng nhau chúc Tết hành khách đi trên chuyến tàu đặc biệt, cảm giác họ như là những người thân trong đại gia đình.
Lời tâm sự của anh Phương cũng là nỗi lòng chung của cả ngành đường sắt, những người không bao giờ có cái Tết của riêng mình nhưng làm nhiệm vụ trong những ngày đặc biệt, họ vẫn luôn thấy không khí Tết phảng phất đâu đây. Phải chăng trong giọt nước mắt của người mẹ già, trên nụ cười của người vợ, trong cái ôm thật chặt của người cha, trong túi hành lý nặng trịch quà bánh của những người xa quê, không khí Tết đến xuân về đã len lỏi khắp sân ga.
Tiếng còi tàu lại rúc lên ở Phân xưởng sửa chữa. Một chiếc đầu máy đã hoàn thành công đoạn kiểm tra cuối cùng, chuẩn bị cho ra xưởng để chạy chuyến tàu Tết. Chỉ còn vài ngày nữa thôi, Tết Bính Thân 2016 sẽ đến. Khi nhà nhà chia nhau niềm vui sum họp thì những chuyến tàu vẫn còn lăn bánh trên đường ray. Bỏ lại sau lưng bao nỗi buồn riêng tư, những người làm trong ngành đường sắt vẫn phấn khởi hòa chung với không khí đón Tết trên những chuyến tàu đi khắp mọi miền quê hương.
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN