Chính trị - Xã hội
Ba định hướng cho công tác tìm kiếm, cứu nạn
Sáng 16-6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn (TKCN) với sự tham gia của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban và các lãnh đạo bộ, ngành là thành viên của Ủy ban để đánh giá công tác TKCN thời gian qua và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ 3 định hướng cho công tác tìm kiếm cứu nạn. Thứ nhất, nêu cao tinh thần trách nhiệm của mọi cơ quan chức năng trong tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ. Thứ hai, mọi tai nạn, thiên tai đều phải được chỉ đạo, xử lý kịp thời. Thứ ba, các cấp, các ngành và người dân không trông chờ, ỷ lại, phải chủ động xử lý trên tinh thần “4 tại chỗ”.
Thủ tướng đánh giá cao kết quả đạt được của Ủy ban Quốc gia TKCN thời gian qua, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, công tác tìm kiếm, cứu nạn còn có nhiều hạn chế, công tác dự báo, cảnh báo còn nhiều bất cập, chưa chủ động. Chế độ trực, theo dõi, nắm tình hình theo phân cấp ở một số vụ việc còn chưa kịp thời, phối hợp hiệp đồng thiếu chặt chẽ. Cho rằng tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, có xu hướng gay gắt hơn, Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ cụ thể với tinh thần “tính mạng con người là trên hết”. Các bộ, ngành, địa phương có sự thay đổi bộ máy nhân sự sau cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp vừa qua, cần khẩn trương rà soát, kiện toàn ban chỉ đạo, ban chỉ huy về phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, người dân trong phòng ngừa, ứng phó sự cố, thiên tai, hạn chế tư tưởng chủ quan.
Thủ tướng yêu cầu duy trì nghiêm chế độ trực 24/24 giờ, nắm chắc tình hình sự cố thiên tai, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, kịp thời tham mưu, đề xuất triển khai các biện pháp ứng phó. Thực hiện tốt hơn Luật Phòng chống thiên tai, các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác này. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các phương án phòng tránh thiên tai có thể xảy ra trên từng địa bàn như là mưa lũ đặc biệt lớn, sạt lở đất trên diện rộng, động đất, sóng thần và đặc biệt là bão mạnh, siêu bão. Chỉ đạo nâng cao công tác huấn luyện, diễn tập, hội thao ứng phó tình huống, sự cố, nhất là các tình huống mà nước ta hay gặp phải như bão mạnh…
Các địa phương đều phải có quy chế, phương án cứu nạn, chủ động di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Bộ Quốc phòng luôn sẵn sàng lực lượng dành cho công tác cứu nạn, cứu hộ với tinh thần cơ quan quân sự là trung tâm tham mưu của công tác này. Bộ Công an nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy. Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan tăng cường trao đổi hợp tác với các nước về công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển, đẩy mạnh đàm phán vùng TKCN trên biển giữa Việt Nam và các nước theo kế hoạch thực hiện Công ước SAR 79 đã được Thủ tướng phê duyệt. Bộ Tài nguyên và Môi trường nâng cao chất lượng công tác dự báo. Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, chỉ đạo thực hiện tốt việc điều tiết, vận hành các hồ chứa thủy điện, thủy lợi, bảo đảm an toàn công trình vùng hạ du trong mùa mưa lũ. Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm dự trữ cần thiết các nhu yếu phẩm như thực phẩm, thuốc men, không để người dân đói, đứt bữa khi gặp thiên tai; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức về cứu hộ, cứu nạn cho người dân.
Theo Chinhphu.vn