Chính trị - Xã hội

90 năm Ngày mất của Phan Châu Trinh (24-3-1926 – 24-3-2016)

Phan Châu Trinh, nhà cách mạng chính trị đầu tiên ở nước ta

07:58, 23/03/2016 (GMT+7)

Cuối thế kỷ XIX, triều đình nhà Nguyễn lùi hết bước này đến bước khác, đầu hàng thực dân Pháp. Nhưng ở khắp ba miền các cuộc khởi nghĩa chống xâm lăng do các sĩ phu yêu nước lãnh đạo vẫn liên tiếp nổ ra và tất cả đều thất bại, đều bị dìm trong máu. Các cuộc tranh đấu ấy có hai đặc điểm:

- Tất cả đều nêu cao ngọn cờ Cần Vương, không có một ý tưởng mới nào ra khỏi khuôn khổ “tôn quân thảo tặc”.

- Hầu như - tất cả - những người lãnh đạo các cuộc khởi nghĩa đều biết mình sẽ thất bại nhưng họ không nao núng không run sợ, đều thung dung tựu nghĩa. Tiêu biểu là Nguyễn Duy Hiệu. Nghĩa hội do ông lãnh đạo xây dựng căn cứ, lập nên tân tỉnh (một chính quyền ở vùng nghĩa quân làm chủ) quân Pháp và tay sai phải chịu nhiều tổn thất mới đánh bại được.

Nguyễn Duy Hiệu bị bắt, bị nhốt trong cũi, trên đường ra pháp trường ông vẫn ung dung làm thơ. Bài thơ tuyệt mệnh ấy có câu “Tây nam vô địch xích đồng tri” (Quân Tây là vô địch, điều ấy đến đứa trẻ cũng biết).

Trong bối cảnh đen tối, sự nghiệp cứu nước chưa có lối ra ấy, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp (được gọi là bộ ba Quảng Nam) ở vào độ tuổi tam thập nhi lập, đều là những người nổi tiếng thông minh, học giỏi, đều đỗ đại khoa, cùng chung nhiệt huyết yêu nước, ý chí cứu nước đã đến với tân thư.

Những sách của các nhà cách mạng tư sản dân quyền Pháp (Rousseau, Mong - tesquieu) sách của các nhà duy tân Trung Quốc Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, sách về công cuộc duy tân của Minh Trị ở Nhật đã thức tỉnh họ, xoay chuyển cuộc đời họ.

Huỳnh Thúc Kháng viết “đồng nội mịt mù, đêm dài dằng dặc, bỗng gà hàng xóm gáy lên một tiếng, quần chúng tỉnh mộng. Tân thư vào nước ta, học giới nước ta, sẵn có tư tưởng quốc gia, đọc sách báo trên như trong buồng tối thấy tia sáng lọt vào. Những học thuyết mới, cạnh tranh sinh tồn, nhân quyền tự do như một tiếng nổ đùng có sức kích thích mạnh nhất vào tâm não người Việt Nam ta”.

Phan đã ngộ ra “từ nhiều thế kỷ (nay) người phương Tây đã đạt được sự phát triển lớn lao” (Hiện trạng vấn đề. Phan Châu Trinh toàn tập 2 trang 70) và còn thấy “Cái thế kỷ 20 này chính là cuộc đời của người văn minh cùng người bán khai đương ganh đua lập bước sinh tồn” (SĐD trang 85). Nói theo ngôn ngữ hiện đại các nước phương Tây phát triển cao hơn nước ta và chúng ta lại buộc phải ở trong cuộc cạnh tranh toàn cầu cùng với họ, không né tránh được.

Đi Nhật Bản, quan sát thực tiễn ông nhận xét “Xem dân trí Nhật Bản rồi đem dân trí ta ra so sánh, thật không khác gì muốn đem con gà con đọ với con cắt già”.

Phan Châu Trinh và các đồng chí là những người đầu tiên dựa vào so sánh lực lượng giữa ta và các nước phương Tây để giải thích nguyên nhân, ta thua Pháp và mất nước.

Học giả Hoàng Xuân Hãn cho rằng “Các cụ đã thấy rõ nguyên nhân sâu xa đưa đến mất nước bị đô hộ ngày càng khốc liệt là sự thua kém của xã hội ta so với phương Tây”.

Nhìn nhận hiện trạng, phân tích nguyên nhân, Phan đã chỉ ra những lực cản lớn nhất trong việc tự lập tự cường làm cho mình mạnh lên đặng thay đổi so sánh lực lượng đó là “Cái độc chuyên chế cùng cái hủ của nhà nho ta thành chứng bệnh bất trị mà học thuyết tự do dân quyền Âu tây, chính là vị thuốc đắng để chữa bệnh đó”.

Rõ ràng không phải Phan không thấy kẻ thù, đối tượng chính của cách mạng Việt Nam lúc này là thực dân Pháp và bọn vua quan phong kiến tay sai, Phan chủ trương “xướng minh nhân quyền, đả phá chuyên chế”, cũng là nhằm vào kẻ thù đó và cũng là để chữa trị quốc bệnh trầm kha đó.

Trong hoàn cảnh ấy muốn giữ thế hợp pháp để tồn tại mà đấu tranh không thể nói thẳng đánh đổ thực dân phong kiến.

Cái độc chuyên chế mà Phan lên án chính là ách đô hộ khốc liệt của thực dân Pháp, trong đó có việc duy trì sử dụng hệ thống chính trị phong kiến làm công cụ cai trị và các chính sách đàn áp, bóc lột, ngu dân và cả thái độ hành xử tồi tệ của thực dân Pháp.

Cái độc chuyên chế, ách đô hộ khốc liệt của thực dân Pháp đã bị Phan lên án rất cụ thể, đanh thép. Cần lưu ý là Phan luôn giữ thế hợp pháp trong đấu tranh với thực dân. Phan dựa vào luật lệ, những tuyên bố của chúng để đưa ra những đòi hỏi, kiến nghị (Đương nhiên để giữ thế hợp pháp, cũng có khi vì cá tính và văn phong, trong các bài nói và viết của Phan chúng ta cũng gặp phải những chi tiết “chối tai” hoặc “lấy làm khó nghĩ”).

Có thể nói qua các trước tác và cuộc đời Phan nét cơ bản, nổi trội và xuyên suốt là một lòng yêu nước thiết tha, một tinh thần xả thân vì nước cao cả, một ý chí chống thực dân phong kiến quyết liệt.

“Phan nêu cao vấn đề chống triều đình Huế lên hàng đầu vì nó là tay sai đắc lực và chỗ dựa cho thực dân. Phan biết rõ là phải lật đổ Pháp mới khôi phục được độc lập, nhưng động trực tiếp đến Pháp thì không còn giữ được thế đấu tranh hợp pháp, bất bạo động nữa nên Phan phải buộc lòng chủ trương lật đổ chế độ tay sai trước chứ đâu phải Phan mơ hồ như một số học giả lầm tưởng”. (Hoàng Xuân Hãn)

Nguyễn Văn Xuân cũng đánh giá “Phan có sự uyển chuyển của một chính trị gia và giàu mưu lược chính trị hơn bất kỳ những người đương thời nào”.

Phan lên án cái hủ của nhà nho. Vì nó cũng vô cùng nguy hại cho sự nghiệp giải phóng, chấn hưng dân tộc. Nhà nho, sĩ phu là tầng lớp trí thức, tinh hoa của đất nước, họ mà thối nát lạc hậu thì xã hội dân tộc làm thế nào có năng lực trí tuệ, tư duy để vươn lên, mưu việc lớn.

Phan không những chỉ rõ sự hủ bại, lạc hậu của giới sĩ phu lúc ấy mà còn đau xót phê phán những người “bụng không một hột gạo mà nói chuyện thi thư, tay không một đồng mà tự xưng Khổng Mạnh”. Hiện tượng đáng sợ ấy, sau này được gọi là phép thắng lợi tinh thần, là chủ nghĩa A.Q một cống hiến quan trọng của Lỗ Tấn.

Những nhận định, những kiến giải của Phan Châu Trinh về hiện tình đất nước, về những căn bệnh của xã hội ta lúc đó và những giải pháp chữa trị đều xuất phát từ sự nghiên cứu sâu sắc cụ thể thực tiễn, có vận dụng những tư tưởng tiến bộ của thời đại và những kiến thức kinh nghiệm lịch sử thế giới với một tầm nhìn xa, một tư duy độc lập sắc sảo.

Về cơ bản những nhận định, những kiến giải ấy là xác đáng.

Tuy nhiên những nhận định, những kiến giải, những ý tưởng mới mẻ đúng đắn không nhất thiết sẽ được thực hiện thành công trong thực tiễn. Trong trường hợp Phan và cuộc vận động duy tân đầu thế kỷ XX, tuy mục đích cuối cùng chưa đạt đuợc nhưng rõ ràng tư tưởng duy tân, cuộc vận động duy tân mau chóng đi vào đông đảo quần chúng và đã trở thành một phong trào cách mạng của quần chúng.

(Còn nữa)

Nguyễn Đình An

.