.
CÁC TRUNG TÂM BẢO TRỢ TRẺ EM TẠI ĐÀ NẴNG: MẠNH AI NẤY LÀM!

Bài 1: Giật gấu vá vai

.

Dù “không dám kêu ca”, xác định làm từ thiện là tự nguyện, nhưng các trung tâm, mái ấm nuôi dưỡng trẻ bất hạnh trên địa bàn Đà Nẵng đang đau đầu tìm cách tháo gỡ những khó khăn về tài chính và các hoạt động liên quan trực tiếp chuyện ăn, ở và chuyện giáo dục trẻ.

Cơ sở dạy nghề của Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố đóng cửa từ vài năm nay.
Cơ sở dạy nghề của Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố đóng cửa từ vài năm nay.

Dòng tiền tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ giảm dần khiến các trung tâm bảo trợ trẻ em rơi vào thế khó. Bên cạnh đó, việc đưa trẻ về sống tập trung cũng không dễ bởi hầu hết trẻ em trên địa bàn Đà Nẵng không khó khăn đến mức phải rời gia đình vào các trung tâm từ thiện để sinh sống.

Bởi vậy, các trung tâm bảo trợ trẻ em đành “giật gấu vá vai” cho đủ chi phí trang trải và bằng mọi cách tìm đủ số trẻ cần, kể cả ở các tỉnh, thành lân cận.

Làng Hy Vọng có còn... hy vọng?

Chưa tính những cơ sở tự phát và nhà chùa, riêng các trung tâm bảo trợ trẻ em bất hạnh (có cơ quan chủ quản, hoặc đặt dưới sự giám sát của Sở LĐ-TB&XH thành phố), trên địa bàn Đà Nẵng hiện có 10 cơ sở ngoài công lập và 1 cơ sở công lập đang nuôi dưỡng tập trung 582 trẻ em thiệt thòi, bất hạnh.

Nếu Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố Đà Nẵng (tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) là cơ sở công lập duy nhất, được ngân sách Nhà nước bao cấp, thì 10 trung tâm ngoài công lập còn lại đều hoạt động theo phương thức tự chủ, tự trang trải và tự quyết định. Thực tiễn có 2 vấn đề lớn nảy sinh tại các cơ sở này, gồm vấn đề liên quan đến kinh phí hoạt động và số lượng trẻ nuôi tập trung.

Nhiều năm qua, kinh phí duy trì hoạt động các trung tâm chủ yếu từ nguồn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, các nhà tài trợ đang cắt giảm dần nguồn hỗ trợ, bởi Việt Nam đã thoát khỏi nước nghèo.

Cuối năm 2015, Đông Tây hội ngộ, một tổ chức phi chính phủ đồng hành với Làng Hy vọng suốt 22 năm qua, chính thức gửi thư thông báo, nêu rõ nguồn tiền hỗ trợ cho Làng sẽ bị cắt kể từ tháng 6-2016; rằng do tình hình kinh tế toàn cầu khó khăn, việc vận động tài trợ hạn chế nên không thể tiếp tục đồng hành với Làng Hy vọng.

Trước đây, mỗi năm, tổ chức Đông Tây hội ngộ tài trợ cho Làng Hy vọng hơn 30.000 USD (660 triệu đồng). Số tiền này giúp Làng nuôi dạy 113 em nhỏ và trả lương cho cán bộ, nhân viên. Bên cạnh đó, Làng Hy vọng còn có 2 nhà tài trợ khác là Hội Phụ nữ dân chủ Nhật Bản và Công ty TNHH quốc tế Unilever Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà tài trợ đều cho biết, trong tương lai gần, nguồn kinh phí dành cho Làng có thể sẽ giảm hoặc không còn.

Ông Trần Chí Thành, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ Phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng - đơn vị chủ quản của Làng Hy vọng chia sẻ: Do nguồn tài trợ bị cắt giảm, trong năm 2016, kinh phí hoạt động của Làng Hy vọng thiếu hụt hơn 300 triệu đồng.

Trước mắt, Làng phải chủ động đứng ra kêu gọi các tổ chức từ thiện, cá nhân hảo tâm khác chung tay giúp đỡ, nuôi dạy các em. Nếu kêu gọi hỗ trợ thường xuyên khó quá thì phải tận dụng tất cả các khoản tài trợ không thường xuyên, miễn sao 113 em vẫn được duy trì ăn uống, học hành.

Khi Làng đã cố hết sức mà không thể vận động đủ, cơ quan chủ quản là Hội Bảo trợ Phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng sẽ tìm cách bù đắp.

Nhiều nơi eo hẹp tài chính

Không riêng Làng Hy vọng, việc thiếu kinh phí còn khiến một số trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật, bất hạnh khác trên địa bàn Đà Nẵng phải đóng cửa một số cơ sở chi nhánh, trong đó Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố là một ví dụ.

Được thành lập từ năm 1991, Trung tâm tiếp nhận trẻ em lang thang, cơ nhỡ Đà Nẵng và cả trẻ em từ các địa phương khác đến mưu sinh. Trong giai đoạn đầu hoạt động, Trung tâm có 5 nhà, với 150 em, tương đương 30 trẻ/nhà.

Đến năm 2013, nhà số 1 không còn nguồn tài trợ nên phải đóng cửa; trong khi đó, nhà số 2 ở đường Lê Văn Hưu (quận Ngũ Hành Sơn) chỉ nuôi 12 em, thay vì 30 em như trước đây vì không đủ tiền trang trải.

Trung tâm còn có một trường dạy nghề dành cho trẻ em lang thang, không nơi nương tựa được thành lập từ năm 2001 tại số nhà 27 Dương Thị Xuân Quý (quận Ngũ Hành Sơn) với các nghề thêu, may, vi tính, điện, nước... Ngoài học nghề miễn phí, mỗi trẻ còn được hỗ trợ 200.000 đồng/tháng. Song, đến năm 2014, vì không có tiền trang trải, trường buộc phải đóng cửa, cho thuê cơ sở vật chất.

Với các hội khác, dù nguồn kinh phí hoạt động cho 2-3 năm tới tạm đủ nhưng không thể khẳng định “tuổi thọ” các mái ấm sẽ như thế nào. Ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi thành phố Đà Nẵng, trụ sở chính tại 548 Trần Cao Vân chia sẻ: Mỗi năm, Hội vận động và chi gần 3 tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện. Năm 2016, mục tiêu của Hội là kêu gọi khoảng 3 tỷ đồng, ưu tiên nuôi trẻ sơ sinh.

Đến nay, công tác vận động ổn định, nhưng nguồn tài trợ chủ yếu của Hội nhiều năm qua là từ các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực nhận con nuôi ở nước ngoài. Trước đây, bên cạnh lệ phí nhận con nuôi, các tổ chức nhận con nuôi nước ngoài còn kết hợp hỗ trợ nhiều hoạt động khác, tạm gọi là các chương trình nhân đạo đi kèm.

Nhưng nay theo luật mới, các tổ chức nhận con nuôi không được tài trợ trực tiếp cho nơi nuôi trẻ. Trong khi đó, đối với trong nước, người nhận trẻ làm con nuôi không có nghĩa vụ tài chính; việc Hội nhận hỗ trợ trở lại là sai luật nên nguồn hỗ trợ từ việc trao con nuôi không còn.

Ngoài ra, ông Long cũng cho rằng, về mặt khách quan, Đà Nẵng có nhiều tổ chức hoạt động nhân đạo hoặc hoạt động mang tính nhân đạo từ thiện nên nguồn vận động phần nào bị san sẻ.

“Cọc tìm trâu”

Một vấn đề khác bên cạnh chuyện tài chính, đó là hoạt động nuôi dưỡng tập trung không còn là mô hình tối ưu trong tình hình đời sống xã hội ngày càng ổn định và đi lên. Hầu hết các trung tâm nuôi dạy trẻ bất hạnh ở Đà Nẵng đang giảm số lượng trẻ có nhu cầu được vào sinh sống tập trung.

Cụ thể, trước đây, Làng Hy Vọng nuôi 200 em, sau giảm còn 150 em và nay là 113 em. Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố cao điểm có 150 em, nay còn 95 em...

Một lý do quan trọng khiến số trẻ sống tập trung tại các cơ sở từ thiện giảm là đời sống xã hội khá dần lên, nhà nào còn “giật gấu vá vai” để nuôi con, cháu được thì không để trẻ rời xa gia đình. Vì vậy, các trung tâm cử người vào Quảng Nam và một số tỉnh lân cận tìm kiếm, vận động. Nhiều cơ sở do đó chỉ có 50% trẻ em Đà Nẵng, còn lại là trẻ đến từ các tỉnh, thành phố khác.

Thông thường mùa tuyển sinh tại các trung tâm diễn ra vào thời điểm gần bước vào năm học mới, tức khoảng tháng 6, tháng 7 hằng năm. Đó là lúc có nhiều trẻ đủ tuổi trưởng thành ra khỏi mái ấm và trống chỗ cho trẻ mới vào.

Tuy nhiên, đến nay, ngay thời điểm này, thầy cô các trung tâm rục rịch đi tìm trẻ. Cô Nguyễn Thị Minh Lành, Phó Giám đốc các mái ấm thuộc Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố cho hay, hiện nay, việc về quê (khu vực ngoại thành Đà Nẵng) tìm trẻ hơi khó. Không chờ các gia đình tự tìm đến Hội, các cô phải chủ động nghe ngóng thông tin, biết hoàn cảnh đặc biệt nào là chủ động đến nhà xác minh.

Về lý do khó chiêu sinh, cơ sở dạy nghề phải đóng cửa, ông Phạm Sỹ Mẫn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng cho rằng, so với khoảng chục năm về trước, kinh tế - xã hội đã thay đổi mạnh mẽ, đối tượng học nghề cũng thay đổi. Các cháu có nhiều nơi để lựa chọn học nghề phù hợp với nguyện vọng, dễ kiếm việc làm và nâng cao thu nhập tốt hơn.

        Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ - THU HOA
 

 

;
.
.
.
.
.