Chính trị - Xã hội

Thu phí dịch vụ môi trường rừng

10:44, 14/04/2016 (GMT+7)

Tại thành phố Đà Nẵng, triển khai Nghị định số 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 80/2011/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT về thu phí dịch vụ môi trường rừng, ngày 22-11-2014, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của thành phố ra đời.

Khu Du lịch sinh thái Suối Hoa của Doanh nghiệp tư nhân Suối Hoa là một trong 10 đơn vị trả phí dịch vụ môi trường rừng theo quy định.
Khu Du lịch sinh thái Suối Hoa của Doanh nghiệp tư nhân Suối Hoa là một trong 10 đơn vị trả phí dịch vụ môi trường rừng theo quy định.

Để thực hiện thu phí dịch vụ môi trường rừng theo quy định, ngày 11-8-2015, UBND thành phố ban hành Quyết định số 5803/QĐ-UBND phê duyệt danh sách các đơn vị hưởng lợi từ tài nguyên rừng phải chi trả phí dịch vụ môi trường rừng (đợt 1). Đó là, 10 doanh nghiệp (DN) gồm: Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng, Công ty CP Cáp treo Bà Nà, Công ty CP Tập đoàn Trung Thủy, Công ty CP Tập đoàn Mặt Trời, Công ty CP Danatol, Doanh nghiệp tư nhân Suối Hoa, Doanh nghiệp tư nhân Trường Đại Phúc, Công ty CP Sơn Trà, Công ty CP Khai thác và phát triển du lịch Hòa Phú Thành. Ngày 19-10-2015, UBND ban hành tiếp Quyết định số 7720/QĐ-UBND quy định mức chi trả phí dịch vụ môi trường rừng bằng 1,5% doanh thu thực hiện trong kỳ. Việc chi trả bắt đầu từ ngày 1-1-2016.

Ngay từ đầu năm, Quỹ Bảo vệ phát triển rừng Đà Nẵng đã triển khai việc thu phí dịch vụ môi trường rừng đối với 10 DN phải chi trả đợt 1. Tuy vậy, đến nay mới chỉ có 1 DN, đó là Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng thực hiện việc chi trả với số tiền 583 triệu đồng.

Ông Trần Viết Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Đà Nẵng cho biết: Việc chi trả phí dịch vụ môi trường rừng là chính sách mới, chưa có tiền lệ trong quá khứ, do vậy, thu đủ, thu đúng không hề đơn giản. Yếu tố có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả thu phí là nhận thức, trách nhiệm của các DN hưởng lợi từ môi trường rừng. Đến nay, 6 DN đã ký kết hợp đồng chi trả và 1 trong số đó đã chuyển tiền qua Kho bạc Nhà nước.

Hiện có 4 DN chưa ký kết hợp đồng. Được biết, các đơn vị này cũng thống nhất với chính sách chi trả phí dịch vụ môi trường rừng, tuy vậy chưa thống nhất với mức chi trả 1,5% trên tổng doanh thu thực hiện được trong kỳ. Các DN này cho rằng, cần phải tách bạch các khoản thu thực sự hưởng lợi từ môi trường rừng để đóng phí cho phù hợp, bởi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN còn có các khoản thu từ các dịch vụ khác không thuộc phạm vi ở vùng rừng.

Về sử dụng số tiền thu được từ phí dịch vụ môi trường rừng, ông Trần Viết Phương cho biết thêm: Các điều khoản quy định tại Nghị định 99/2010/NĐ-CP quy định rất chi tiết. Cụ thể, trích cho các hoạt động của quỹ 10%, số còn lại sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các đơn vị chủ rừng để qua đó nâng cao trách nhiệm và hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù đây là chính sách mới, song hầu hết các DN sản xuất kinh doanh nước sạch, kinh doanh dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng... trên địa bàn thành phố đều nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình trong đóng phí dịch vụ môi trường rừng. Ông Nguyễn Vọng, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Trường Đại Phúc cho rằng, được thành phố giao đất giao rừng để mở cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, hưởng lợi không nhỏ từ môi trường rừng, chi trả phí môi trường là việc đương nhiên. Doanh nghiệp rất đồng tình với chủ trương này và sẽ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định.

Bài và ảnh: N.C

.