Chính trị - Xã hội

Mở rộng quyền bầu cử của công dân

11:12, 25/03/2016 (GMT+7)

Hiến pháp năm 2013 đề cao quyền con người, trong đó có quyền bầu cử. Đây là một trong những điểm nhấn được xã hội đánh giá rất cao, nhất là khi những quy định mới về quyền bầu cử được áp dụng trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Quyền bầu cử của công dân được mở rộng. Trong ảnh: Cử tri xã Hòa Bắc trực tiếp bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.  (Ảnh tư liệu)
Quyền bầu cử của công dân được mở rộng. Trong ảnh: Cử tri xã Hòa Bắc trực tiếp bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. (Ảnh tư liệu)

Quyền bầu cử là quy định của pháp luật về khả năng của công dân thực hiện quyền lựa chọn người đại biểu của mình ở cơ quan quyền lực Nhà nước. Quyền bầu cử bao gồm việc đề cử, giới thiệu người ứng cử và bỏ phiếu, tức là quyền chủ động trong lựa chọn của công dân.

Công dân nước Cộng hòa XHCN Việt Nam không phân biệt dân tộc, nam/nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử.

Về các nội dung liên quan đến pháp luật về bầu cử, luật sư Đỗ Pháp, Trưởng Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp cho hay, quy định hiện hành đã mở rộng quyền bầu cử của cử tri so với trước đây. Với tinh thần ấy, những trường hợp cấm, không được ghi tên vào danh sách cử tri đã được ghi rõ vào luật.

Cụ thể, đó là những người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự (Điều 30, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND).

Cử tri là công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về nước trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, nếu xuất trình hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam tại nơi đăng ký tạm trú thì được tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.

Công dân đủ 18 tuổi trở lên, đủ năng lực hành vi dân sự, bị tòa án kết án tù nhưng được hưởng án treo, nếu không bị tước quyền bầu cử (trong bản án không ghi bị mất quyền bầu cử) vẫn có quyền bầu cử và được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi mình cư trú để tham gia bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND theo quy định của pháp luật.

Theo quy định, bầu cử trực tiếp là việc cử tri trực tiếp đi bầu cử, tự bỏ lá phiếu của mình vào hòm phiếu để lựa chọn người đủ tín nhiệm vào cơ quan quyền lực Nhà nước. Cử tri không được nhờ người khác bầu hộ, bầu thay hoặc bầu bằng cách gửi thư.

Trường hợp cử tri không thể tự viết phiếu bầu thì có thể nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu. Nếu vì tàn tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu; cử tri do ốm đau, già yếu, tàn tật không thể đến phòng bỏ phiếu thì tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và bầu.

Theo quy định, nguyên tắc bỏ phiếu kín bảo đảm cho cử tri tự do lựa chọn người mình tín nhiệm mà không bị tác động bởi những điều kiện và yếu tố bên ngoài. Do vậy, cử tri bầu ai, không bầu ai đều được bảo đảm bí mật. Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được đến gần, kể cả cán bộ, nhân viên các tổ chức phụ trách bầu cử; không ai được biết và can thiệp vào việc viết phiếu bầu của cử tri.

Cử tri viết phiếu bầu trong buồng kín và bỏ phiếu vào hòm phiếu. Nguyên tắc phổ thông thể hiện tính toàn dân và toàn diện trong bầu cử, bảo đảm để mọi công dân không phân biệt dân tộc, nam, nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền tham gia bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật.

Yêu cầu của nguyên tắc này là Nhà nước phải bảo đảm để cuộc bầu cử thực sự trở thành một cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn, tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền bầu cử của mình, bảo đảm tính dân chủ, công khai và sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân. Việc bầu cử đại biểu Quốc hội ở nước ta được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Đó cũng là những tư tưởng chỉ đạo trong việc tổ chức bầu cử, thể hiện bản chất dân chủ của Nhà nước ta. Các nguyên tắc này thể hiện tính chặt chẽ, thống nhất và xuyên suốt trong toàn bộ quá trình tiến hành bầu cử, bảo đảm cho cuộc bầu cử khách quan, dân chủ, thể hiện đúng nguyện vọng của cử tri khi lựa chọn. Nguyên tắc bầu cử yêu cầu phải quy định rõ quyền và trách nhiệm của cử tri trong bầu cử, trách nhiệm của Nhà nước phải bảo đảm các quy định về bầu cử.

Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp tổ chức vào ngày 22-5 tới đây, những nội dung mới về quyền bầu cử ấy cần được cử tri tiếp nhận và vận dụng một cách hiệu quả nhất.

Việt Dũng

.