Chính trị - Xã hội
"Thủ tướng đã nỗ lực cao nhất"
Sáng 22-3, sau Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày báo cáo tổng kết nhiệm kỳ trước Quốc hội, trong phiên họp được truyền hình trực tiếp.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội sáng 22-3 - Ảnh: Tuổi trẻ |
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nỗ lực lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành triển khai thực hiện đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, người đứng đầu Chính phủ khẳng định.
Đã nỗ lực cao nhất
Trong quản lý kinh tế xã hội, Thủ tướng khái quát, cá nhân ông và Chính phủ đã điều hành chủ động, linh hoạt và phối hợp giữa các chính sách để kiểm soát tốt lạm phát, cơ bản ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và đạt mức tăng trưởng khá cao trong 5 năm 2011-2015.
Bảo đảm mặt bằng lãi suất phù hợp và vốn tín dụng cho nền kinh tế. Quản lý hiệu quả tỷ giá, thị trường vàng, ngoại tệ và bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam cũng được coi là kết quả nổi bật của cả nhiệm kỳ.
Chính phủ cũng đã tích cực triển khai kế hoạch thực hiện và đề xuất 82 dự án luật, pháp lệnh cần sửa đổi hoặc xây dựng mới để thi hành Hiến pháp 2013.
Về lĩnh vực đối ngoại, Thủ tướng nói, trước tình hình diễn biến phức tạp ở biển Đông, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng đã khẳng định rõ lập trường và chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, được đồng bào ta trong và ngoài nước, cộng đồng quốc tế đồng tình ủng hộ.
Trong hoạt động, Chính phủ, Thủ tướng luôn tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, kết hợp trách nhiệm của tập thể với đề cao trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng và của từng thành viên Chính phủ, chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo của Đảng, các quy định của Hiến pháp, pháp luật; thống nhất quản lý thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại, Thủ tướng khẳng định.
Báo cáo cũng nêu rõ, Thủ tướng đã nỗ lực cao nhất để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.
“Thiếu tầm nhìn dài hạn”
Trước Quốc hội, người đứng đầu Chính phủ cũng nhìn nhận những hạn chế, yếu kém trong nhiệm kỳ qua.
“Năng lực dự báo còn hạn chế nên việc xây dựng mục tiêu, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội còn chưa phù hợp; một số cơ chế, chính sách còn thiếu tầm nhìn dài hạn, tính khả thi chưa cao và phản ứng chính sách trong một số trường hợp chưa thật kịp thời” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Theo Thủ tướng, sự phối hợp chính sách và chỉ đạo điều hành trong thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế chưa thật đồng bộ, có mặt hiệu quả chưa cao.
Việc bảo đảm cân đối thu chi ngân sách nhà nước có mặt còn hạn chế, chậm khắc phục tình trạng thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá và những bất hợp lý trong cơ cấu chi ngân sách, quản lý một số khoản chi chưa chặt chẽ, vẫn còn nhiều lãng phí.
Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, quản lý sử dụng vốn vay ở một số dự án còn kém hiệu quả, khắc phục còn chậm. Thiếu nguồn lực và cơ chế chính sách hiệu quả để xử lý nhanh hơn nợ xấu và nâng cao chất lượng tín dụng.
Việc phát triển thị trường trong nước, khai thác thị trường ngoài nước, nhất là những thị trường đã có Hiệp định thương mại tự do, đấu tranh với những rào cản thương mại quốc tế hiệu quả chưa cao.
Công tác quản lý thị trường, giá cả, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả còn nhiều hạn chế.
Chậm sửa đổi, bổ sung và thiếu những cơ chế chính sách đủ mạnh để huy động, sử dụng hiệu quả cao nhất các nguồn lực và tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, thu hút đầu tư ngoài nhà nước.
Tăng trưởng kinh tế còn chưa tương xứng với tiềm năng. Năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh còn thấp, cải thiện còn chậm. Năm 2015 tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2008 nhưng bình quân cả nhiệm kỳ vẫn chưa đạt kế hoạch.
Việc thực hiện các đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh nguồn nhân lực gắn với phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nhiều mặt còn hạn chế. Môi trường đầu tư kinh doanh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
BT (tổng hợp)