.
Chuyện tổ, chuyện thôn

Tiếp đà Chỉ thị 43

.

Bà Lê Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang), báo tin với chúng tôi rằng, mô hình “3 không” ở xã Hòa Bắc được thành phố đánh giá cao, là mô hình tiêu biểu thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” theo Chỉ thị 43-CT/TU của Thành ủy.

Mô hình “3 không” ở thôn Phò Nam (xã Hòa Bắc) gồm: không dàn nhạc; không rượu bia, thuốc lá; không hạt dưa. Một xã miền núi nằm xa nhất trung tâm thành phố về phía Tây Bắc vốn còn nhiều phong tục, tập quán đậm chất thôn quê ấy nhưng đã xây dựng và áp dụng thành công mô hình xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.

Việc hưởng ứng chủ trương xây dựng “Năm văn hóa, văn minh đô thị” đã đưa bộ mặt thôn Lộc Mỹ, một thôn xa trung tâm của xã, từng nổi tiếng với tên gọi “xóm hoàn lương”, trở nên văn hóa, văn minh, môi trường sạch đẹp; đời sống người dân ngày càng tiến bộ.

Ông Nguyễn Văn Sáu, Trưởng thôn Lộc Mỹ cho biết, bên cạnh thực hiện Chỉ thị 43 của Thành ủy về xây dựng “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, Hòa Bắc nói chung và Lộc Mỹ nói riêng còn đưa nội dung này vào việc xây dựng nông thôn mới. Quá trình tuyên tuyền được chú trọng, đẩy mạnh và ngày càng nâng cao chất lượng. “Năm 2015 thực hiện tốt “Năm văn hóa, văn minh đô thị” là đòn bẩy quan trọng, tạo đà cho năm 2016 tiếp tục gặt hái những thành quả mới. Ngay bản thân tôi cũng không thể đứng chỉ tay 5 ngón mà dân nghe…”, ông Sáu nói.

Khác với điều kiện, hoàn cảnh ở thôn Lộc Mỹ, TDP 49 phường Nam Dương (quận Hải Châu) ngoài thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm chung trong xây dựng “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, thì nét riêng ở đây là chăm lo đời sống cho người già neo đơn và công tác tuyên truyền đến người dân một cách thiết thực. Ông Đoàn Kim Bê, Tổ trưởng TDP 49 chia sẻ: “Ở KDC chúng tôi có người già neo đơn, sau nhiều năm được KDC chăm sóc chu đáo, đến ngày cụ mất, KDC cũng lo toan mọi vấn đề để cụ về cõi vĩnh hằng ấm lòng”.

Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội ở khu vực này cũng luôn được quan tâm, gìn giữ. Sắp tới sẽ cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho hộ nghèo trong tổ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Đối với vệ sinh môi trường, thường xuyên nhắc nhở người dân đổ rác đúng giờ quy định. “Thực ra, việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị đã có từ lâu.

Tuy vậy, Chỉ thị 43 của Thành ủy ban hành và được áp dụng đã cho ra đời nhiều mô hình mới, tiêu biểu là sự cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của thành phố. Từ việc cụ thể hóa bằng nghị quyết, công tác tuyên truyền và thực hiện của người dân cụ thể, thường xuyên hơn.

Ban đầu, khi tổ chức tuyên truyền, người dân vẫn còn rất mơ hồ, nhưng khi đi vào từng công việc, nhiệm vụ cụ thể thì họ hiểu, rồi thực hiện, dần dần nắm rõ và nâng lên thành ý thức, thành nếp nghĩ quen thuộc. Phải làm liên tục, không thực hiện kiểu “đánh trống bỏ dùi” thì mới có hiệu quả dài lâu. Đó cũng là điều mà người dân hoan nghênh khi thành phố tiếp tục thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2016”.

Dẫu vậy, ở khu vực xa xôi Tân Trà, phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn), “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” làm thay đổi nhiều đối với đời sống người dân; đáng kể nhất là họ đã có nước sạch sau gần 10 năm ngóng đợi, có đường thảm nhựa sạch đẹp, thoáng đãng, khiến cuộc sống được cải thiện rõ rệt.

Song, ông Huỳnh Văn Sáu, Tổ trưởng TDP 127 cho rằng, vẫn còn nhiều việc phải làm để nâng tầm “Năm văn hóa, văn minh đô thị” lên nữa. “Nếp sống văn hóa, văn minh của người dân đã dần hình thành, nhưng tại KDC chúng tôi ở, ngay nhà họp KDC chưa có, khu công viên cho trẻ em trong khu vực bị cỏ dại xâm hại. Như thế thì chưa thể nói là văn hóa, văn minh trọn vẹn được”.

TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.