Chính trị - Xã hội

Tình người chan chứa

08:36, 12/03/2016 (GMT+7)

“Ngôi nhà này tôi dành cho trẻ em da cam, nhưng quan trọng hơn, tôi muốn dành cho các bà mẹ từng đi qua quá nhiều nhọc nhằn, giờ có thể được tựa lưng lấy sức”, ông Harold Chan, tỷ phú người Singapore, bày tỏ trong buổi khánh thành khu nhà nội trú chăm sóc trẻ bại liệt thuộc Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng vào sáng 9-3.

Chị May bên 2 con bại liệt.  										           Ảnh: THU HOA
Chị May bên 2 con bại liệt. Ảnh: THU HOA

Vẫn điềm tĩnh, nhẹ nhàng, ông Chan nói tiếp: “Tất cả chúng ta đều có chung một con đường đến với thế giới này là thông qua các bà mẹ. Nhưng mẹ chúng ta nuôi con không khó khăn như các bà mẹ có con bị bại liệt do di chứng chiến tranh. Cuộc đời làm mẹ của họ có đến 30, 40 năm không tròn giấc và tương lai là chuỗi ngày vất vả chưa biết sẽ ra sao…”.

Đúng như ông Chan chia sẻ, đến ngôi nhà mới tinh này, chúng tôi được gặp lại những bà mẹ mà trong gần 10 năm qua, Báo Đà Nẵng từng được tiếp xúc và viết về câu chuyện của họ với bao buồn thương, nước mắt. Giờ những khổ đau vẫn còn đấy, nhưng các bà, các chị phần nào đã bớt cô độc trên hành trình theo con…

Chuyện các mẹ

Thật mừng khi lại được thấy mẹ Thê gần 80 tuổi vẫn khỏe mạnh và còn đủ sức… gồng gánh 2 đứa con 40 tuổi. Không thể quên hình ảnh bà Hoàng Thị Thê cách đây 8 năm, lúc chúng tôi lần đầu tiên đến nhà bà ở tổ 16, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ (“Mẹ mênh mông biển trời” - bài viết trên Báo Đà Nẵng số ngày 7-8-2009).

Bà ở hun hút phía sau nhà, quẩn quanh bên giường của 2 con để làm tất tần tật những công việc không tên như gãi lưng, xoa chân, kê gối, cho uống thuốc an thần, v.v… Anh Nghĩa, chị Nga - các con của bà ra đời bình thường, học giỏi, nhưng qua 10 tuổi thì lần lượt phát bệnh, cơ thể vặn vẹo, trí não đần độn.

Đôi tay người mẹ già chai lì với chứng trật gân vì đỡ con, đôi mắt bà rành rẽ lúc nào trăng mờ, trăng tỏ vì đêm đêm không được yên giấc. Hồi ấy, người mẹ già qua tuổi 70 ngồi bên 2 “đứa nhỏ” ngoài 30 tuổi mà đau đáu nỗi lo, rủi bà ra đi trước thì ai sẽ theo con trên đoạn đường còn lại. Bà tìm nhiều chỗ gửi con nhưng không nơi nào gật đầu, bởi rất nhiều khó khăn kèm theo khi tiếp nhận người bại liệt…

Hôm nay, anh Nghĩa, chị Nga vẫn vậy, vẫn bé bỏng trong bàn tay mẹ. Có khác là điều ước được một nơi nào đó che chở 3 mẹ con thì đã thành hiện thực. 2 chiếc giường của 3 mẹ con không nằm heo hút nữa, mà được đặt ngay cửa sổ nhìn ra sân chơi đầy sắc hoa. Nhìn một bà lão cặm cụi chăm 2 con, khó ai có thể kiềm lòng, nhưng với bà Thê, ước nguyện riêng mình không còn xa vời nữa…

Bên cạnh mẹ Thê, chúng tôi còn gặp lại mẹ May cùng em Trinh, em Trúc - 2 con của chị. Đến nhà chị May tại thôn An Trạch, xã Hòa Tiến vào một ngày hè cách đây 5 năm, còn nhớ cảnh vợ chồng chị đón chúng tôi bằng đôi mắt phờ phạc sau nhiều đêm mất ngủ vì con sốt cao liên tục (“Nỗi đau còn đầy” - Báo Đà Nẵng số ngày 9-8-2012).

Anh Xong, chồng chị May, từng là bộ đội của Trung đoàn 94, Sư đoàn 307 đóng tại Đức Cơ, sau đó chuyển đến chiến trường Campuchia. Trong thời gian đi bộ đội, anh bị bệnh nặng và được  đưa về Việt Nam. Sau này, Bệnh viện 103 xác nhận anh Xong bị suy nhược do có tiếp xúc với dioxin. Trinh, con gái đầu của anh chị năm nay ngoài 20 tuổi, yếu dần các chi không đi lại được. Trúc, em trai út 20 tuổi, “nằm miết từ hồi ra đời tới chừ”.

Chị May nhận ra ngay chúng tôi sau nhiều năm không gặp. Chị vui vẻ kể vườn ổi nhà mình còn sum suê như hồi chúng tôi đến, nhưng hễ nghe hỏi về các con là chị lấy khăn che mặt. “Tủi lắm”, chị chỉ có thể trả lời vỏn vẹn bấy nhiêu trước tất cả lời hỏi thăm dành cho mình.

Nỗi ám ảnh của chị May là khi 2 con cùng lăn ra ốm. Những căn bệnh lạ lùng cứ khiến con chị dù đôi mắt vẫn say sưa nhìn ngắm cuộc đời, nhưng thân thể ngày càng co quắp. Chị chẳng hiểu vì sao, chẳng biết hỏi ai và càng chẳng biết kêu ai những khi tuyệt vọng.

“Tới đây (nhà nội trú - PV), tôi ngủ được, chỗ ni mát, có người lo cơm nước, vệ sinh mình cũng đỡ nhiều”. Hơn nữa, nhìn xung quanh nhiều mẹ còn khổ hơn khi con rên rỉ, gào nghiến đêm ngày, chị càng tự ủi an “được ri còn đỡ”.

Ông Chan nhiều lần nói, bà Thê, chị May và những bà mẹ đồng cảnh ngộ cứ ở miễn phí trong khu nhà nội trú này bao lâu tùy thích. Đó là khoảng thời gian các mẹ được các cô bảo mẫu, điều dưỡng của Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng san sẻ công việc để có thể nghỉ ngơi đôi chút, lấy sức đưa con đi qua những gập ghềnh.

Vắng mẹ, Hậu được các cô bảo mẫu chăm sóc và giờ em đã đủ sức gượng đầu dậy.
Vắng mẹ, Hậu được các cô bảo mẫu chăm sóc và giờ em đã đủ sức gượng đầu dậy.

Không từ bỏ tương lai

Gánh nặng nào có thể dễ dàng buông bỏ, nhưng trước những nhọc nhằn cùng con thì dường như không người mẹ nào chối từ. Không chỉ vì con mình, đến cả “con của con” mình, các mẹ già vẫn sẵn sàng nghiêng vai gánh vác.

Trong ngôi nhà nội trú, cùng với những bà mẹ theo con vào “nghỉ dưỡng”, còn có một bà cụ mà gọi là “nội” cũng được, “ngoại” cũng đúng khi bà đóng một lúc 2 vai. Bà Đinh Thị Huệ thay con gái và con dâu đưa cháu ngoại 18 tuổi và cháu nội 19 tuổi đến sống tại khu nhà này.

Trong khi “cu Tâm” cháu nội dù đi đứng liêu xiêu nhưng tỏ ra hóm hỉnh, thì “cu Hưng” cháu ngoại nằm một chỗ chỉ biết duy nhất một việc há miệng cho bà bón cơm. Vuốt má Hưng, bà Huệ đắng đót: “Má nó hồi xưa cũng là giáo viên trên miền núi đó chớ. Sinh nó ra bị như ri, chồng lại bỏ đi. Má nó cũng bỏ nghề giáo về quê làm đủ nghề. Hồi nớ má nó nặng hơn 60kg, giờ cứ rút dần nhỏ xíu, chẳng biết răng nữa”.

Sau mỗi muổng cơm ngoại bón, Hưng lại ho sặc, người xung quanh hết hồn, nhưng bà Huệ vẫn bình tĩnh như không có chuyện gì xảy ra. Bà quen rồi cảnh các cháu ăn uống, sinh hoạt khác người và cũng chẳng than phiền ở tuổi này còn con dại cái mang.

Số lượng nạn nhân bị ảnh hưởng di chứng chất độc da cam thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3 nằm bất động trên địa bàn huyện Hòa Vang hiện có 90 người. Thế nên, những câu chuyện cuộc đời như bà Huệ, bà Thê khó mà kể hết và họ càng không muốn “tua” ngược “cuộn phim” đời mình để gặm nhấm nỗi đau. Tất cả những gì họ làm lúc này là còn sống được ngày nào đều dồn cả cho con.

Nhiều bà mẹ trong số đó từng có ý định “giải thoát”, nhưng suy nghĩ ấy vụt qua mau khi họ tự hỏi “con sẽ sống ra sao nếu mình…?”. Nhất là khi nhìn những đứa trẻ sinh ra thân thể dị dạng lại mang nỗi đau xa mẹ, họ càng thấu hiểu, có lẽ hạnh phúc duy nhất sót lại của những đứa trẻ bất hạnh này là còn có mẹ bên cạnh.

Cũng vì vậy, đến căn nhà tập thể đặc biệt này, các bà mẹ không chỉ quẩn quanh chiếc giường nơi có con mình, mà còn hướng đến một tình thương khác, nơi có đứa trẻ lủi thủi thiếu vắng mẹ cha.

“Bé” Nguyễn Thị Hậu 28 tuổi, là “cư dân” đầu tiên đến khu nhà này và cũng là đứa trẻ duy nhất không có mẹ sớm hôm như các bạn khác. Mẹ Hậu mất sớm, ba cụt 1 tay và bận ở nhà chăm lo cho 2 người con lớn bị tâm thần.

Bao năm qua, Hậu nằm một chỗ như cái xác không hồn. Kỷ niệm của các cô lúc đưa Hậu vào đây là cơ thể em đầy “mùi” lâu ngày không tắm rửa. Một thời gian ngắn được chăm sóc tại nhà tập trung, Hậu có chút sức lực đủ gượng đầu dậy và được ai vỗ vỗ vào mặt bảo “cười lên Hậu”, em biết nhoẻn miệng với chằng chịt nếp nhăn…

Mỗi tháng ông Harold Chan hỗ trợ 3.000 USD để Hội Nạn nhân chất độc da cam có nguồn kinh phí lo miếng ăn, giấc ngủ, san sẻ nỗi vất vả với những bà mẹ và những em bé này. Như bao nhiêu việc đã làm trước đây, ông Chan không hứa sẽ hỗ trợ đến năm nào, ông chỉ nói sẽ lo cho những bà mẹ, những em bé này cho đến khi ông không còn nữa. “Tranh thủ lấy tiền của tôi đi. Tôi già rồi”, ông tỷ phú nói vui trong ánh nhìn còn đong đầy trăn trở.

Khu nhà nội trú có tổng trị giá 1,2 tỷ đồng, với diện tích 240m2, nằm trong khuôn viên Trung tâm Bảo trợ và chăm sóc trẻ em da cam Đà Nẵng tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang. Nơi đây đang nhận chăm sóc 10 trẻ bị bại liệt. Theo nguyện vọng của tỷ phú Harold Chan, khu nội trú sẽ mở rộng cửa đón tiếp các gia đình nạn nhân chất độc da cam có con bị bệnh nặng đến nghỉ dưỡng.

THU HOA

.