Chính trị - Xã hội

Trung tâm học tập cộng đồng: Xa lạ với… cộng đồng

07:52, 16/05/2016 (GMT+7)

Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) ra đời dựa trên Quyết định 112/2005/QĐ-TTg, nhằm xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập với tiêu chí cơ bản là tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi để mọi người, mọi lứa tuổi và mọi trình độ được học tập suốt đời. Tuy vậy, hầu hết các TTHTCĐ trên địa bàn Đà Nẵng lại đều… xa lạ với người dân.

Lớp xóa mù chữ của TTHTCĐ phường An Hải Bắc diễn ra tại nhà giáo viên phụ trách vì… không có địa điểm học!
Lớp xóa mù chữ của TTHTCĐ phường An Hải Bắc diễn ra tại nhà giáo viên phụ trách vì… không có địa điểm học!

Sắm ra cho có

Mỗi xã, phường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đều có TTHTCĐ nhưng nhiều người dân không biết trung tâm đó là gì, hoạt động như thế nào, phục vụ cho ai. Ông Lê Đình Thi, Bí thư Chi bộ Xuân Đán 2, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê nói: “Người dân phản ánh đúng đó, họ không biết là phải rồi. TTHTCĐ có hoạt động chi nhiều đâu. Dường như sắm ra cho có, không hiệu quả, không đúng mục tiêu đề ra”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, TTHTCĐ chưa có cơ sở riêng. Lâu nay, TTHTCĐ “đóng quân” tại UBND phường, xã, mọi hoạt động diễn ra tại hội trường UBND phường. Có nơi, phòng làm việc của Phó Chủ tịch UBND phường, xã kiêm Giám đốc TTHTCĐ, cũng chính là văn phòng của Trung tâm.

Tiếp chúng tôi tại phòng làm việc, đồng thời là văn phòng của TTHTCĐ phường, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Chủ tịch phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) cho biết, ngoài lớp xóa mù chữ cho 8 chị em ở độ tuổi 30 - 49 trên địa bàn, hoạt động của Trung tâm chủ yếu được lồng ghép vào hoạt động của các đoàn thể.

Trong đó, nổi bật là hoạt động tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phổ biến kiến thức về Hiến pháp, pháp luật (luật hôn nhân gia đình, an toàn giao thông, môi trường, bạo lực gia đình…) và những quy định về xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị…

“Hoạt động của Trung tâm không thường xuyên. Lớp xóa mù chữ cũng khó khăn trong việc vận động các chị đến học tập… Tôi thừa nhận TTHTCĐ chưa phát huy hết vai trò”, bà Bình nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND phường Thạch Thang (quận Hải Châu) cũng cho biết, địa phương khá lúng túng trong triển khai hoạt động TTHTCĐ. Theo bà Thu, vùng nông thôn, vùng ven đô thị có trình độ dân trí thấp và có nhu cầu phổ cập kiến thức chăn nuôi, trồng trọt nên mô hình TTHTCĐ còn phát huy chức năng, thông qua việc mở các lớp dạy nghề ngắn hạn, tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; nhưng ở trung tâm thành phố, những nhu cầu này hoàn toàn không có. Hơn nữa, trình độ dân trí khá cao, phương tiện truyền thông phong phú, hiện đại thì hẳn nhiên người dân nội thành không tha thiết tìm đến TTHTCĐ.

“Cần gì học nấy, học cái đang cần, học để làm ngay là phương châm xây dựng một xã hội học tập. Nhưng với thực tế tại địa phương, một số thanh niên không nghề nghiệp, kinh tế gia đình khó khăn, định hướng các em theo những nghề phù hợp với đời sống đô thị như pha chế, nấu ăn, cắt tóc… thì chúng tôi lấy đâu cơ sở, điều kiện để tổ chức các lớp học như thế”, bà Thu phân trần.

TTHTCĐ có 4 chức năng chính: giáo dục và huấn luyện, thông tin và tư vấn, phát triển cộng đồng, liên kết phối hợp. Nhưng hiện tại, đa số TTHTCĐ chỉ thực hiện chức năng liên kết phối hợp. Về điều này, các cán bộ phụ trách TTHTCD đều cho rằng mức kinh phí hoạt động thấp, chỉ 20 triệu đồng/phường, xã/năm; cán bộ kiêm nhiệm nên thường bị quá tải, cơ sở vật chất không có... là những nguyên nhân chính khiến TTHTCĐ hoạt động cầm chừng, mang tính hình thức.

Hướng đi nào cho TTHTCĐ?

Năm 2016, thực hiện chủ trương thí điểm hợp nhất Trung tâm Văn hóa-Thể thao (TTVHTT) và TTHTCĐ của thành phố, 19 địa phương được chọn thí điểm tiến hành hợp nhất, bao gồm 13 phường trực thuộc quận Hải Châu, các phường Xuân Hà và An Khê (quận Thanh Khê), phường An Hải Đông (quận Sơn Trà), phường Hòa An (quận Cẩm Lệ), phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) và xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang).

Giám đốc TTHTCĐ phường Xuân Hà (quận Thanh Khê) Nguyễn Tấn Nghĩa cho biết, thực hiện sáp nhập trong điều kiện TTVHTT phường vẫn chưa ổn định về cơ sở vật chất thì chưa thể đánh giá được hiệu quả hay không.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL thành phố cho hay, Điều 3 của Thông tư 12/2010/TT-BVHTTDL do Bộ VH-TT&DL ban hành ngày 22-12-2010 quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của TTVHTT xã có nêu về cơ cấu tổ chức, TTVHTT xã, phường được thành lập trên cơ sở hợp nhất các thiết chế, trong đó có TTHTCĐ. Tuy nhiên, TTHTCĐ lại thuộc lĩnh vực GD&ĐT, không liên quan đến lĩnh vực VH-TT nên khá bất cập cho công tác quản lý.

“Theo quan điểm của tôi, không nên sáp nhập TTHTCĐ vào TTVHTT xã, phường. Chỉ riêng TTVHTT nghĩ cách vận hành sao cho hiệu quả đã khó rồi, huống chi thêm TTHTCĐ. Hiện chúng tôi vẫn đang lấy ý kiến để hoàn thiện quy chế tạm thời về quản lý, tổ chức và hoạt động của TTVHTT phường, xã. Việc thí điểm sáp nhập TTHTCĐ thực hiện theo tham mưu của Sở Nội vụ. Nếu hiệu quả thì triển khai đại trà, nếu không thì ngừng”, ông Chiến nói.

TTHTCĐ ra đời theo chiến lược xây dựng xã hội học tập từ cơ sở, đưa cả nước trở thành một xã hội học tập. Nhưng với tình trạng hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, các ngành chức năng nên thực hiện rà soát, đánh giá toàn diện TTHTCĐ, từ đó định hướng xây dựng theo hướng nào, mô hình nào phù hợp với thực tế địa phương.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

.