Chính trị - Xã hội
Có nên cấm bán rượu, bia sau 22 giờ?
Trong quá trình mở đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông và trật tự xã hội, cùng với việc tập trung kiểm tra xử lý các hành vi lái xe sử dụng rượu, bia quá nồng độ cồn cho phép, điều khiển xe chạy quá tốc độ…, Công an thành phố Đà Nẵng tham mưu UBND thành phố ban hành lệnh cấm các nhà hàng, khách sạn, quán ăn… bán rượu, bia sau 22 giờ và đề xuất các biện pháp xử lý phù hợp. Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận xã hội.
Trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông khi được yêu cầu đo nồng độ cồn chấp hành tốt và không vi phạm. (Ảnh chụp lúc 20 giờ ngày 16-8-2016). Ảnh: ĐẮC MẠNH |
Từ số báo này, Báo Đà Nẵng mở diễn đàn “Có nên cấm bán rượu, bia sau 22 giờ?” nhằm tiếp nhận những ý kiến đóng góp, thảo luận, trao đổi của bạn đọc liên quan vấn đề này.
Tin tức trên một số báo chí trong nước cho hay, ngày 11-8, khi làm việc với Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), Công an thành phố Đà Nẵng cho biết sẽ tham mưu UBND thành phố có lệnh cấm các nhà hàng, quán ăn bán rượu, bia sau 22 giờ và đề xuất các biện pháp xử lý phù hợp với địa phương, nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) nói riêng, an ninh trật tự (ANTT) nói chung.
Trước thông tin này, người viết có vài suy nghĩ sau đây:
Một là, việc đảm bảo TTATGT nói riêng, ANTT nói chung của thành phố là nhiệm vụ chủ yếu của lực lượng Công an. Thực tế cho thấy, trên địa bàn Đà Nẵng thời gian qua tình hình tội phạm ngày càng tinh vi, phức tạp; tai nạn giao thông có những diễn biến khó lường, trong đó nguyên nhân do uống rượu, bia say gây tai nạn rất đáng lo ngại. Có những vụ tai nạn xảy ra ngay sau khi rời các quán nhậu, khi người điều khiển phương tiện đã ở trong tình trạng say xỉn. Hay ngay tại các quán nhậu đã diễn ra các vụ ẩu đả do khánh hàng uống rượu, bia say.
Do vậy, việc tìm ra các biện pháp phòng ngừa thích hợp để giữ gìn ANTT trên địa bàn thành phố của ngành Công an hay các ngành chức năng khác là rất đáng hoan nghênh, nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho mọi người, góp phần tạo dựng hình ảnh một thành phố yên bình.
Hai là, các biện pháp phòng ngừa được đặt ra phải phù hợp các yếu tố sau: đúng luật, phục vụ cho sự phát triển các mục tiêu kinh tế-xã hội của thành phố.
Tuy nhiên, việc ngành Công an thành phố muốn đưa ra biện pháp cấm bán rượu, bia sau 22 giờ là một ý tưởng nhưng cần được xem xét kỹ lưỡng.
Chúng ta đều biết, mục tiêu của Đảng bộ và chính quyền thành phố cả trước mắt và lâu dài là nhanh chóng đưa “Đà Nẵng trở thành đô thị trung tâm kinh tế-văn hóa- xã hội lớn, một cực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”; trong đó “phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của thành phố. Sớm xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch, gắn với tổng thể du lịch Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Tây Nguyên, trong mối quan hệ quốc gia và khu vực Đông Nam Á”.
Để đạt mục tiêu nói trên, vấn đề tạo dựng hành lang cả pháp lý và những hoạt động thực tế sao cho thông thoáng, đa dạng, hấp dẫn để ngành du lịch phát triển mạnh mẽ là nhiệm vụ cấp bách mà các ngành liên quan của thành phố phải hành động quyết liệt.
Đã nhiều lần lãnh đạo thành phố phát biểu trên các diễn đàn nêu những câu hỏi của nhiều du khách đặt ra là khi đến Đà Nẵng họ không có các khu vui chơi hấp dẫn, thiếu nhiều nơi sinh hoạt về đêm; người dân thành phố đóng cửa ngủ quá sớm làm cho đô thị Đà Nẵng quá tĩnh mịch, không sôi động của một nơi được cho là thành phố du lịch.
Nếu chúng ta thu hút khách du lịch thì phải tạo ra nhiều sản phẩm hấp dẫn như nhiều điểm tham quan, có nhiều khu mua sắm, nhiều khách sạn, nhiều khu ẩm thực đặc sắc và nhiều khu vui chơi giải trí về đêm…
Như mới đây, tại hội nghị phát triển du lịch của Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, vào mùa thu tới đây chính quyền thành phố sẽ không hạn chế các khu dịch vụ lâu nay ở phổ cổ cấm hoạt động sau 24 giờ, mà được chuyển sang hoạt động suốt đêm để tạo điều kiện cho du khách có nơi để thưởng thức ẩm thực và vui chơi giải trí.
Để hoạt động suốt đêm thì các vũ trường, quán ăn, điểm giải trí không thể không bán rượu, bia - một thức uống khá phổ biến hiện nay ở nước ta cũng như thế giới, được khách du lịch ưa thích. Nhất là thành phổ biển của Đà Nẵng với các món ăn hải sản hấp dẫn nếu không có rượu, bia thì e rằng sẽ có rất ít du khách thưởng thức.
Vấn đề mấu chốt ở đây là bán rượu, bia thế nào, cho những đối tượng nào, ở những khu vực nào mới là đáng bàn để tìm ra những giải pháp thích hợp.
Ví dụ, nếu là thành phố du lịch, thì chúng ta phải nhanh chóng quy hoạch khu nào là khu vui chơi, khu ăn uống, khu dân cư… Rồi việc bán rượu, bia như thế nào. Ta có thể cấm bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi hay không…
Mặt khác, chúng ta cũng phải thống nhất và nghiêm khắc là xử lý các hành vi vi phạm luật khi tham gia giao thông. Nếu người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông mà uống rượu, bia quá nồng độ quy định thì xử nghiêm, đưa vào hồ sơ quản lý, nếu sau này tiếp tục vi phạm thì phạt nặng hơn.
Người viết có dịp đi vài nước, quen nhiều người bạn, khi họ đưa khách đi chơi nếu dự định có uống rượu, bia thì họ nhất quyết đi taxi; hoặc lái xe đưa đi lỡ uống rượu, bia, thì họ nhất quyết để xe lại nhà hàng, đi taxi về và ngày hôm sau mới đến lấy xe.
Do vậy, điều mấu chốt ở đây chính là tạo ra một hành lang pháp lý mạnh mẽ, cách hành xử của lực lượng chức năng là rất lịch sự, nghiêm minh và chính xác.
Một khi chúng ta tiến hành đồng bộ các nhân tố, các biện pháp để tạo ra môi trường du lịch đa dạng, hấp dẫn nhưng lành mạnh, chính đáng thì sẽ dễ dàng khắc phục những điểm yếu, xử lý kịp thời những sai phạm.
Thiển nghĩ, đó cũng là cách để đảm bảo TTATGT nói riêng, ANTT nói chung của thành phố Đà Nẵng chúng ta.
TUYẾT MINH