Chính trị - Xã hội

Trắng đêm kiểm tra an toàn thực phẩm

07:43, 21/05/2016 (GMT+7)

Từ 1 giờ 30 đến 5 giờ sáng ngày 20-5, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ và Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng dẫn đầu đoàn đi kiểm tra một số điểm giết mổ, chế biến và cung cấp các loại thịt, cá, rau, củ, quả chủ lực của thành phố.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ và Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng kiểm tra việc đóng dấu kiểm dịch gia cầm trước khi mang ra thị trường tiêu thụ. 	               Ảnh: PHAN CHUNG
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ và Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng kiểm tra việc đóng dấu kiểm dịch gia cầm trước khi mang ra thị trường tiêu thụ. Ảnh: PHAN CHUNG

Đoàn lần lượt kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại cảng cá Thọ Quang, chợ Đầu mối Hòa Cường và Trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm Đà Sơn. Tại mỗi điểm, lãnh đạo thành phố đều yêu cầu lấy mẫu, kiểm tra nhanh chất lượng thực phẩm.

Chính quyền sát cánh cùng ngư dân

Hơn 1 giờ 30, cảng cá Thọ Quang tấp nập tàu vào neo đậu. Hàng tấn hải sản tươi ngon lần lượt được bốc lên từ các khoang ướp. Theo nhiều ngư dân, hoạt động đánh bắt, tiêu thụ hải sản thời gian qua bị ảnh hưởng nặng, một phần do tâm lý e ngại của người tiêu dùng. Cá, tôm, mực và nhiều loại hải sản khác dù được đánh bắt ở những ngư trường cách đất liền hàng trăm hải lý nhưng vẫn bị người tiêu dùng từ chối sử dụng. Ngư dân Huỳnh Ngọc Châu (quê Đức Phổ, Quảng Ngãi), chủ tàu cá QNg94568 cho biết, giá hải sản giảm xuống còn 1/3 so với trước đây, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của ngư dân.

Trước những khó khăn ngư dân đang gánh chịu, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chia sẻ, chính quyền luôn sát cánh cùng ngư dân và đồng hành với người tiêu dùng chống thực phẩm bẩn. “Ngoài việc lấy mẫu nước biển hai ngày mỗi lần để kiểm tra và công bố kết quả công khai, lãnh đạo thành phố yêu cầu Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm sản và thủy sản lấy các mẫu hải sản hằng ngày tại cảng cá để kiểm tra, xem đây là cơ sở quan trọng giúp người dân yên tâm sử dụng sản phẩm từ biển”, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nói. Lãnh đạo thành phố cũng khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để ngư dân tiếp tục bám biển, giữ ngư trường, xứng đáng là những cột mốc sống trên Biển Đông.

Sau cảng cá, đoàn tiếp tục kiểm tra chợ Đầu mối Hòa Cường-nơi cung cấp hơn 220 tấn rau, củ quả mỗi ngày cho thành phố. Tại đây, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND thành phố trực tiếp kiểm soát việc lấy mẫu ngẫu nhiên các loại thực phẩm để kiểm tra.

Ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm sản và thủy sản cho biết, thực hiện chủ trương của thành phố, bắt đầu từ 1 giờ 30 mỗi ngày, các chuyên viên của chi cục tiến hành kiểm tra nhanh ngẫu nhiên các mẫu nông sản được nhập về từ nhiều địa phương. “Vẫn còn tồn tại tình trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Riêng trong năm 2015, chúng tôi phát hiện 8 mẫu. Tuy nhiên, khi mang đi kiểm tra chuyên sâu hơn thì tất cả đều nằm trong ngưỡng cho phép”, ông Tứ cho biết.

Lãnh đạo thành phố kiểm tra việc lấy mẫu thực phẩm tại chợ đầu mối Hòa Cường. 	             Ảnh: P.C
Lãnh đạo thành phố kiểm tra việc lấy mẫu thực phẩm tại chợ đầu mối Hòa Cường. Ảnh: P.C

“Tốn bao nhiêu cũng phải làm!”

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm sản và thủy sản, việc kiểm tra nhanh các mẫu thực phẩm chỉ tốn kinh phí khoảng 80.000 đồng/mẫu; nhưng nếu kiểm tra chuyên sâu, đơn vị phải gửi mẫu vào thành phố Hồ Chí Minh vì khu vực miền Trung không có thiết bị, với kinh phí khoảng 2 triệu đồng/mẫu, rất tốn kém.

Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ khẳng định: “Phải tăng cường cả về số lượng mẫu lẫn tần suất kiểm tra, tốn bao nhiêu tiền cũng phải làm! Bằng mọi cách phải làm để người dân thực sự yên tâm thực phẩm không còn độc tố”. Lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm sản và thủy sản phối hợp Chi cục Quản lý thị trường, Ban quản lý chợ đầu mối có chế tài đặc biệt đối với những chủ hàng cung cấp nông sản có độc tố; quyết liệt truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, thậm chí cấm nhập hàng vĩnh viễn nếu chủ hàng phớt lờ các quy định và liên tục vi phạm.

Tại Trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm Đà Sơn, liên quan đến câu chuyện đầu tư cơ sở hạ tầng để bảo đảm vệ sinh môi trường, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ yêu cầu trung tâm sớm bổ sung kinh phí đầu tư, nâng cấp một số hạng mục.

“Phải sớm đầu tư, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải vì hệ thống cũ quá lạc hậu, quá tải; bên cạnh đó, sớm lắp đặt, mở rộng hệ thống nước thủy cục để phục vụ cho việc giết mổ. Nếu sử dụng quá nhiều nguồn nước khoan tại chỗ thì nguy cơ ô nhiễm, mất an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao”, ông Huỳnh Đức Thơ nói.

Được biết, trung bình mỗi ngày, nơi đây giết mổ 1.200 con heo, 60 con bò, cung cấp khoảng 50% lượng thịt gia súc cho toàn thành phố. Quá trình kiểm tra hoạt động giết mổ bộc lộ nhiều hạn chế. Đó là tình trạng mất vệ sinh tại khu vực giết mổ bò, heo; người lao động không được bảo hộ đầy đủ; các nhà xưởng và phân khu bố trí không hợp lý.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đề nghị trung tâm này sớm có kế hoạch cải thiện, nâng cấp những bất cập, tuyệt đối không để tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm ngay tại nơi cung cấp một lượng thực phẩm lớn cho thành phố như thế này.

PHAN CHUNG

.